Từ 20 đến 30-6 âm nên bao sái ban thờ chuẩn bị lễ cúng 'tháng cô hồn', để không bị tán tài, cả nhà bình an
Chuẩn bị cho một loạt lễ cúng trong 'tháng cô hồn' (tháng 7 âm lịch) chu đáo, các gia chủ có thể tiến hành bao sái ban thờ từ 20/6 tới hết tháng 6 âm lịch. Nhưng theo phong thủy, nên bao sái thế nào, chuẩn bị thế nào để việc cúng lễ không bị tán tài và đi qua tháng cô hồn bình an?
Bao sái ban thờ đón 'tháng cô hồn' để thu hút tài lộc, may mắn
Ban thờ là nơi kết nối tâm linh với gia tiên tiền tổ thân tộc, cũng là nơi các bậc thần linh phù trợ, mang lại may mắn cho gia đình. Để chuẩn bị cho các lễ cúng trong tháng 7 âm lịch chu đáo, theo quan niệm phong thủy gia chủ nên tiến hành bao sái ban thờ từ khoảng ngày 20 tới 30/6 âm lịch.
Theo quan niệm phong thủy, gia chủ nào cẩn thận sẽ chọn ngày đẹp, giờ tốt để bao sái ban thờ. Nếu bận rộn thì tiện ngày nào, làm ngày đó - nhưng nên chọn ngày có Trực Trừ, hoặc chọn một trong các ngày cuối tháng 6 âm lịch để bao sái ban thờ.
Trước tiên cần chuẩn bị một chiếc khăn sạch và chọn dùng một trong các thứ nước để bao sái ban thờ như sau:
- Nước lã thì nên đun sôi, để âm ấm mới dùng. Hoặc dùng nước ấm pha thêm ngũ vị hương, hay bột thơm chuyên dùng bao sái ban thờ.
- Nước gừng ấm bao sái ban thờ có tác dụng làm sạch, thu hút tài lộc và may mắn đến với gia đình. Lưu ý là dùng nước gừng ấm, không phải rượu gừng - bởi rượu gừng có tính nóng mạnh có thể làm ban thờ bị hư hỏng, bong tróc, cháy gỗ...
- Hoặc dùng nước thơm bao sái pha từ các nguyên liệu có tinh dầu như Ngọc Am Thiện, Quế Sát, Bồ Đề Tâm, Bồ Kết, Trầm Hương Dược... là những loại thảo mộc tự nhiên có tác dụng làm sạch, lại không tổn hại đến ban thờ, lại có hương thơm dễ chịu.
Nước thơm này thường làm từ nhiều loại thảo dược mang năng lượng dương mạnh, có tác dụng tẩy bỏ chược khí, tà khí lưu cữu, giúp khu vực thờ cúng trở nên thanh tịnh.
Nước thơm còn có loại đóng vào các chai/lọ xịt dùng rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người làm việc bao sái ban thờ hiệu quả cao hơn, còn được các nhà phong thủy khuyên dùng để thanh tẩy cho cả không gian ngôi nhà.
Năng bao sái ban thờ hàng tuần, hàng tháng, chứ không phải đến cuối năm mới làm
Người làm nhiệm vụ bao sái ban thờ phải tắm rửa sạch sẽ, thắp hương xin phép thần linh và gia tiên để tiến hành bao sái ban thờ. Khi cây hương cháy hơn 1/2 thì có thể bắt đầu bao sái bát nhang, đồ thờ cúng trên ban thờ - nhưng hầu hết đều chờ hương tàn thì mới bắt đầu.
Bao sái ban thờ cần bao sái từ trên cao xuống thấp.
- Các pho tượng nên dùng khăn mềm để lau để tránh bị xước, bay màu sơn. Hoặc dùng máy thổi hơi thổi sạch bụi trong ngóc ngách. Tránh xê dịch các pho tượng, bát hương (nếu buộc phải xê dịch thì sau đó phải thắp hương đưa về đúng vị trí an vị ban đầu).
- Tỉa chân hương: Bát hương nhiều chân hương sẽ làm bàn thờ nhanh bụi bẩn. Vì thế cần tỉa bớt chân hương. Nên rút chân hương từng chút một cho tới khi còn một số lẻ 3, 5, 7, 9 trong bát hương. Chân hương rút ra hóa thành tro đem đổ xuống sông, hồ… hoặc chờ tro nguội thì vùi vào gốc cây. Không nên vứt chân hương, đồ thờ cúng vào thùng rác, nơi ô uế.
- Bát hương đầy tro hương cũng tuyệt đối tránh việc cầm bát hương dốc tro ra ngoài – vì theo dân gian làm như thế sẽ gây "tán tài". Hãy dùng thìa xúc bớt tro hương ra, cũng không xúc hết tro mà phải để lại ít tro cũ trong bát hương.
Xong xuôi dùng khăn sạch nhúng nước ngũ vị hương (nước thảo dược, nước thơm chuyên dùng bao sái) lau từ miệng bát hương xuống, rồi lau nhẹ xung quanh bát hương. Hạn chế xê dịch bát hương khi bao sái.
- Bài vị: Bao sái bài vị thần linh trước rồi mới đến bài vị của tổ tiên. Một số người còn kiêng không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của thần Phật – vì Thần phật có ngôi vị cao hơn, làm ngược dân gian coi là bất kính. Bài vị cũng tránh bao sái bằng rượu gừng, cồn vì làm bay sơn bài vị.
Bao sái ban thờ đúng cách giúp xua tan tà khí, dễ dàng tích tụ linh khí khiến việc thờ cúng linh ứng hơn, để 'tháng cô hồn' bớt đi những điều xui xẻo, duy trì vận may cho gia đình. Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương khuyên nên bao sái ban thờ sạch sẽ thường xuyên cũng là cách bày tỏ tấm lòng thành tâm, hiếu kính, tri ân Thần linh, Gia tiên. Do đó mỗi khi thấy ban thờ không sạch sẽ trang nghiêm thì nên bao sái ngay, có thể hàng tuần, hàng tháng, chứ không phải chờ đến 23 tháng Chạp mới làm.
Lưu ý:
- Trước khi bao sái thì thắp hương "xin phép" Thần linh và Gia tiên để bao sái ban thờ. Xong xuôi lại bày hoa quả, thắp hương báo cáo đã bao sái xong và bắt đầu cúng lễ.
- Không dùng xà phòng bao sái ban thờ, vật phẩm thờ cúng vì chất tẩy rửa này tuy làm sạch hiệu quả, tốn ít công chuẩn bị, nhưng những hóa chất độc hại trong đó không phù hợp trong việc bao sái ban thờ - nếu là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng kém còn gây hại cho sức khỏe của gia chủ.
- Không dùng nước lã bao sái ban thờ – vì theo phong thủy và tâm linh thì nước lã bình thường lẫn nhiều tạp chất, tạp khuẩn nên không thể tối ưu thanh tẩy bụi trần, uế khí cho ban thờ thần linh, gia tiên, ban thờ Thần Tài.
- Không nên vứt đồ thờ không dùng đến, hoặc chân hương mới rút vào thùng rác, hay nơi ô uế. Hãy bọc vải đỏ, hoặc cho vào thùng giấy kín thả xuống sông.
- Không tùy tiện di chuyển bát hương, rút chân hương. Muốn làm nên để cuối tháng âm lịch hãy làm, không nên làm đầu tháng để không ảnh hưởng tới may mắn, tài lộc... của gia chủ.