Sóng dài cổ phiếu 'vua'

Nhiều yếu tố tích cực, từ khách quan tới chủ quan, đang hỗ trợ cho đà tăng dài hạn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ngân hàng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay

Ngân hàng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay

Triển vọng lợi nhuận tích cực

Tuần qua, nhóm cổ phiếu “vua” tiếp tục ghi nhận đỉnh cao mới khi các nhà băng lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2025 với những con số lợi nhuận khả quan trong bối cảnh tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 10% trong nửa đầu năm, vượt trội so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao đều phản ánh trên con số lợi nhuận. Chẳng hạn, tín dụng của các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, NamA Bank, MB tăng lần lượt 11,1%, 9%, 14,7%, 12,5% trong nửa đầu năm... Kết quả, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của MB đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 50,8% kế hoạch năm. Nam A Bank báo lãi trước thuế 6 tháng trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024.

Tại VietinBank, tuy chưa công bố chi tiết con số lợi nhuận, nhưng theo Tổng giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng so cùng kỳ (nửa đầu năm 2024, VietinBank đạt 28.826 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Năm 2025, theo dự phóng của FIDT, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đạt khoảng 18%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nhất là khi tín dụng được dự báo vượt mục tiêu tăng trưởng 16% mà ngành đưa ra. Đồng thời, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, nhất là khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu được luật hóa. Khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng liên tục, chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện, nhìn vào xu hướng định giá, P/B của cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang rất thấp so với các chu kỳ lịch sử từ 5 năm trước.

Các chuyên gia phân tích của VinaCapital cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/B 1,3 lần với dự phóng cho năm 2025, cùng tỷ lệ ROE dự phóng ở mức 16%. Mức P/B này đang thấp hơn gần 2 độ lệch chuẩn so với mức P/B trung bình quá khứ 5 năm của ngành ngân hàng (trong khi đối với nhà đầu tư nước ngoài, những ngân hàng có ROE 16% có thể được giao dịch với mức P/B trên 2 lần). Định giá của ngành ngân hàng vẫn đang ở trong vùng tích lũy, chưa về mức trung bình định giá 5 - 10 năm. Vì vậy, các nhà phân tích tài chính - tiền tệ cho rằng, không gian tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025 vẫn rất cao.

Với kỳ vọng lợi nhuận tích cực, định giá nhóm cổ phiếu “vua” đang duy trì hấp dẫn. Theo Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu hiện đang giao dịch ở mức P/B dự phóng 1 năm là 1,1 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử 1,68 lần kể từ năm 2017. Các cổ phiếu VCB, BID, ACB, VPB và một số ngân hàng nhỏ hơn đang giao dịch trong vùng định giá thấp. Ngược lại, các mã như TCB, MBB, CTG, STB đã vượt đỉnh lịch sử, phản ánh sự phân hóa ngày càng rõ nét giữa các nhà băng. Sự phân hóa này xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư đối với các thay đổi về chính sách, hoạt động kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi các loại thuế đối ứng của Mỹ đang định hình lại nhu cầu tín dụng đối với ngành xuất khẩu cũng như vị thế của từng ngân hàng trong ngành.

Nhiều thông tin hỗ trợ

Trong khi đó, với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2025 có thể đạt 18% so với mức thực hiện năm 2024, các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất (tăng 35%) năm nay, nhờ đẩy mạnh tín dụng bất động sản từ mức nền thấp, tăng tốc xử lý nợ xấu và dự kiến sẽ có những thương vụ chuyển sàn đáng chú ý. Nhóm ngân hàng tư nhân năng động được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 20%, trong khi nhóm quốc doanh tăng khoảng 12%.

Cụ thể, hơn 539,96 triệu cổ phiếu VAB của VietABank sẽ chính thức được giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 22/7/2025, với giá tham chiếu 14.250 đồng/cổ phiếu. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu là 20%. Phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM (9/7/2025), cổ phiếu VAB đóng cửa ở mức 15.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% so với đầu năm và là mức cao nhất trong ba năm gần đây. VietABank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm tối đa 2.764 tỷ đồng, đưa vốn lên 8.160 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông bất thường, diễn ra vào ngày 15/7 vừa qua, ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank cho biết, chậm nhất là đầu quý IV/2025, Ngân hàng sẽ hoàn tất thủ tục niêm yết cổ phiếu KLB. Đáng chú ý, đại hội đã nhận được tỷ lệ đồng thuận cao từ cổ đông để thông qua đề xuất chia cổ tức lên đến 60% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên mức 5.822 tỷ đồng. Đây là mức tỷ lệ chia cổ tức cao nhất ngành ngân hàng, cũng là mức cao nhất trong hành trình 30 năm hình thành và phát triển của nhà băng này.

Hội đồng quản trị VietBank vừa công bố quyết định chấp thuận việc triển khai phương án niêm yết cổ phiếu VBB tại sàn HOSE. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất trong quý I/2026 và thông qua nghị quyết về phương án chào bán 270,9 triệu cổ phiếu VBB cho cổ đông. Tỷ lệ phát hành là 100:3, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua 33 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện trong quý III - IV/2025. Với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, ước tính VietBank sẽ thu về 2.709,4 tỷ đồng từ đợt chào bán. Nếu hoàn thành đợt phát hành này, vốn VietBank tăng lên 10.919,7 tỷ đồng.

Tương tự, BVBank, Saigonbank cũng thông qua kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE trong năm nay. Tính đến nay, sàn HOSE đã có tổng cộng 18 cổ phiếu ngân hàng, gồm VCB, BID, CTG, TCB, MBB, VPB, ACB, LPB, HDB, STB, SHB, VIB, SSB, EIB, TPB, MSB, OCB, NAB; HNX có hai mã là BAB, NVB.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được hỗ trợ bởi hai quyết sách lớn: luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (mới được Quốc hội nhấn nút thông qua); “room” tín dụng có thể được dỡ bỏ trong năm sau, tạo sự chủ động hơn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Theo đánh giá của VIS Rating, các ngân hàng có hoạt động bán lẻ mạnh như ACB, HDB, OCB, VIB, VPB, MBB sẽ hưởng lợi trực tiếp khi luật mới giúp xử lý tài sản bảo đảm nhanh hơn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu và cải thiện tỷ lệ sinh lời.

Một yếu tố hỗ trợ nữa, với một số ngân hàng, là quy định room ngoại tại ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém (trừ ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối) được nới lên mức 49% kể từ ngày 19/5/2025. Theo đánh giá của VIS Rating, 3/4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được áp dụng quy định này, gồm HDBank, MB, VPBank, mở ra cơ hội huy động vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ. Đồng thời, theo phương án tái cơ cấu, các ngân hàng này cũng nhận được ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước, gồm hạn mức tín dụng cao hơn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn và được hỗ trợ thanh khoản. Vả lại, sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ bơm vốn mà còn nâng cao quản trị rủi ro và khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế thời gian tới.

Thùy Vinh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/song-dai-co-phieu-vua-post373360.html