Từ cây tía tô, liên kết để tạo vùng sản xuất dược liệu bền vững ở Lào Cai
Với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, tại nhiều vùng cao ở Lào Cai, cây dược liệu được trồng với quy mô lớn. Nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp, các vùng dược liệu đã dần hình thành với diện tích vài chục đến hàng trăm héc-ta. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì đây còn là nguồn thu bền vững của người dân vùng cao.
Trên những sườn núi cao ở Tả Phìn, hơn 30 héc-ta tía tô của Hợp tác này đang bước vào vụ thu hái. Cây dược liệu được trồng, chăm sóc và thu hái đúng cách bởi chính những người dân bản địa và cũng là thành viên của Hợp tác xã được đánh giá là có dược chất cao. Ở tuổi 60 nhưng ngày nào bà Khé cũng lên núi để hái tía tô. Theo bà Khé, công việc này không vất vả lại có thu nhập cao.
Vùng nguyên liệu được hình thành tập trung sẽ giúp đơn vị kinh doanh tập trung nguồn lực đầu tư, giám sát chặt chẽ và xây dựng các vùng nguyên liệu có giá trị cao. Điển hình như doanh nghiệp này, để quản lý tốt vùng nguyên liệu quế với diên tích trên 2.200 héc-ta phục vụ cho xuất khẩu, công ty đã ứng dụng phần mềm quản lý chất lượng vùng quế.
Tỉnh Lào Cai hiện có 210 héc ta với 13 cây dược liệu đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Đây cũng chính là cơ hội để Lào Cai xây dựng có liên kết bền chặt, tạo các vùng nguyên liệu dược liệu có quy mô lớn.
Việc hình thành, mở rộng các vùng nguyên liệu sẽ tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế dược liệu và là giải pháp để từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại vùng cao theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Vũ Thắng -
Hồng Ngọc