Từ 25/10, TP Hồ Chí Minh sẽ cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ một số khu vực
Dự kiến từ ngày 25/10, TP cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ và nhiều dịch vụ khác để người dân phát triển sinh kế theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực.
Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP không ra "một công thức chung áp dụng hết cho các địa phương". Thay vào đó, ngoài những nội dung tương đồng cần liên thông, những vấn đề riêng sẽ do chính quyền địa phương tự quyết.
"Ví dụ như khu vực này ở cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) được mở nhiều dịch vụ hơn địa bàn dịch ở mức 2, 3 (nguy cơ trung bình, cao). Các hoạt động sinh kế cũng theo đó mà mở cửa", ông Mãi nói và cho biết sau khi TP công bố cấp độ dịch, các địa phương sẽ dựa vào để mở lại các hoạt động.
Dự kiến, ngày 25/10, TP sẽ công bố mức độ dịch trên toàn thành phố theo quy định của Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi có kết quả công bố, TP sẽ căn cứ vào đó để mở lại các hoạt động.
Chỉ thị 18 của UBND TP quy định từ ngày 1/10, nhiều ngành nghề, lĩnh vực được mở cửa hoạt động trở lại trừ quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.
Theo chỉ thị này, dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang đi, không được phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, những ngày gần đây một số quán xá trên địa bàn thành phố đã rục rịch đón khách.
Trước đó, ngày 19/10, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán bằng cả hai hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu.
Điều kiện để các cơ sở này được hoạt động là đáp ứng yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.
Sở Công Thương đánh giá, sau 15 ngày TP nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Kiến nghị cho trẻ em ra đường, ra vào TP không cần xét nghiệm
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP giao Sở Y tế tham mưu điều chỉnh các yêu cầu đối với người dân khi tham gia lưu thông, trong đó cần hướng dẫn cho một số đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế được phép lưu thông, như trẻ em dưới 18 tuổi.
Đồng thời, không yêu cầu điều kiện phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính đối với việc đi lại của người dân ra, vào TP; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn chi tiết việc xét nghiệm đối với người đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Sở Y tế công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn; chủ trì, phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giám sát, hướng dẫn hành khách, thực khách thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi về đến địa phương.