Từ biển xanh vẫy gọi đến khát vọng thành phố Trung ương

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, tỉnh Khánh Hòa được quy hoạch trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Trước đó, ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết này đã mở ra cơ hội lịch sử, tạo động lực để Khánh Hòa phát triển bứt phá trong thập niên tới.

Trong suốt những năm qua, tỉnh Khánh Hòa cũng đã không ngừng chuyển mình, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, văn hóa và xã hội. Tầm nhìn, mục tiêu của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng là đưa tỉnh trở thành đô thị trung tâm khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với nền kinh tế hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Khánh Hòa có vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Khánh Hòa có vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Sau nhiều năm phát triển bền bỉ, Khánh Hòa đang tiến đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Giờ đây, khi hợp nhất cùng tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa càng gia tăng lợi thế về không gian phát triển kinh tế, hạ tầng, quốc phòng và quản lý vùng.

Bước chuyển mình của phố biển

Trong căn nhà nhỏ nép mình bên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, PGS.TS Nguyễn Tác An (nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang) ngồi lặng lẽ bên chén trà, ánh mắt xa xăm gợi nhớ về miền ký ức cách đây gần nửa thế kỷ. “Đó là năm 1978, tôi mới về Khánh Hòa công tác”, ông chậm rãi bắt đầu câu chuyện. “Khi ấy, đất nước vừa mới thống nhất, vùng đất này còn nghèo lắm. Nhà cửa thưa thớt, đường sá còn là những lối đất lầy lội. Cái ăn, cái mặc còn đeo bám mỗi gia đình chứ mấy ai nghĩ đến chuyện làm du lịch hay phát triển công nghiệp”, ông An nói.

Thời gian trôi qua, Khánh Hòa thay da đổi thịt từng ngày. Theo ông An, chỉ khoảng hai thập kỷ trở lại đây, Khánh Hòa đã có những bước tiến ngoạn mục. Những tòa khách sạn cao tầng rực sáng bên biển đêm, nhà máy, xí nghiệp sôi động nối nhau mọc lên, còn du lịch thì phát triển mạnh mẽ, đưa Nha Trang trở thành điểm đến hàng đầu của cả nước, vang danh trên bản đồ du lịch quốc tế. Ngay như con đường Nguyễn Thị Minh Khai trước nhà ông từng chỉ là một lối đi đất bụi mù nay đã trở thành phố lớn với dãy nhà hàng, khách sạn sang trọng, du khách tấp nập suốt ngày đêm. “Phải nói rằng, trong 20 năm qua, Khánh Hòa đã có những chuyển mình không ai ngờ tới”, ông An chia sẻ.

Sau nhiều năm phát triển bền bỉ, Khánh Hòa đang tiến đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Giờ đây, khi hợp nhất cùng tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa càng gia tăng lợi thế về không gian phát triển kinh tế, hạ tầng, quốc phòng và quản lý vùng.

Trong báo cáo mới nhất của tỉnh Khánh Hòa, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Khánh Hòa đã ghi dấu bằng nhiều thành tựu nổi bật, tạo tiền đề vững chắc cho chặng đường phát triển bứt phá. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2024 của tỉnh đạt bình quân 8,1%/năm, phản ánh nội lực mạnh mẽ và khả năng phục hồi ấn tượng sau đại dịch. Ðặc biệt, trong 3 năm liên tiếp từ 2022 - 2024, GRDP của tỉnh đều tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó năm 2022 tăng cao nhất cả nước với 18,9%.

 Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành từng nhiều lần khẳng định: “Khánh Hòa đang đứng trước vận hội lớn chưa từng có”. Ông nhấn mạnh: Việc sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận là tầm nhìn chiến lược, mở rộng không gian phát triển về lợi thế so sánh, về sức mạnh nội sinh, đánh thức tiềm năng, hiện thực hóa vận hội to lớn của vùng đất duyên hải Nam Trung bộ. Từ đó, tạo nền tảng cho tỉnh Khánh Hòa mới tăng tốc, bứt phá, nâng tầm phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, trở thành cực tăng trưởng cao của cả nước, nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã xác lập cho tỉnh Khánh Hòa.

 Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao đổi với PV Tiền Phong.

Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao đổi với PV Tiền Phong.

Hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”

Ông Phạm Văn Chi (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Khánh Hòa còn là tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc Trung ương, hạ tầng gần như không có. Du lịch gần như chưa có khái niệm, công nghiệp còn rất manh mún. “Từ một thị xã bé nhỏ, Nha Trang nay đã trở thành đô thị hiện đại, là điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một bước đi tất yếu - xứng đáng với tiềm năng, vị thế và đóng góp của Khánh Hòa”, ông Chi nói.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cơ hội cũng đi kèm với thách thức, đặt ra yêu cầu cấp bách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, chip và điện nguyên tử. “Phải nhanh chóng đào tạo một thế hệ trẻ có kỹ thuật, nhất là các kỹ thuật về bán dẫn, các loại chip và kiến thức về điện nguyên tử để phục vụ kịp thời cho việc phát triển của tương lai”, ông Chi nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, Khánh Hòa có vị trí hết sức chiến lược khi nằm gần tuyến hàng hải quốc tế; diện tích tự nhiên 8.557km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như: Công nghiệp, công nghiệp năng lượng sạch, dịch vụ du lịch, logicstic… Khánh Hòa còn có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với gần 500 km, có gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, có quỹ đất phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch rất rộng lớn.

Khánh Hòa là một tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhất là cảnh quan môi trường sinh thái biển để phát triển kinh tế du lịch. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, tổng lượng khách du lịch đến Khánh Hòa giai đoạn 2022-2024 đạt 20.732.100 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 7.463.900 lượt khách và khách nội địa đạt 13.268.200 lượt khách. Tổng thu từ du lịch của Khánh Hòa giai đoạn 2022 - 2024 đạt hơn 101 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, Khánh Hòa sở hữu 4 vịnh biển nổi tiếng là Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong và Vĩnh Hy cùng 3 cảng biển lớn là Cam Ranh, Nha Trang và Cà Ná. Đây đều là những lợi thế rất lớn của địa phương mà không một tỉnh thành nào có được. Không chỉ vậy, hạ tầng giao thông của tỉnh cũng có nhiều đột phá, từ đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt. Các tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột, cao tốc Nha Trang - Liên Khương, đường sắt Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh hay Vân Phong đã, đang hình thành có ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện cho địa phương phát triển toàn diện trên mọi mặt.

“Khánh Hòa mới hôm nay hội tụ đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tỉnh có nhiều cái nhất, có đường bờ biển dài và đẹp nhất, có nhiều vịnh biển đẹp, cảng nước sâu và gần 200 đảo lớn nhỏ trong đó có quần đảo Trường Sa - chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Tỉnh cũng là trung tâm năng lượng và năng lượng sạch mới lớn nhất của cả nước. Đặc biệt, việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận đã hợp thành sức mạnh tổng hợp to lớn để tỉnh Khánh Hòa mới vươn lên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, khẳng định.

P.QUANG - T. THANH - C.HOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-bien-xanh-vay-goi-den-khat-vong-thanh-pho-trung-uong-post1762011.tpo