Từ bỏ lương cao, du học sinh 'di cư ngược' sau 7 năm ở nước ngoài
Sức khỏe tinh thần xuống dốc nghiêm trọng khiến Minh Nhân (29 tuổi) từ bỏ công việc lương cao tại Singapore để 'di cư ngược' về nước.

Làm việc ở Singapore với mức lương cao, môi trường văn minh, hiện đại, song Minh Nhân luôn có cảm giác không phù hợp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Trong cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews, Minh Nhân chia sẻ về hành trình du học, làm việc tại nước ngoài rồi chọn "di cư ngược" về nước dù có công việc tốt.
Tôi là Minh Nhân, 29 tuổi, sinh sống tại Hà Nội. Hiện tại, tôi đang làm từ xa cho một công ty tư vấn doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore.
Trước đó, tôi đã có 5 năm du học tại Nhật Bản, châu Âu và 2 năm làm việc trực tiếp tại Singapore. Dù không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc hội nhập, tôi luôn có cảm giác không thuộc về nơi này. Chính điều đó đã thôi thúc tôi rời bỏ công việc với mức lương hấp dẫn ở Singapore để trở về Việt Nam.
Mặt trái khi làm việc ở nước ngoài
Tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, tôi theo học bậc cử nhân ở Nhật Bản. Sau khi ra trường, tôi về nước làm việc 6 tháng và sau đó tiếp tục du học bậc thạc sĩ tại châu Âu.
Ngay khi cầm tấm bằng trên tay, tôi đã quyết định quay về Việt Nam để được ở gần gia đình. Song, trở ngại khi tìm việc trong nước khiến tôi chuyển đến làm việc tại Singapore.
Thời điểm đó, tôi nghĩ mình đã quen với việc xa nhà, mọi thứ sẽ ổn, Singapore là nơi phù hợp để tôi phát triển sự nghiệp. Nhưng thực tế lại không như vậy. Hai năm làm việc tại nước bạn cũng là thời gian tôi đối mặt nhiều khó khăn và áp lực tinh thần.
Tôi sống một mình ở Singapore, xa người thân, việc kết bạn cũng khó khăn hơn khi đi làm. Tôi thường xuyên dành thời gian một mình, đơn điệu với công việc lặp đi lặp lại.
Dần dà, sức khỏe tinh thần của tôi đi xuống rõ rệt. Tôi không cảm thấy hạnh phúc, thường xuyên khó ngủ, dẫn đến chất lượng công việc không ổn định. Thậm chí, tôi đã phải tìm đến tham vấn tâm lý để có hỗ trợ chuyên sâu.
Khoảnh khắc đó, tôi nhận ra môi trường ở Singapore không còn phù hợp với mình, không phải là nơi tôi thuộc về. Lý do lớn nhất không phải công việc không tốt, mà tôi không muốn hy sinh những yếu tố quan trọng khác của cuộc sống, như gia đình, người thân, bạn bè.
Bảy năm ở nước ngoài, tôi nghĩ mình đã xa Việt Nam đủ lâu để nhận ra giá trị của sự gắn kết. Cuộc sống tại Singapore, dù có thể mang lại sự thoải mái về vật chất và công việc với mức lương hấp dẫn - những điều không phải ai cũng đạt được, việc phải xa gia đình và người thân khiến tôi cảm thấy cái giá phải trả cho những điều đó thực sự không xứng đáng.
Cuối năm 2024, tôi thỏa thuận với công ty về hình thức làm việc từ xa và quyết định "di cư ngược" về Việt Nam. Thực lòng, thời điểm đó, dù công ty có không đồng ý, tôi cũng chấp nhận từ bỏ công việc này để về nước, bắt đầu lại với mức lương thấp hơn.

Sau khi cân nhắc, Minh Nhân quyết định về nước. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Không còn chấp niệm "phải định cư, làm việc ở nước ngoài"
Quyết định về nước của tôi được gia đình ủng hộ. May mắn hơn, công ty chấp nhận với thỏa thuận làm việc từ xa, nhưng mức lương sẽ giảm 20-25% so với trước đây. Đây có thể là mức giảm lớn đối với nhiều người, song đó vẫn là thu nhập tốt so với thị trường Việt Nam.
Công việc của tôi vẫn vậy, vẫn áp lực đó, nhưng tôi lại thấy hạnh phúc hơn. Sức khỏe tinh thần được phục hồi, công việc của tôi vì thế mà ổn định và đi lên.
Tôi đã bắt đầu tìm thấy niềm vui khi làm việc, dù đôi khi vẫn gặp khó khăn như tương tác với đồng nghiệp bị hạn chế hay kết nối kém hiệu quả. Song, tôi có nhiều thời gian hơn cho gia đình, được chủ động về thời gian và không gian.
Tôi cho rằng đã qua rồi thế hệ “đi du học là phải định cư, làm việc ở nước ngoài mới là thành công”. Trước đây, cuộc sống ở Việt Nam còn nhiều vất vả, nên mục tiêu của nhiều người đi du học là tìm kiếm một cuộc sống bớt khó khăn hơn ở nước ngoài, và họ chọn ở lại.
Họ cũng mong muốn tiếp thu những giá trị tiên tiến, những điều mà Việt Nam chưa có được vào thời điểm đó, bao gồm cả sự phát triển về tư duy và đời sống cá nhân.
Nhưng thế hệ du học sinh ngày nay đã khác. Chúng tôi lớn lên trong một thời đại mới, với những thước đo và giá trị đã thay đổi. Với tôi, thành công không chỉ được đo bằng vị trí địa lý hay mức lương, mà còn là sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống tinh thần.
Việc lựa chọn ở lại hay trở về Việt Nam, và cơ hội đến với ai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, một điều không thể phủ nhận là ở Việt Nam hiện tại cũng rất phát triển, đã có những cơ hội mở ra với người trẻ có năng lực. Quan niệm "cứ ở trong nước là nghèo" đã không còn đúng, và ngược lại "cứ ở nước ngoài là sung sướng" cũng không phải là chân lý.