Từ cái roi vụt trâu nghĩ về tăng trưởng bứt phá

Nhiều lĩnh vực, vấn đề ở Hải Dương còn thực hiện chậm. Cũng có thể ví như những con trâu chậm, biểu tượng của sức ì, muốn tăng trưởng bứt phá thì rất cần dùng những 'cái roi', giống như cái roi vụt trâu.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân là một biện pháp quan trọng để tăng trưởng bứt phá (ảnh minh họa)

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân là một biện pháp quan trọng để tăng trưởng bứt phá (ảnh minh họa)

Có vụt roi, trâu mới đi nhanh

Những năm 90 của thế kỷ trước, những người nông dân dắt trâu đi cày bừa lúc nào cũng mang theo một cái roi vụt trâu. Cái roi này thường là một cành tre dẻo dai. Vào những ngày đông giá rét, trâu lười kéo cày bừa, người đi cày dùng cái roi vụt mạnh vào mông thì trâu mới đi nhanh. Nếu không có roi, nhiều con trâu lì lợm không thèm đi dù chủ trâu khản cổ giục.

Tự nhiên tôi lại liên tưởng hình ảnh cái roi vụt trâu, con trâu với "tăng trưởng bứt phá" - một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Hải Dương trong năm 2022. Chủ đề năm 2022 đã được tỉnh xác định là "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá" và đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 10%, cao hơn 1,4% điểm phần trăm so với năm 2021. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu GRDP tăng bình quân 9% trở lên. Tôi chợt nghĩ rằng một số vấn đề ở Hải Dương còn thực hiện chậm, nhiều lĩnh vực còn chậm chuyển biến, còn những hạn chế cũng giống như những con trâu chậm. Muốn tăng trưởng bứt phá, muốn đi nhanh thì rất cần dùng đến những "cái roi" giống như cái roi vụt trâu.

Vậy những lĩnh vực, vấn đề nào Hải Dương còn chậm trễ, còn điểm nghẽn, nút thắt? Gần đây, tôi có đọc 2 văn bản thì trong phần hạn chế, từ "chậm" được nói tới rất nhiều lần. Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, ở phần hạn chế, yếu kém và nguyên nhân có nêu: Một số nhiệm vụ chuyên môn của các ngành, lĩnh vực và địa phương chậm được triển khai theo kế hoạch đề ra. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ thực hiện đầu tư dự án; dự án phải giao đất thành nhiều đợt ở nhiều thời điểm khác nhau. Cải cách thủ tục hành chính chưa rõ nét, vẫn còn điểm nghẽn, xử lý một số vụ việc còn chưa dứt điểm, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Thực hiện nâng cấp đô thị theo lộ trình còn chậm, lúng túng. Một số nhà đầu tư chây ỳ không hoàn thiện dự án để nghiệm thu, bàn giao theo đúng kế hoạch. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tiến độ. Tiến độ lập và trình phê duyệt của một số chương trình, đề án còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu thời gian hoàn thành theo quy định…

Trong Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ giai đoạn 2021-2025, ở phần hạn chế, yếu kém khi đánh giá kết quả thực hiện trong giai đoạn 2026-2020 cũng đề cập: Sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, đa phần vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, hiệu quả còn thấp, tốc độ tăng trưởng thấp so với bình quân chung của cả nước (2,3% so với 2,91%/năm). Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư. Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa có chuyển biến rõ nét. Môi trường đầu tư kinh doanh chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp hơn mặt bằng chung của toàn quốc và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, làm kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt chưa có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư…

Trong những cái chậm nêu trên, có những cái chậm đã kéo dài nhiều năm song chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục là cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giải phóng mặt bằng...

"5 rõ", "6 dám"

Vậy dùng "cái roi" nào để vụt những "con trâu chậm" ở trên? Tôi nghĩ rằng cần quyết liệt dùng "5 rõ" và "6 dám".

"5 rõ" là rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm. Làm chậm tức là chưa làm tốt "rõ tiến độ". Thực tế cho thấy nhiều công việc có triển khai, tổ chức thực hiện song tiến độ chậm, chứ không phải không thực hiện. Nếu không thực hiện việc gì đó thì dễ xử lý trách nhiệm, còn khi thực hiện nhưng chậm thì thường chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, khó xử lý mạnh tay. Do đó, nhiều cái chậm là một cản trở ghê gớm với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, vì tăng trưởng bứt phá tức là phải nhanh chóng. Một công việc chậm được thực hiện, chậm hoàn thành do chưa xác định rõ tiến độ thực hiện. Rõ tiến độ cụ thể của từng việc là biện pháp hữu hiệu để chuyển từ chậm sang nhanh. Rõ tiến độ cần gắn chặt với rõ trách nhiệm. Nếu không hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra cần quy trách nhiệm rõ ràng. Phải quyết liệt xử lý những công việc chậm trễ, những con người làm chậm trễ thì mới mong có sự tăng trưởng bứt phá.

"6 dám" là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Những lĩnh vực, vấn đề, con người làm chậm mà muốn xử lý được thì phải có những người có tố chất "6 dám" nêu trên, nhất là người đứng đầu. Có "6 dám" thì mới có dũng cảm đứng ra cam kết khắc phục chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc, dám xử lý những tổ chức, cá nhân cản trở mục tiêu tăng trưởng bứt phá, thậm chí dám từ chức nếu công việc lãnh đạo không hiệu quả. Tỉnh Hải Dương đang rất cần những con người "6 dám" như thế.

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/tu-cai-roi-vut-trau-nghi-ve-tang-truong-but-pha-191790