Từ 'bợm rượu' bỗng chốc nói 'không' với rượu bia
Ông A. đang lâng lâng hơi men nhưng khi nhìn biên bản xử lý vi phạm hành chính bỗng tỉnh rượu luôn, bởi số tiền phạt quá lớn với gia đình. Mỗi ngày, ông đi phụ hồ chỉ được 200.000 đồng, như vậy số tiền phạt tương đương 20 ngày công của ông.
Không gì là không thể
Trước đây, ông C.V.A. (55 tuổi, trú tại huyện Kinh Môn, Hải Dương) được người làng đặt cho biệt danh là "bợm rượu". Bởi ông thường xuyên uống rượu mà lần nào uống cũng say. Khi thì người nhà phát hiện ông say nằm bên vệ đường, lúc lại nằm ở quán rượu, thậm chí có nhiều lần ngã xe. Vợ ông bảo, đã không ít lần phải đưa lên BV địa phương cấp cứu do tai nạn hoặc ngộ độc rượu. Gia đình nói mãi, nhưng chỉ như"nước đổ đầu vịt". Ông vẫn uống rượu.
Thế nhưng, hơn nửa năm qua, ông chẳng uống một giọt rượu nào. Đi ăn cỗ, hàng xóm đến mời, ông lắc đầu quầy quậy. Mỗi khi nhà hàng xóm mời sang uống rượu, khi thì ông từ chối, cáo bận hoặc sang cho có mặt rồi về. Thấy ông nói "không" với rượu bia, ai cũng ngạc nhiên. Tuy nhiên, chỉ có vợ ông là hiểu.
Bà bảo, trước đây dù có khuyên can thế nào, ông cũng bỏ ngoài tai. Thế nhưng, đầu năm nay, một lần sau khi uống rượu về, ông điều khiến xe máy tham gia giao thông thì gặp chốt cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn. Sau khi đo, báo lỗi, CSGT đưa ông biên bản lỗi vi phạm. Chiếu theo quy định, ông bị phạt 4 triệu đồng. Cầm biên bản, ông A. đang lâng lâng hơi men bỗng tỉnh rượu luôn, bởi đó là số tiền quá lớn với gia đình. Ngày thường, ông đi phụ hồ cũng chỉ được 200.000 đồng. Như vậy, số tiền phạt tương đương 20 ngày công của ông.
Để có tiền cho ông nộp phạt, vợ ông phải chạy vạy khắp nơi. Trong nhà còn 3 tạ thóc, bà bán hết mới được 2 triệu đồng. Trong chuồng có hơn chục con gà đang đẻ, bà cũng bán luôn. Tổng cộng cả tiền bán thóc và gà vừa chẵn 4 triệu đồng đưa ông nộp phạt. Những ngày sau đó, vợ chồng phải tằn tiện chi tiêu, giật gấu vá vai cho đến ngày mùa. Nghĩ lại cảnh ấy, ông ân hận lắm. Chỉ vì chút sở thích cá nhân mà khiến cả nhà phải khổ. Vì vậy, ông quyết tâm bỏ rượu.
Nói thì dễ, nhưng thực hiện mới khó. Những ngày đầu, cơ thể ông không có giọt rượu như có kiến bò, ngứa ngáy khó chịu. Đi ăn bát phở, thấy bàn bên nâng ly chúc tụng, ông thèm lắm nhưng vì đã quyết tâm nên đành húp nốt bát phở rồi nhanh chóng rời đi. Khi nhà hàng xóm có cỗ, mùi rượu ngào ngạt như gọi mời, chân ông bước ra rồi quay lại. Vợ ông biết ông mỗi lần như vậy rất khó chịu, nhưng chỉ biết động viên hoặc pha ông ấm trà đặc để ông giải cơn thèm rượu.
Sau hơn 1 tháng quyết tâm, ông đã bỏ được rượu. Hiện nay, ông cũng là tuyên truyền viên tích cực, vận động những người hàng xóm hạn chế uống rượu bia; không tham gia giao thông khi đã uống rượu bia,…Khi có người hỏi, ông chỉ bảo, thương vợ con nên quyết tâm bỏ rượu.
Ông N.T.K. (50 tuổi, xã Quang Sơn, TP. Tam Điệp, Ninh Bình) là nhân viên sales một nhãn hàng lớn nên thường xuyên gặp gỡ khách hàng. Mỗi lần gặp khách hàng, sau khi trò chuyện thì điểm đến là quán nhậu. Ông bảo, hầu hết các hợp đồng được chốt trên bàn rượu, có muốn chối cũng không được. Bản thân ông cũng hiểu những tác hại của rượu đối với sức khỏe, gia đình nên cũng cố bỏ. "Nhiều lần mình cũng cố bỏ rượu, nhưng khi thèm ý chí bay đi đâu hết, chỉ còn nghĩ sao cho thỏa cơn thèm thôi", ông K. chia sẻ.
Đầu năm 2018, ông có biểu hiện đi đứng không vững, tay cầm nắm đồ vật không chắc, chữ viết bị nguệch ngoạc vì run tay. Thỉnh thoảng, ông nhìn chân lại tưởng tượng ra có con bọ đang bò trên đó. Gia đình động viên mãi, ông mới lên Hà Nội thăm khám. Bác sĩ cho biết, ông có dấu hiệu loạn thần do rượu, không những thế men gan tăng lên rất cao. Bác sĩ bảo, không bỏ rượu thì chuẩn bị "quan tài" là vừa." Nghe thế, ông bủn rủn chân tay. Cùng với sự động viên của gia đình, sau 3 tháng kể từ khi từ viện về, ông tự cai. Đến giờ, ông không còn uống rượu nữa.
Phát huy vai trò của phụ nữ
Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tai nạn giao thông nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em là rất cần thiết. Thời gian qua, tại các địa phương, nhiều mô hình, câu lạc bộ "nói không với rượu bia" được thành lập.
Bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, tháng 8/2019, CLB "Phụ nữ lên tiếng về uống rượu, bia có trách nhiệm" khi thực hiện tham gia giao thông tại thôn Phú Áng (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) được thành lập với 50 hội viên.
Sau khi thành lập, các hội viên CLB có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các kiến thức về các hành vi an toàn giao thông. Đồng thời, tập hợp, thu hút cán bộ, hội viên phụ nữ có chồng con sử dụng nhiều rượu, bia.
Theo bà Lan, thông qua các buổi sinh hoạt, chị em được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về vấn đề sử dụng đồ uống có cồn, rượu bia khi tham gia giao thông. Từ đó, giúp chị em nâng cao kiến thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại khi tham gia giao thông có sử dụng rượu bia.
Sau hơn 1 năm hoạt động, các hội viên đã nắm được kiến thức về về tác hại rượu bia khi tham gia giao thông, đồng thời tuyên truyền đến hàng trăm hộ gia đình trong thôn. Không những thế, nhiều chị em ở thôn lân cận cũng tham gia học tập, trao đổi. Nhờ đó, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn xã năm qua đã giảm hơn trước, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông trong toàn huyện.
Tại Ninh Bình, với sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, giữa năm 2019, Hội LHPN thành phố Ninh Bình đã thành lập 4 CLB "Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện An toàn giao thông" tại các phường Tân Thành, Phúc Thành, Ninh Khánh và Ninh Nhất với 280 hội viên. Tại các buổi sinh hoạt, các cấp Hội phụ nữ chủ động phối hợp với Phòng CSGT, Công an TP. Ninh Bình thực hiện tuyên truyền các kiến thức liên quan tới trật tự giao thông như: Thực trạng sử dụng đồ uống có cồn tại địa phương; tình hình tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia,… không chỉ tiếp thu kiến thức, nhiều chị em hội viên sau khi sinh hoạt tại CLB đã tích cực vận động chồng, con và người thân cùng nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân khi điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt, tuân thủ quy định "Uống rượu, bia, không lái xe".
Tại nhiều tỉnh, thành khác, các cấp Hội Phụ nữ cũng đã thành lập các CLB để tuyên tuyền về tác hại rượu bia khi tham gia giao thông. Ví như Bình Phước thành lập 2 CLB "Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông" vào tháng 8/2019; Hội LHPN Kiên Giang thành lập 2 CLB "An toàn giao thông" tại huyện Phú Riềng; năm 2020, Hội LHPN Khánh Hòa thành lập CLB "Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông",... Hầu hết, các CLB hoạt động rất tích cực, mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi nhận thức của hội viên và cộng đồng dân cư về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. Từ đó, giảm dần các vụ tai nạn giao thông và nâng cao ý thức người tham gia giao thông trên địa bàn.