Từ bẫy 'việc nhẹ, lương cao', cảnh báo nạn buôn bán người
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, bẫy 'việc nhẹ, lương cao' được các đối tượng giăng khắp nơi. Hậu quả là nhiều người vì tin vào lời hứa và mức lương hấp dẫn đã trở thành nạn nhân của các vụ buôn bán người. Đa phần các nạn nhân đều trong độ tuổi lao động, trình độ hạn chế và có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Đầu tháng 8 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử vụ án “Mua bán người”, tuyên 3 bị cáo: Lò Thị Sầu (sinh năm 1984) 10 năm tù; Lò Văn Sanh (sinh năm1990) 8 năm 6 tháng tù. Hai bị cáo này là chị em ruột, cùng trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Liên quan đến vụ án này còn có bị cáo Hoàng Văn Lợi (sinh năm 1986), trú tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, bị tuyên án 8 năm tù giam. Nạn nhân trong vụ án này là chị Hồ Thị Th. (sinh năm 1998), trú tại huyện Đakrông.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành thật khai báo thủ đoạn lừa đảo nạn nhân để bán sang Trung Quốc vào tháng 7/2019. Cái bẫy “việc nhẹ, lương cao” được các đối tượng giăng ra để dụ dỗ nạn nhân, sau đó thực hiện âm mưu khác.
Cụ thể, vào tháng 7/2019, Sầu (lúc này đang sống như vợ chồng với Lợi) được một người Trung Quốc có tên là A Lý đặt vấn đề tìm phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán cho người khác làm vợ. Sầu gọi điện cho em ruột là Sanh (đang làm công nhân Công ty thép Tuệ Minh tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) nhờ tìm người.
Tại tỉnh Bình Dương, Sanh sống như vợ chồng với một phụ nữ quê ở xã A Vao, huyện Đakrông. Do người phụ nữ này ở trọ cùng với em họ là Th. nên Sanh có quen biết và nảy sinh ý định lừa người này.
Bị cáo khai trước tòa là do biết Th. là người dân tộc Vân Kiều, ít hiểu biết nên đưa ra thông tin chị gái mình cần tìm người bán quần áo tại Hà Nội với mức lương cao để “dụ dỗ”. Sau khi Th. đồng ý, Sanh đưa chị ra Hà Nội. Trên đường đi, sợ Th. liên lạc với người thân nên lợi dụng khi chị không để ý, Sanh đã xóa hết danh bạ điện thoại, chỉ để lại số điện thoại của Sầu.
Khi Th. đến huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thì được Lợi đón, sau đó cùng Sầu và A Lý lên Lạng Sơn. Tại đây, Sầu bảo chị Th. đi với A Lý qua Trung Quốc lấy áo quần về bán. A Lý giao Th. cho một người lạ mặt dẫn đường qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sang đến Trung Quốc, chị Th. mới biết mình bị lừa.
Do không chịu lấy chồng người Trung Quốc nên chị bị A Lý nhốt và đánh đập. Khoảng 1 tháng sau, A Lý bán Th. cho một người đàn ông ở Phúc Kiến, Quảng Tây, Trung Quốc đem về làm vợ và sống tại đây. Đến khoảng tháng 6/2023, Th. may mắn trốn thoát và được giúp đỡ để trở về Việt Nam, tố cáo hành vi của các đối tượng buôn người.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra nhiều vụ việc người lao động bị đối tượng lừa đảo đưa đến những nước lân cận để làm các công việc bất hợp pháp. Trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp không được phát hiện, phải chịu cảnh bóc lột sức lao động hoặc cuộc sống hôn nhân bị tra tấn như địa ngục nơi đất khách quê người.
Người lao động rơi vào bẫy “việc nhẹ, lương cao” thường là những người không có trình độ, trẻ tuổi. Trong khi đó các đối tượng lừa đảo lại tung ra nhiều hình thức tinh vi khiến những người trẻ chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm để nhận diện. Ngoài hình thức lừa đảo chủ yếu trên mạng, sự lôi kéo từ người quen biết cũng là cách đối tượng lừa đảo sử dụng, khiến nạn nhân rất dễ tin tưởng.
Trước tình trạng đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh có văn bản gửi các đơn vị liên quan trên địa bàn về việc tăng cường công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đảm bảo an toàn, sở khuyến cáo người lao động nên tìm việc ở các kênh chính thống như sàn giao dịch việc làm hoặc trực tiếp tại các công ty có uy tín và đủ tư cách pháp nhân.
Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép, tuyệt đối không thông qua trung gian.
Người lao động, các cơ quan địa phương, cơ quan truyền thông khi có thông tin từ người dân phản ánh về tình trạng các tổ chức, cá nhân quảng cáo, đưa tin người lao động đi làm việc với cam kết “việc nhẹ, lương cao” cần cung cấp, thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để tiến hành xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các chiêu trò quảng cáo như “việc nhẹ lương cao”, “lương cao, chi phí thấp, đi nhanh”, “không cần ngoại ngữ, không cần tay nghề”... là một trong những dấu hiệu để nhận biết về doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có mục đích lừa đảo lao động, vì trên thực tế không có công việc nào như thế.
Không chỉ ở Quảng Trị mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng xảy ra tình trạng này. Tìm việc làm là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Tuy nhiên, nhiều người vì nôn nóng tìm việc làm có thu nhập cao đã rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo.
Vì thế, người lao động cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tự trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ mình. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác tội phạm. Trên thực tế, nhiều gia đình khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ xảy ra đối với người thân của mình đã báo cơ quan chức năng, nhờ đó kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra.
Để hạn chế tình trạng này, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo, giúp người dân nhận biết các dấu hiệu lừa đảo. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các ban, ngành liên quan tổ chức, thực hiện và quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong phạm vi địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như vấn đề giới thiệu, cung ứng việc làm của các đơn vị, doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện các vấn đề nóng và nổi cộm liên quan đến người lao động để xử lý, bảo vệ quyền lợi người lao động.