Từ chiến tranh đến hòa bình qua tranh Nguyễn Quốc Thái
Tranh cổ động, tem và ký họa chiến tranh... do họa sĩ Nguyễn Quốc Thái sáng tác trong thời gian ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sẽ được trưng bày tại Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong triển lãm Chân dung Quốc Thái, diễn ra từ 29.4 - 5.5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, người yêu hội họa có dịp gặp họa sĩ Nguyễn Quốc Thái qua triển lãm tổng kết cuộc đời sáng tác nghệ thuật của ông kể từ năm 1966 đến trước khi mất năm 2020.
Triển lãm giới thiệu 150 bức tranh, trong đó có tranh cổ động, tem và ký họa chiến tranh... những sáng tác chủ yếu của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái những năm 1960 - 1970, khoảng thời gian ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hải Phòng năm 1972 qua nét vẽ ký họa của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái
Các tác phẩm đưa đến người xem đầy đủ trạng thái của một vùng đất qua thời gian: phá hủy - hồi sinh, trắng đen - rực rỡ, xáo động - êm đềm, nghiêm trang - phóng khoáng… Tranh của họa sĩ Quốc Thái đã cất trữ trong mình sinh lực sống dồi dào, khỏe khoắn của người dân Hải Phòng quê hương ông nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong đó, Hải Phòng năm 1972 hiện lên qua nét vẽ ký họa như một cuốn nhật ký chiến tranh chống Mỹ bằng tranh, vừa mới xảy ra như: Phố Ký Con bị bom Mỹ trưa ngày 27.12.1972; Bom Mỹ phá hủy khu phố Quang Trung - Hải Phòng trưa ngày 27.12.1972; Bom Mỹ phá hủy khu phố Phan Bội Châu - Hải Phòng trưa ngày 27.12.1972; Tội ác của giặc Mỹ đánh phá nhà máy xi măng Hải Phòng 1972…

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm cổ động, tem và ký họa chiến tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái những năm 1960 -1970
Đi qua chiến tranh để đến hòa bình, những bức tranh về thời bình của ông trên nhiều chất liệu như bột màu, màu nước, lụa đặc tả phong cảnh quê hương như Cát Bà, Hạ Long, mang màu sắc tươi sáng, rực rỡ, thanh bình. Từ các cô thôn nữ gặt lúa đến các bà, các chị đi lễ chùa làng, những đôi trai gái chở nhau trên xe đạp bình yên dạo phố đến những con đò đậu thanh bình trên bến sông Tam Bạc...

Đi qua chiến tranh để thêm trân trọng hòa bình
Ngoài những thể loại quen thuộc như phong cảnh, hay tranh cổ động, mảng đề tài chân dung gia đình, thiếu nữ và tĩnh vật cũng rất đẹp trong tranh ông... thể hiện sự bình yên, an yên của người họa sĩ đã đi qua chiến tranh. Qua đó đưa tới người xem những cảm xúc để thêm trân trọng và yêu quý cuộc sống hòa bình.