Từ ca mổ khó, bác sĩ 'bắt trọn' tật xấu của nam bệnh nhân
Người đàn ông vào viện với tình trạng đau bụng, tắc ruột, ca phẫu thuật hết sức khó khăn khi lớp mỡ dày đặc, nguy cơ nhiễm trùng lớn.
Người đàn ông (49 tuổi, sống tại Hải Phòng) thân hình gầy gò vào bệnh viện tại địa phương khám vì đau bụng, tắc ruột không thể đại tiện. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh có u đại tràng nên tư vấn cần kiểm tra chuyên khoa ung bướu.
Tại Bệnh viện K (Hà Nội), bác sĩ thăm dò chức năng phát hiện bệnh nhân bị bán tắc ruột do u. Một khối u rất lớn chiếm quá 3/4 chu vi lòng đại tràng sigma, ống nội soi không thể đi qua để quan sát các phần còn lại của đại tràng. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Ngoại bụng 1.
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại 1, cho biết khi tiếp nhận, bác sĩ đã cân nhắc rất kỹ mổ mở hay nội soi. Bệnh nhân có thể trạng gầy yếu, cao 1,7m nhưng chỉ nặng 48-50kg. Sau khi hội chẩn, ê-kíp lựa chọn phẫu thuật nội soi.
Ca mổ dự tính diễn ra khoảng 2-3 giờ. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật đã kéo dài tới 5 giờ và hết sức khó khăn. Bác sĩ Nam cho biết chỉ một sai sót nhỏ khi phẫu thuật có thể khiến chất thải trào vào ổ bụng gây nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Nam, bệnh nhân có thể trạng gầy nhưng mỡ nội tạng rất nhiều, tổ chức mô, cơ lỏng lẻo, kém săn chắc và rất dễ chảy máu. Qua lâm sàng, bác sĩ nhận định đây là một người nghiện bia rượu kéo dài hoặc lạm dụng thuốc kháng viêm corticoid không kiểm soát.
Sau ca mổ, bệnh nhân được chuyển về phòng hậu phẫu. Bác sĩ Nam đã trực tiếp giải thích rõ ràng với người nhà về diễn biến của ca mổ và những rủi ro, biến chứng có thể phải đối mặt trong thời gian hậu phẫu như nguy cơ chảy máu, suy hô hấp, viêm phổi và đặc biệt là biến chứng rò miệng nối đại - trực tràng.
Theo thông tin từ gia đình, nam bệnh nhân này có tiền sử uống bia rượu lâu, mỗi ngày từ 300-400ml, kèm theo các loại tiết canh, lòng lợn, ăn nhậu hằng ngày. Ngoài ra, người đàn ông này thường xuyên "tự điều trị" cho mình từ viêm khớp, dạ dày, viêm phổi, cảm cúm. Toàn bộ thuốc đều tự mua, không thăm khám tại các cơ sở y tế. Việc lạm dụng thuốc, uống rượu bia, ăn uống thiếu khoa học đã dẫn tới thể trạng gầy nhưng nhiều bệnh đi kèm.
Theo bác sĩ Nam, bệnh nhân có đủ tật xấu dẫn tới kích hoạt tế bào ác tính như lạm dụng rượu, sử dụng thực phẩm thiếu an toàn. Cơ thể bị các chất độc ngấm một thời gian dài dẫn tới ung thư. Suốt thời gian có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đi đại tiện nhiều lần trong ngày, người bệnh không khám sức khỏe. Khi đau bụng dai dẳng, nam bệnh nhân mới tìm tới cơ sở y tế.
Đây cũng là thói quen nhiều người dân Việt Nam đang mắc phải. Khi vào viện vì ung thư, người bệnh cảm thấy hối tiếc khi không thay đổi tật xấu.
Bác sĩ Nam cho biết việc ăn quá ít trái cây, rau củ quả, chất xơ trong khi lại thừa chất béo hoặc thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, lạm dụng đồ uống có cồn, hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Uống rượu còn làm tăng khả năng phát triển các loại ung thư vùng đầu cổ, đặc biệt là ung thư khoang miệng, họng và thanh quản, gan, thực quản, vú, đại trực tràng. Khi uống rượu, Ethanol và Acetaldehyde có trong đồ uống này gia có thể làm hỏng DNA của các tế bào khỏe mạnh.
Để phòng ung thư, bác sĩ khuyến cáo hạn chế số lượng đồ uống có cồn đưa vào cơ thể. Đối với phụ nữ, uống không quá một ly mỗi ngày. Đối với nam giới, giới hạn không quá 1 đến 2 ly mỗi ngày.
Dấu hiệu ung thư đại tràng:
Ở giai đoạn đầu mắc bệnh, các triệu chứng ở hệ tiêu hóa khá mơ hồ. Bệnh nhân có thể đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng và thay đổi thói quen đại tiện bất thường. Một số trường hợp đau bụng âm ỉ, thường gặp nhất là đau ở vùng hố chậu, ít đáp ứng với các thuốc điều trị đại tràng thông thường. Khi dấu hiệu này kéo dài trên 10 ngày, người dân cần đi khám sàng lọc ung thư.