Từ biến di động thành cơm bình dân đến khát vọng phát triển kinh tế số Việt Nam
Tinh thần 'dũng cảm' của ngành Thông tin và Truyền thông đã, đang và sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho những bước tiến đột phá, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số.
Sự kiện: 79 năm ngày truyền thống ngành TT&TT
Tháng 8 mùa thu luôn là thời điểm đặc biệt với những người đang công tác trong ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Đây là khoảng thời gian để nhìn lại một chặng đường dài đầy dấu ấn, từ những ngày đầu tiên khi ngành Bưu điện (tiền thân của ngành TT&TT) mới thành lập.
Trải qua 79 năm hình thành, phát triển (28/8/1945 - 28/8/2024), ngành TT&TT Việt Nam đã luôn đồng hành với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Tinh thần "Dũng cảm" - 2 trong 10 chữ vàng truyền thống của ngành Bưu điện: "Trung thành – Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo – Nghĩa tình", đã thấm nhuần và định hình qua các giai đoạn phát triển của ngành. Điều này thể hiện rõ nét qua những quyết định mang tính đột phá, góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu trong lĩnh vực viễn thông, trở thành một trong những nước tiên phong trong khu vực về phát triển công nghệ và kinh tế số.
"Bộ TT&TT và ngành TT&TT đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Bộ là một trong những cơ quan tiên phong trong đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế với 3 trụ cột chính: Xóa cơ chế quan liêu, bao cấp; phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định trong buổi làm việc với Bộ TT&TT tháng 5/2021
Đổi mới lần 1: Chuyển từ công nghệ Analog sang công nghệ số
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, ngành Bưu điện Việt Nam phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong những năm đầu thập kỷ 80, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, ngành Bưu điện cũng như các ngành kinh tế khác đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn mang trên mình nhiều “vết thương” và sự lạc hậu về công nghệ.
Lúc bấy giờ, mạng lưới thông tin liên lạc của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên công nghệ Analog. Trước những yêu cầu cấp bách của sự phát triển, lãnh đạo ngành đã thể hiện tinh thần dũng cảm khi quyết định bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào hiện đại hóa với công nghệ số (Digital). Đây là một quyết định mang tính đột phá trong bối cảnh cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư và hạ tầng kỹ thuật.
Việc chuyển từ Analog sang Digital không chỉ là một bước tiến về công nghệ mà còn thể hiện tầm nhìn xa, dám nghĩ dám làm của những người đứng đầu ngành Bưu điện. Sự thành công của quyết định này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông Việt Nam, tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, quyết định này cũng là tiền đề cho những bước tiến xa hơn, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các quốc gia có nền viễn thông phát triển.
Những năm 2000, ngành viễn thông Việt Nam lại một lần nữa khẳng định tinh thần đổi mới khi quyết định mở cửa thị trường, chuyển từ mô hình độc quyền sang nền kinh tế cạnh tranh. Đây là thời điểm ngành chuyển từ chiến lược tăng tốc sang chiến lược hội nhập, phát triển với nội dung chính là mở rộng hợp tác, kinh doanh với nước ngoài.
Thời điểm này cũng là lúc ngành Bưu điện chứng kiến những bước đột phá trong tư duy quản lý và điều hành, khi các nhà mạng mới được khuyến khích tham gia vào thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển.
Kết quả của những chính sách mở cửa này là sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông di động và Internet tại Việt Nam. Những khẩu hiệu như “Internet về làng”, “Di động như cơm bình dân”, “Nông dân có di động dắt cạp quần” đã trở thành hiện thực, mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho mọi tầng lớp nhân dân.
Cũng nhờ những chính sách đó, giá cước viễn thông giảm mạnh, số lượng người sử dụng di động và Internet tăng nhanh, góp phần đưa Việt Nam vào top các quốc gia có tốc độ phổ cập dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới.
Đổi mới lần 2: Thúc đẩy hạ tầng số để phát triển kinh tế số
Gần 40 năm sau công cuộc đổi mới lần 1, ngành TT&TT lại đứng trước một cuộc cách mạng mới. Lần này, thách thức không chỉ đến từ nhu cầu phát triển mà còn từ sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường.
Những năm gần đây, các dịch vụ viễn thông truyền thống liên tục sụt giảm do sự xuất hiện của các dịch vụ OTT (Over-The-Top) và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng hơn. Trong bối cảnh đó, ngành TT&TT đã khởi xướng cuộc đổi mới lần 2, chuyển từ hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số.
Hạ tầng số không chỉ bao gồm hạ tầng viễn thông và Internet, mà còn mở rộng sang hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số hóa toàn bộ dữ liệu, và hạ tầng cung cấp các tiện ích phục vụ cho chuyển đổi số. Đây cũng chính là hạ tầng của kinh tế số Việt Nam, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
"Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng số vừa bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập". Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Những thành tựu đạt được trong việc phát triển hạ tầng số thời gian qua là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của ngành TT&TT. Tính đến tháng 5/2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 82,2%. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78,1%. Số thuê bao băng rộng di động đạt 91,9 thuê bao/100 dân, vượt xa kế hoạch đề ra năm 2024 (87,5 thuê bao/100 dân). Số thuê bao di động sử dụng smartphone đạt 100,7 triệu thuê bao, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đã xây dựng được 32 trung tâm dữ liệu thương mại, với tổng công suất thiết kế đạt 145 MW, đáp ứng nhu cầu phát triển AI và các ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng số, ngành TT&TT đã tạo nên những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế số, từ đó góp phần nâng cao tỷ trọng của kinh tế số trong GDP Việt Nam.
"Kinh tế số các ngành, các lĩnh vực, hay còn gọi là chuyển đổi số các lĩnh vực truyền thống, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đó là ứng dụng công nghệ số vào các ngành công nghiệp truyền thống để tạo ra đầu ra mới, và đầu ra mới này đóng góp vào kinh tế số".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Báo cáo kinh tế số Việt Nam của Lab Kinh tế số, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Bộ TT&TT), tỷ trọng của kinh tế số trong GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt 18,3%. Trong đó, mức đóng góp của kinh tế số ICT (chiếm khoảng 45,78%) và kinh tế số ngành, lĩnh vực ngoài ICT (chiếm khoảng 54,22%).
Tỷ trọng kinh tế số ngành, lĩnh vực ngoài ICT tăng đều từ năm 2022 đến nay. Điều này cho thấy ảnh hưởng của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số tới các ngành kinh tế khác. Quyết tâm chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số của ngành TT&TT đã bắt đầu chứng minh được hiệu quả.
Với cơ cấu kinh tế số ICT, đóng góp của ngành Dịch vụ và nội dung ICT hiện chiếm 41,29%, trong khi hoạt động sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử, quang học chiếm 58,71%.
Tỷ trọng kinh tế số trên tổng GDP hiện đã rất gần với mục tiêu trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tới năm 2025, kinh tế số tại Việt Nam chiếm 20% trên tổng GDP.
Những thành công hiện tại đã giúp ngành TT&TT tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, với mục tiêu không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành TT&TT, có thể thấy, tinh thần dũng cảm đổi mới luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động. Những thành công trong quá khứ và hiện tại không chỉ là niềm tự hào của ngành TT&TT mà còn là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến bước trên con đường phát triển.