Từ chơi khăm nhẹ đến… đùa 'bẩn'
Bắt đầu bằng những cú troll (chơi khăm) nhẹ nhàng, trò đùa này hiện đã biến tướng thành nhiều phiên bản ác, kém duyên, thậm chí phạm luật. Bất chấp việc biến những người bị troll thành nạn nhân, chủ nhân của những clip chơi khăm chỉ quan tâm đến lượt xem và số nút like.
Nếu bị phản ứng chỉ cần nói “đùa ấy mà”!?
“Thời tiết dễ chịu nên tôi ra bờ Hồ để tìm cách bắt chuyện với người nước ngoài để nâng cao trình giao tiếp tiếng Anh. Đang ngồi nhẩm từ mới thì có một nữ sinh mặc áo khoác đồng phục từ đâu đến ngồi thẳng lên đùi tôi. Bị bất ngờ, tôi có động thái hất bạn ra. Cô gái này cười rồi ngồi vào chỗ bên cạnh.
Nghĩ là người ta mải dùng điện thoại không để ý, tôi lại ngồi xuống ghế cách bạn đó một khoảng xa. Chưa kịp ấm chỗ, bạn này lại dấn tới, tiếp tục ngồi trên đùi tôi. Lần này tôi phản ứng gắt thì một bạn gái đi sau chìa ra cái điện thoại: chúng tôi đùa thôi!
Sau khi troll tôi, các bạn ấy tiến đến một chàng trai ngoại quốc. Không nói không rằng, bạn gái ngồi thẳng lên đùi người ta. Thanh niên kia khá bối rối, cất tiếng gọi bạn gái đến “cứu net”. Cô bạn gái thấy hoạt cảnh này có vẻ buồn cười nên lấy điện thoại ra chụp. Khi họ rời đi, tôi nghe thấy hai người vẫn còn hoang mang hỏi nhau: “nó muốn gì? Tao không biết, chắc nó chập”!
Chia sẻ của Trần Quốc Huy (ĐH Hà Nội) trong buổi trò chuyện xung quanh nạn “đú trend” của giới trẻ gần đây (do tiến sĩ Lê Mỹ Hiền và nhóm Yêu Hà Nội phối hợp tổ chức) đã làm gợn lên “ngàn tầng sóng”. Hai giờ đồng hồ sau đó, rất nhiều nạn nhân của những trò “troll vô duyên” lần lượt chia sẻ các trải nghiệm không mấy vui vẻ của mình.
Đỗ Văn Trọng (ĐH KTQD) cho biết: “Khi đang ngồi nghỉ ở ghế đá công viên Thống Nhất sau khi chạy bộ, tôi bị một cô gái sà vào ngồi trên lòng. Ban đầu tôi nghĩ cô ấy là gái mại dâm, sau mới biết là một người đang đu trend. Tôi bảo cô ấy đừng làm thế, chúng ta có quen nhau đâu. Cô ấy bảo: trước lạ sau quen, trời định thế rồi! Về trường, kể lại trải nghiệm này, mấy anh năm cuối xui tôi: lần sau nếu bị thế, mày cứ dê cho tao”!
Được biết, trò troll “ngồi đùi trai lạ” mới xuất hiện cách đây không lâu. Chỉ sau một thời gian ngắn phổ biến, trên ứng dụng Capcut của Tiktok, trò này đã thu hút hơn 1 triệu người sử dụng.
Giống như tất cả những trò troll khác, những người làm video sẽ cố tình tạo ra một tình huống bất ngờ để thử thách phản ứng của nạn nhân rồi dùng điện thoại bí mật quay lại. Khi bị phản ứng họ chỉ cần bảo “troll Việt Nam”, ý chỉ đây là một trò đùa vui “không có gì nghiêm trọng”.
Điều khiến cho những clip này có sự lan tỏa rộng rãi nằm ở sự hưởng ứng của người xem. Trung bình một clip troll trai lạ dài chừng 3-5 phút thu hút khoảng 5.000-15.000 lượt tương tác. Người tham gia chủ yếu là những thanh niên trẻ.
“Ngồi đùi trai lạ mới là một biến thể thôi, còn nhiều trò biến thái khác mà ai là nạn nhân thì cũng bực mình, kiểu như: thử thách hôn gái đẹp, chạm ngực hotgirl, em ơi đi nhà nghỉ với anh không… Người thoáng nhất mà gặp những ca kiểu này cũng khó chịu.
Có người nổi khùng, nhưng mà người ta cứ cười cười rồi bảo, đùa thôi, chả nhẽ lại còn làm rùm lên cho bị chú ý. Nhiều người cứ nhịn cho xong, coi như “gặp đứa hâm”. Nhưng mà các nhà “sáng tạo nội dung” lại không thấy đó làm phiền, cứ có view là họ chơi khăm bất chấp”, điều phối viên Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Từ đùa vui đến quấy rối
Hồng Loan (ĐH Thủy Lợi), một nạn nhân của trò “thử thách hôn gái đẹp” kể lại trải nghiệm của mình: “Tôi đang đi đường thì có một thanh niên nhảy ra bảo: bạn ơi, cái áo của mình nó có mùi lạ lắm, bạn ngửi hộ mình xem có đúng không để mình còn về thay. Rồi trong khi tôi còn đang hoang mang thì bạn trai đó chìa phần ngực áo ra. Khi đầu tôi vừa vặn chạm lại gần, bạn đó nhân cơ hội hôn lên trán tôi một cái rồi cười rất sung sướng. Biết đây là một trò đùa tôi vẫn thấy khó chịu, kiểu như mình bị quấy rối vậy”.
Được biết, thử thách hôn gái đẹp được lan truyền mạnh mẽ sau khi một tiktoker đăng clip “nhờ ngửi ngực áo” kèm lời kêu gọi công khai: “quá dễ để hôn gái xinh, mấy anh thử ngay đi nhé”.
Trong đoạn clip dài ba phút rưỡi thu hút gần 10.000 lượt tương tác, chỉ tính riêng bản trên facebook, có nhiều lần vì “nhờ ngửi” nhầm đối tượng, chủ clip bị bạn trai, người nhà của cô gái dọa đánh. Điều đáng nói, trong số 1.200 bình luận bên dưới, đa phần mọi người cho trò này là “nghịch dại”, “bị đánh là đúng”, song vẫn không ngăn được sự lan truyền của “thử thách”.
Dấn thêm một bước, các “nhà sáng tạo nội dung” còn nghĩ ra một trò troll độc hại hơn là “chạm ngực gái đẹp”. Theo đó, thanh niên cầm theo camera mini khi đi qua các cô gái trẻ sẽ đưa tay chạm ngực họ với lý do: “nhỡ tay, xin lỗi nhé” hoặc: “áo bạn có con gì bám vào”. Đa số cô gái khi thấy chiếc camera anh ta cầm trên tay thì không phản ứng quá gay gắt.
Song điều họ không ngờ tới là khi video này được đăng lên mạng, nó được gắn kèm những phụ đề hết sức dung tục kiểu như: đây là bưởi, đây là cam, đây là quýt, còn đây là mướp… Sau đó không lâu, clip này đã bị gỡ khỏi nền tảng Tiktok. Điều này khiến không ít nạn nhân thở phào.
Một biến thể troll vô duyên khác là “gây chuyện thị phi”: để đu thử thách này, người thực hiện chỉ cần chọn đối tượng, rồi bất ngờ “vu oan giá họa” cho nạn nhân là “tiểu tam, trà xanh, giật chồng” sao cho thu hút càng nhiều người tò mò đến xem càng tốt.
Kết thúc video, nạn nhân thường là hoảng loạn thanh minh, có người khóc nức nở, có người chết lặng vì chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Trước tình cảnh hỗn loạn ấy, kẻ gây chuyện chỉ việc chìa cái camera hoặc điện thoại ra cười hì hì bảo: troll thôi, đùa thôi là hòa cả làng. Về sau, vì có một số người phản ứng dữ dội (đập điện thoại hoặc camera, dọa kiện…), cộng với phản ứng lên án của người xem nên kiểu “nghịch dại” này trên tiktok hiện đã “tem tém lại”.
Đã có đơn kiện vì bị troll ở nơi công cộng
Xung quanh chuyện troll và bị troll, luật sư Trần Thanh Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ một tình huống mới xảy ra hồi đầu năm: “Lúc đó tôi nhận được đơn kiện của một giáo viên, kiện một stremer (người phát sóng trực tiếp thông qua một nền tảng mạng xã hội) vì đã tạo clip tố người này là tiểu tam. Lúc video được phát trực tiếp, stremer có nói rằng đây chỉ là một trò troll.
Nhưng về sau, khi video được lấy lại và phát tán, người ta cố tình cắt phần giải thích đó dẫn đến uy tín của người giáo viên bị ảnh hưởng. Nhận được đơn kiện, người stremer mới biết tác hại của trò đùa dai, nó không những khiến anh ta phải mất tiền phạt, còn có thể đối mặt án hình sự nếu thông tin sai lệch không được thu hồi, cải chính kịp thời”.
“Để hạn chế các trò troll bẩn, theo tôi, việc chúng ta ngưng xem, ngưng chia sẻ những clip kiểu này sẽ khiến các tiktoker, stremer mất hứng, hoặc là phải phản ứng thật gắt lên để họ biết khó mà lui. Nếu bạn im lặng hoặc hùa theo, rất có thể một ngày kia bạn sẽ là nạn nhân của những trò đùa bẩn tai hại hơn”.
Nhà văn Nguyễn Thu Thủy
Về các trò đùa khác như “thử thách chạm ngực gái xinh” hay “rủ em đi nhà nghỉ”, luật sư Trần Thanh Nga cho biết, nếu nạn nhân có đơn kiện, các “nhà sản xuất nội dung” có thể bị phạt vì hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự công cộng.
Tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau: người nào có hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 5 đến 8 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai đối với hành vi của mình, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu. Trường hợp hành vi quấy rối tình dục thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội cưỡng dâm, tội dâm ô thì người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-choi-kham-nhe-den-dua-ban-post1622822.tpo