Từ Canada đến Uzbekistan: Nỗ lực bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại

Câu chuyện về Ontario Place ở Toronto, Canada hay những công trình hiện đại tại Tashkent, Uzbekistan đã mở ra cuộc thảo luận rộng hơn về việc làm thế nào để cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững.

Uzbekistan đã đưa ra một cách tiếp cận đáng chú ý với Dự án “Tashkent Modernism XX/XXI”. (Ảnh: Andy Mann)

Uzbekistan đã đưa ra một cách tiếp cận đáng chú ý với Dự án “Tashkent Modernism XX/XXI”. (Ảnh: Andy Mann)

Di sản kiến trúc hiện đại không chỉ phản ánh sự sáng tạo của con người mà còn là dấu ấn của một thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa và phát triển kinh tế ngày càng nhanh, nhiều công trình mang giá trị lịch sử và văn hóa lại đang đối mặt với nguy cơ bị phá bỏ.

Bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại trước thách thức đô thị hóa

Năm 1967, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Canada bước vào thời kỳ phát triển kiến trúc mạnh mẽ, đánh dấu bằng những công trình mang tính biểu tượng. Triển lãm Expo 67 ở Montreal đã giới thiệu những thiết kế đột phá như Habitat 67 của Moshe Safdie hay Biosphere của Buckminster Fuller. Trong khi đó, tại Ottawa và Toronto, hàng loạt công trình hiện đại được xây dựng, như Tòa thị chính Toronto của Viljo Revell (1964) hay Trung tâm TD của Ludwig Mies van der Rohe (1969).

Một trong những công trình tiêu biểu của thời kỳ này là Ontario Place, một hòn đảo nhân tạo ven hồ Ontario, được thiết kế bởi kiến trúc sư cảnh quan Michael Hough và kiến trúc sư Eberhard Zeidler. Công trình này không chỉ thể hiện tư duy kiến trúc tiên phong mà còn hướng đến sự hòa hợp giữa đô thị và thiên nhiên. Với những đường đi bộ quanh co, hệ thống kênh đào, rừng cây và không gian giải trí đa dạng, Ontario Place trở thành biểu tượng cho một cách tiếp cận đô thị bền vững, nơi thiên nhiên và kiến trúc có thể bổ trợ lẫn nhau.

Kể từ năm 2019, chính quyền bang Ontario đã đưa ra kế hoạch tái phát triển Ontario Place, trong đó bao gồm việc chuyển đổi một phần công trình thành khu spa tư nhân. Kế hoạch này đã tạo ra nhiều tranh luận trong giới kiến trúc và cộng đồng yêu di sản, khi Ontario Place được xem là một trong những công trình đại diện cho thời kỳ hiện đại của Canada. Năm 2020, Quỹ Di sản Thế giới (World Monuments Fund) đã đưa công trình này vào danh sách giám sát, đánh dấu tầm quan trọng của Ontario Place trên bản đồ di sản hiện đại quốc tế.

Câu chuyện của Ontario Place cũng mở ra một vấn đề lớn hơn: Tại sao di sản kiến trúc hiện đại lại khó được bảo tồn? Trong khi những công trình lịch sử như Nhà thờ Đức Bà Paris dễ dàng nhận được sự quan tâm bảo tồn, nhiều công trình hiện đại quan trọng lại gặp khó khăn trong việc duy trì. Một số ví dụ điển hình như Nagakin Capsule Tower (Nhật Bản) - công trình theo phong trào Metabolist của Kisho Kurokawa, bị phá bỏ năm 2022. Bệnh viện phụ nữ Prentice (Chicago, Mỹ) - thiết kế của Bertrand Goldberg, bị tháo dỡ năm 2015. Robin Hood Gardens (London, Anh) - khu nhà ở xã hội do Alison và Peter Smithson thiết kế, hoàn thành năm 1972, nhưng đã bị phá bỏ năm 2017. Những công trình này từng được xây dựng với lý tưởng đổi mới xã hội, nhưng hiện nay lại bị thay thế bởi các dự án đô thị mới, đặt ra bài toán giữa giữ gìn giá trị di sản và nhu cầu phát triển đô thị.

Trong khi nhiều quốc gia đang đối diện với bài toán bảo tồn kiến trúc hiện đại, Uzbekistan đã đưa ra một cách tiếp cận đáng chú ý. Dự án “Tashkent Modernism XX/XXI” do Quỹ Phát triển Nghệ thuật và Văn hóa Uzbekistan (ACDF) khởi xướng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản kiến trúc hiện đại, đặc biệt là những công trình được xây dựng từ những năm 1960.

Năm 2023, ACDF đã tổ chức Hội thảo “Tashkent ở đâu trên bản đồ thế giới?”, dẫn đến việc xuất bản hai nghiên cứu quan trọng: “Tashkent: A Modernist Capital” - giới thiệu kiến trúc hiện đại của Tashkent đến công chúng quốc tế; và “Tashkent Modernism” - một tư liệu nghiên cứu chi tiết về di sản kiến trúc hiện đại của thành phố. Việc Uzbekistan tích cực bảo tồn kiến trúc hiện đại cho thấy một hướng đi mới, nơi các di sản không chỉ được bảo vệ như một phần của quá khứ mà còn đóng vai trò trong việc định hình bản sắc quốc gia và phát triển đô thị bền vững.

Cân bằng giữa quá khứ và tương lai

Di sản kiến trúc hiện đại không chỉ là những công trình xây dựng mà còn là những dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển đô thị. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và áp lực phát triển kinh tế ngày càng lớn, việc bảo tồn những công trình này trở thành một thách thức không nhỏ. Ở nhiều quốc gia, di sản kiến trúc hiện đại vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khi phần lớn các công trình được xếp hạng bảo tồn vẫn thuộc về các thời kỳ lịch sử xa hơn. Điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để vừa giữ gìn bản sắc đô thị, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững?

Câu chuyện của Ontario Place mở ra nhiều vấn đề về bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại. (Ảnh: infrastructureontario.ca)

Câu chuyện của Ontario Place mở ra nhiều vấn đề về bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại. (Ảnh: infrastructureontario.ca)

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc bảo tồn di sản kiến trúc là áp lực phát triển kinh tế. Nhiều thành phố buộc phải ưu tiên các dự án xây dựng mới, trong khi việc duy trì các công trình cũ thường đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể. Tại Gaza, các công trình lịch sử như Cung điện Pasha hay nhà tắm Hamam al-Samara đã bị hư hại nghiêm trọng do xung đột và việc khôi phục chúng không chỉ đòi hỏi ngân sách lớn mà còn cần nhiều năm nỗ lực.

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản kiến trúc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận của các công trình này. Ở một số nơi, sự thiếu hiểu biết về giá trị văn hóa, lịch sử của kiến trúc hiện đại dẫn đến việc thiếu sự ủng hộ trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, vẫn có những ví dụ cho thấy khi cộng đồng tham gia tích cực, những công trình tưởng chừng như bị lãng quên có thể được cứu vãn. Tại Birmingham (Vương quốc Anh), nhóm Brutiful đã khởi động phong trào bảo vệ các công trình kiến trúc theo phong cách Brutalist, giúp nhiều công trình quan trọng tránh khỏi nguy cơ bị phá bỏ.

Thay vì xem kiến trúc hiện đại như những công trình đã lỗi thời, việc bảo tồn có thể mở ra một hướng đi mới, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện, tạo ra bản sắc đô thị độc đáo. Thực tế, nhiều thành phố trên thế giới đã nhận ra giá trị của việc bảo tồn di sản kiến trúc và tìm cách tích hợp chúng vào không gian đô thị đương đại. Một ví dụ tiêu biểu là dự án “Con đường Ngọc trai” ở Muharraq, Bahrain. Dự án này đã kết hợp việc bảo tồn 17 công trình lịch sử với thiết kế đô thị đương đại, tạo ra một tuyến đường văn hóa dài 3,2km kết nối quảng trường công cộng, các phòng trưng bày và không gian triển lãm. Không chỉ giúp bảo tồn di sản, dự án còn thúc đẩy du lịch, tạo không gian sinh hoạt cho cộng đồng và khuyến khích phát triển kinh tế địa phương.

Để bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa nhiều bên, từ chính phủ, chuyên gia, tổ chức bảo tồn đến cộng đồng địa phương. Một số giải pháp quan trọng bao gồm chính sách, hỗ trợ tài chính, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng dụng công nghệ. Quan trọng hơn hết, các cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ di sản kiến trúc. Việc xác định các khu vực có giá trị lịch sử và thành lập các khu bảo tồn có thể giúp ngăn chặn nguy cơ phá hủy không cần thiết. Dù vậy, việc bảo tồn không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Sự kết hợp giữa khu vực công và tư, thông qua các quỹ bảo tồn, chương trình tài trợ hoặc mô hình hợp tác công - tư, có thể giúp giảm áp lực tài chính và bảo đảm việc duy trì công trình trong dài hạn.

Công tác bảo tồn cũng sẽ hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của người dân. Các chương trình triển lãm, hội thảo, sự kiện văn hóa có thể giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ di sản. Đồng thời, công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ việc bảo tồn di sản theo nhiều cách. Việc số hóa, mô phỏng 3D, quản lý dữ liệu giúp theo dõi tình trạng của các công trình, hỗ trợ công tác trùng tu và bảo trì. Ngoài ra, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững có thể giúp giảm chi phí bảo tồn và kéo dài tuổi thọ công trình. Các chuyên gia và kiến trúc sư đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra phương pháp bảo tồn phù hợp với từng địa phương.

Có thể thấy, di sản kiến trúc hiện đại không chỉ là những công trình vật chất, mà còn là biểu tượng của tư duy đổi mới và sáng tạo qua từng thời kỳ. Bảo tồn những công trình này không có nghĩa là trì hoãn sự phát triển, mà là tạo ra một sự cân bằng giữa quá khứ và tương lai. Thay vì để những di sản này bị lãng quên hoặc thay thế hoàn toàn, việc tìm kiếm các giải pháp bảo tồn linh hoạt và sáng tạo có thể giúp các đô thị phát triển bền vững hơn. Khi các thành phố ngày càng mở rộng, việc giữ lại những giá trị kiến trúc đặc trưng không chỉ giúp tạo nên bản sắc riêng mà còn góp phần xây dựng một môi trường đô thị hài hòa và giàu tính nhân văn hơn.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-canada-den-uzbekistan-no-luc-bao-ton-di-san-kien-truc-hien-dai-post543813.html