Từ bưng biền thành vùng đất trù phú
Từ một vùng đất hoang hóa, bưng biền thuở nào, giờ đây, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã 'khoác' lên mình 'màu áo mới' với những cánh đồng lúa mênh mông và những vườn cây ăn quả quanh năm trĩu cành. Có được thành quả ấy là nhờ Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng đất này mạnh dạn triển khai, thực hiện các quyết sách đúng đắn về ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng mà tỉnh đã đưa ra.
Xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao
Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh là vùng đất ngập nước trải dài trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường; 7 xã phía Bắc của 2 huyện: Thủ Thừa và Bến Lức với tổng diện tích tự nhiên gần 300.000ha, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Trong đó, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 248.000ha, chiếm 78% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cả tỉnh.
Trước đây, người dân trong vùng chủ yếu sản xuất lúa từ 1-2 vụ nhưng hiệu quả không cao, nhất là những vùng gò cao hay vùng trũng chưa có đê bao khép kín.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều chương trình, đề án nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất này.
Đối với cây lúa, từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng vùng lúa ƯDCNC 60.000ha tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 59.672ha lúa ƯDCNC, đạt 99,5% kế hoạch giai đoạn 2016-2025. Năng suất các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC đạt 62-89 tạ/ha, cao hơn so với bên ngoài từ 1-5 tạ/ha.
Chi phí sản xuất giảm bình quân từ 0,5-4,3 triệu đồng/ha. Sản phẩm lúa được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 100-300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 27 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2,8-3,2 triệu đồng/ha.
Ông Mai Văn Rết (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết, trước đây, sản xuất theo kiểu truyền thống, năng suất bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi địa phương triển khai sản xuất ƯDCNC trên cây lúa, năng suất ổn định hơn trước, giảm chi phí sản xuất, lại được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Do đó, ông Rết mạnh dạn đầu tư, nhân rộng trồng lúa ƯDCNC trên toàn bộ 6ha của gia đình.
Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa) - Trần Văn Sửa, HTX đang sản xuất lúa theo mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Với 600ha lúa, HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang hiện ƯDCNC vào sản xuất lúa, đồng bộ cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lúa. Đồng thời, HTX thực hiện chặt chẽ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định cho các thành viên.
Chương trình ƯDCNC trong sản xuất lúa đang dần chứng minh là hướng đi đúng, bền vững và phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại.
Các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón hữu cơ sinh học,... góp phần thay đổi tập quán canh tác và được nông dân mạnh dạn áp dụng, mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Phát triển vùng cây ăn quả
Nhằm khai thác tiềm năng phát triển cây ăn quả của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, đề án được thực hiện ở 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan cho biết: “Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả trong vùng đề án hơn 10.500ha; đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân trong các vùng nguyên liệu. Qua đó, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân”.
Huyện Tân Thạnh đang dần hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả như mít, chanh, sầu riêng,... tập trung ở các xã: Tân Lập, Tân Ninh, Tân Thành, Nhơn Ninh, Hậu Thạnh Đông.
Lũy kế đến nay, tổng diện tích cây ăn quả thực hiện Đề án là gần 2.000ha, đạt hơn 57% kế hoạch đến năm 2025.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Trần Thị Kham Ly cho biết: “Xã Tân Lập được huyện quy hoạch khoảng 650ha vùng nguyên liệu cây ăn quả và hướng đến phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Do đó, huyện đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Nhờ vậy, đến nay, đường bờ kênh 1000 Nam xã Tân Lập được bêtông với chiều dài gần 5km, mặt đường rộng 3,5m, tổng kinh phí đầu tư hơn 13 tỉ đồng, góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện cũng như vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng”.
Xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa cũng được đầu tư đường giao thông bờ Nam kênh 61, góp phần kết nối đường ra biên giới huyện Mộc Hóa đến kênh 90, huyện Thạnh Hóa. Ngoài ra, xã Tân Hiệp còn được đầu tư xây dựng 1 nhà kho sơ chế mít với diện tích 200m2.
Ông Hồ Văn Đực (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) chuyển đổi 3ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh.
Sau 6 năm, vườn bưởi phát triển tốt, thích nghi được với vùng đất phèn này. Năm 2023, gia đình ông Đực thu hoạch 60 tấn trái, bán giá bình quân 20.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, Đề án được triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Hiện tổng diện tích sản xuất cây ăn quả tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười tham gia Đề án gần 5.400ha, tăng gần 1.400ha so với diện tích năm 2021, đạt 51,1% kế hoạch năm 2025; xây dựng được 2 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân.
Với những quyết sách đúng đắn, Đồng Tháp Mười từ một vùng trũng, phèn, bị chiến tranh tàn phá nay đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng đất trù phú với những vườn cây ăn quả quanh năm trĩu cành và là vựa lúa lớn thứ 4 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.
Hiệu quả từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh,...
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-bung-bien-thanh-vung-dat-tru-phu-a181856.html