Tù binh da đen đánh chìm tàu Đức bằng... một hộp sữa
Căm thù quân Đức, người tù da đen đã tự chế bom, ngụy trang bằng vỏ hộp sữa, và lặng lẽ đánh đắm tàu phát xít trong Thế chiến thứ hai.
Vai trò của quân đội Nam Phi trong Chiến tranh thế giới thứ hai đôi khi bị lãng quên, mặc dù họ đã tham gia vào nhiều chiến dịch lớn của quân Đồng minh.
Tuy nhiên, một người lính Nam Phi da đen đặc biệt xứng đáng được lịch sử ghi nhớ, đó là Job Maseko. Mặc dù là một tù binh chiến tranh, anh đã tìm cách đánh chìm một con tàu của phát xít Đức chỉ bằng một hộp sữa đựng thuốc nổ tự chế.
Maseko xuất thân khiêm tốn. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, anh đang làm nhân viên giao hàng ở thị trấn Springs, cách Johannesburg chừng 50 km.
Người châu Phi bản địa vốn không được phép gia nhập lực lượng vũ trang Nam Phi (Lực lượng phòng vệ Liên minh - UDF) vào thời điểm đó, nhưng khi chiến trận đòi hỏi bổ sung một số lượng lớn binh sĩ, chính sách này đã thay đổi.
Từ năm 1940 trở đi, người da đen được phép nhập ngũ, nhưng vai trò của họ hoàn toàn không mang tính chiến đấu. Chỉ có binh lính da trắng được huấn luyện quân sự.
Bất chấp những hạn chế đó, Job Maseko và 77.000 binh sĩ da màu Nam Phi khác đã tình nguyện chiến đấu với phe Đồng minh.
Maseko đạt tới cấp cai quyền trong Quân đoàn Bản địa của UDF, đóng quân ở Bắc Phi với 10.000 lính Nam Phi. Vào đầu năm 1942, khi Maseko cùng đồng đội đóng quân tại Tobruk, Libya, thành phố cảng này đã bị quân Đức bao vây và bắn phá dữ dội trong một thời gian khá dài.
Ban đầu, vũ khí duy nhất mà lính da đen của Quân đoàn Bản địa được phép sử dụng là... giáo, và họ cũng chỉ được giao vũ khí khi làm nhiệm vụ canh gác. Quy định này có vẻ ngớ ngẩn khi kẻ thù của họ được trang bị súng máy.
Tuy nhiên, khi Quân đoàn châu Phi của Tướng Đức Rommel vây chặt Tobruk, đẩy hàng phòng thủ phe Đồng minh vào cảnh tuyệt vọng, những người lính da đen cuối cùng được cấp súng trường và chiến đấu bên cạnh các đồng đội da trắng.
Lúc đó, máy bay Stuka và Ju 88 của Đức ồ ạt ném bom cảng, trong khi pháo binh của Rommel nã đạn vào thị trấn, mở đường cho xe tăng và bộ binh tiến lên.
Rõ ràng Tobruk cầm chắc thất thủ, và chỉ huy Nam Phi, Tướng Klopper, đã đầu hàng vào ngày 21/6/1942. Maseko cùng hàng ngàn lính Nam Phi khác trở thành tù binh chiến tranh.
Người Đức phân loại tù binh theo chủng tộc. Lính da trắng được đưa đến các trại tù ở châu Âu, còn lính da màu phải đi bộ qua sa mạc đến một trại giam của Ý.
Ở đó, giống như nhiều tù nhân Đồng minh trong các trại tù khác của phát xít, họ bị buộc phải lao động chân tay trong những điều kiện khủng khiếp. Thức ăn được chia theo khẩu phần, với một ít bánh quy khô mỗi ngày và một ít cháo bột ngô đầy mọt. Giữa cái nóng hầm hập vùng sa mạc, các tù nhân chỉ được phát cho một phần nước ít ỏi.
Chỉ huy trại, Thiếu tá Schroeder, là một người cực kỳ tàn bạo. Dưới quyền hắn, nhiều tù nhân thường xuyên bị đánh đập và tra tấn. Một hôm, đích thân Tướng Rommel đến trại để thị sát tình hình. Khi tiếp xúc với các tù nhân, ông đã nói chuyện với Job Maseko, hỏi xem anh bị đối xử ra sao trong trại.
Trong lúc Thiếu tá Schroeder đang nhìn nhằm chằm bằng ánh mắt thù hận và ngầm cảnh báo, lẽ ra một người có thân phận thấp hèn sẽ phải nói dối rằng mọi thứ đều ổn. Nhưng Maseko lại kể với Tướng Rommel chính xác mọi chuyện xảy ra với tù nhân trong trại. Vì sự trung thực táo bạo của mình, sau đó anh đã bị tra tấn và biệt giam dài ngày trong “Cái hố” – "địa ngục" dành cho tù nhân phạm lỗi nặng.
Sau đó, một số tù nhân được giao nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa từ các tàu chở hàng của Đức tại cảng. Nhờ tham gia nhóm tù nhân này, Maseko nuôi quyết tâm trả thù những kẻ đối xử tàn bạo với mình.
Trước đó, trong những ngày tuyệt vọng cuối cùng ở Tobruk, Maseko đã học được kỹ thuật chế thuốc nổ. Nhân một buổi dỡ hàng từ tàu Đức, anh đã nhờ ba người bạn tù đánh lạc hướng lính canh Đức để mình chui xuống dưới boong tàu mày mò chế bom.
Sử dụng một hộp đạn (từ đó rút được thuốc súng), một hộp sữa rỗng và một ngòi nổ dài, Maseko chế một quả bom rồi đặt vào giữa các thùng xăng trên tàu. Ở lượt cuối vác hàng ra khỏi tàu, anh châm ngòi và lặng lẽ đi ra.
Vài phút sau, khi Maseko và các tù nhân khác đang quay trở lại trại, một tiếng nổ lớn xé toạc bến cảng. Quả bom đã phát nổ, cùng với toàn bộ các thùng nhiên liệu trên tàu Đức. Chỉ trong vài phút, con tàu chìm xuống biển và sứ mạng bí mật của Maseko đã thành công.
Người Đức không biết ai đã đánh chìm con tàu của họ hay bằng cách nào, còn Maseko thì vẫn bình yên vô sự. Sau đó anh còn chiến thắng những kẻ bắt giữ mình một lần nữa khi trốn thoát khỏi trại tù.
Sau khi tìm được một radio cũ của Đức, Maseko biết thông tin về những chiến thắng dồn dập của Tướng Anh Montgomery tại El-Alamein. Maseko tìm đường đến đó, đi bộ băng qua sa mạc, để gia nhập lại quân Đồng minh.
Người lính dũng cảm đã được trao tặng Huân chương Quân đội Anh. Tuy nhiên, đã có một số tranh cãi về vinh dự này. Ban đầu, Maseko được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chữ thập Victoria, nhưng vì màu da và chính sách phân biệt chủng tộc của Nam Phi, vinh dự dành cho anh đã bị hạ cấp xuống Huân chương Quân đội.
Và đáng buồn hơn nữa là cuộc đời của người anh hùng da đen đã đi đến kết cục bi thảm ngay sau chiến tranh.
Giống như rất nhiều binh lính Nam Phi da màu khác, những hy sinh và khó khăn mà Maseko trải qua trong cuộc chiến không được mấy ai đếm xỉa đến ở quê nhà. Maseko trở lại với công việc của một người lao động và chết trong nghèo khó khi bị tàu hỏa đâm vào năm 1952.
Phải mất hơn nửa thế kỷ, những hành động của Maseko cuối cùng mới được thừa nhận rộng rãi. Một số cuốn sách và một bộ phim tài liệu đã được thực hiện về cuộc đời anh. Ngày nay một số đường phố và một trường học ở Nam Phi cũng được đặt theo tên Maseko.