Từ chối và tha thứ

Một tác giả phương Tây đã viết: 'Trong tất cả các kỹ năng sống ở trên đời thì có lẽ có hai thứ khó nhất, đó là: Từ chối và Tha thứ'.

Từ chối là một quá trình ức chế, quá trình kìm hãm, kìm nén nên rất khó khăn, đòi hỏi nhiều sự rèn luyện, phấn đấu vất vả mới có được. Thí dụ: Trước một bữa ăn có rượu, thịt, sơn hào hải vị đầy đủ, ai nhịn được hoặc tiết chế được không ăn hoặc ăn vừa phải khó hơn là cứ ăn uống thoải mái. Người có chức có quyền, biết từ chối nhận hối lộ khó hơn nhiều so với việc ung dung bỏ túi số tiền, của người đưa hối lộ. Hậu quả ra sao thì đài, báo đã đưa tin hàng ngày. Kết quả bị tù tội dành cho những cán bộ tham nhũng, không biết từ chối, không biết dự phòng những cạm bẫy vật chất bao quanh.

Trong dân gian đã có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” (Bệnh từ miệng ăn vào, họa từ miệng nói ra). Từ đó suy ra: Biết ăn uống hợp vệ sinh, điều độ sẽ tránh được những bệnh tật do ăn uống gây ra vì đã tránh được cái họa “tham ăn, tục uống” làm tổn hại sức khỏe con người. Biết từ chối nói ra những điều xấu, những điều không tốt đẹp thì tránh được cái vạ miệng.

Như vậy, nên ai cũng phải rèn luyện và làm theo kỹ năng “biết từ chối” suốt đời vì: Biết từ chối là phẩm chất tốt đẹp nhất mà chỉ con người mới rèn luyện, tu tập, kiên trì để có được. Biết từ chối là sự phân biệt giữa hoạt động bản năng và hoạt động có lý trí. Từ chối ăn, từ chối nói, từ chối nhìn, từ chối nghe những điều không nên, là những phương pháp hiệu quả nhất để giữ mình xa lánh những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Việt Nam ta có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, ngạn ngữ cổ của Pháp có câu: “Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” cũng nhắc nhở chúng ta thường xuyên thận trọng về kỹ năng ăn và kỹ năng nói.

Tiếp theo bàn về kỹ năng “tha thứ”. “Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen” (Nguyễn Du)”. Xét về bản chất sinh học, tha thứ là một quá trình ức chế mạnh mẽ, khác hoàn toàn với phản xạ bản năng. Quá trình ức chế này tốn rất nhiều năng lượng, đòi hỏi người thực hiện phải có bản lĩnh, có trình độ và đặc biệt phải có nhiều kinh nghiệm sống. Xin dẫn chứng dưới đây cả về lý thuyết lẫn thực tế về vẻ đẹp của sự tha thứ, cái lợi trước mắt và lâu dài do sự biết tha thứ mang lại.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chính phủ Việt Nam, với tầm nhìn xa trông rộng, đã đề cao sự tha thứ đối với kẻ xâm lược khi chúng bị bắt làm tù binh. Chính nhờ sự tha thứ cao cả ấy mà sau khi về nước, đã có nhiều người giác ngộ và tích cực tham gia phản chiến chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cái lợi ấy cho Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam thật hết sức to lớn.

Sau khi giải phóng miền Nam, với chính sách khoan dung nhân đạo, chúng ta đã cảm hóa được bao nhiêu người lầm đường lạc lối trở về xây dựng đất nước hòa bình. Trong những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Chính phủ ta đã tiến hành ân xá, đặc xá cho nhiều phạm nhân được ra tù trước thời hạn, giúp cho bao con người trước đây phạm tội được trở về với vợ con, với gia đình để làm lại cuộc đời lương thiện.

Thật đáng quý bao nhiêu, các chính sách khoan dung, độ lượng, tha thứ mà Việt Nam ta đã áp dụng trong các thời kỳ giữ nước và xây dựng đất nước. Các chính sách của Việt Nam ta cũng rất phù hợp với Phong trào Hòa bình thế giới. Đúng như nữ học giả người Mỹ, Marianne Williamson (sinh năm1952) - người sáng lập ra Tổ chức “The Peace Alliance” (tạm dịch: “Tổ chức liên kết hòa bình”) đã viết: “Tha thứ là điều quan trọng giúp hàn gắn thế giới”.

Tại sao “tha thứ” có thể hàn gắn thế giới? Đó là vì, như nhà triết học Paul Boese (1923 – 1976) đã chỉ rõ: “Tha thứ không làm thay đổi được quá khứ, nhưng có thể mở rộng được tương lai”. Đối với những cá nhân đang sống trong xã hội, sự tha thứ đã thúc đẩy chính con người đó theo hướng tích cực, đúng như triết gia Tyler Perry (sinh năm 1969) đã phân tích: “Khi bạn không thể tha thứ cho ai đó đã làm tổn thương mình, tức là bạn đang hướng hiện tại và tương lai của mình vào quá khứ”. Tác giả Jim Beaver (sinh năm 1950) cũng đã khẳng định: “Tha thứ, không phải là điều gì đó bạn làm cho ai khác. Đó là điều bạn làm cho chính mình”. Đặc biệt, trong tác phẩm nổi tiếng “Forgive and Forget” (tạm dịch: Hãy tha thứ và hãy quên) nhà bác học Lewis Smedes (1921 – 2002) đã chỉ rõ: “Tha thứ là trả tự do cho một người và phát hiện ra người tù đó chính là ta”.

Qua hai tác giả Beaver và Smedes đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của tha thứ. Hóa ra mình tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình khỏi những trói buộc của cái tôi, của hận thù, của sự oán hận. Đúng như một danh ngôn Đông phương đã dạy: “Oán thù nên cởi bỏ, chứ không nên thắt chặt mãi để tự gây thêm khổ sở, đau đớn cho chính mình”. Trường hợp cởi bỏ được oán thù, tha thứ cho người khác cũng nằm trong nội dung triết học cao quý “Giúp người cũng chính là giúp mình vậy”.

Thật mãi mãi biết ơn các học giả tiền bối đã giúp cho con người sống trong xã hội biết được điều hay lẽ phải mà biết thông cảm, chia sẻ và tiến đến tha thứ cho những người đã gây ra họa, đã có những lời không hay với mình. Cao quý thay, tốt đẹp thay, nhân ái thay!

Tiếp tục khai thác, đào sâu suy nghĩ thêm về sự tha thứ, cần phải kể đến tác phẩm triết học danh tiếng, đó là cuốn “Forgiveness is a choice” (tạm dịch: Tha thứ là một lựa chọn). Tác giả cuốn sách là nhà phê bình văn chương nổi tiếng người Canada, ông Robert Enright (1932 – 2013) đã có một kết luận cực kỳ quan trọng như sau: “Quyết định tha thứ cho ai đó sẽ đưa chúng ta tới nơi sâu thẳm của chính mình, nơi đó mới thực sự là con người”. Đẹp đẽ và cao quý thay nơi sâu thẳm của con người lại chính là lòng thương người, yêu mến và giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người yếu thế và những người ít gặp may mắn. Đó mới thực sự là chủ nghĩa nhân văn và lương thiện mà ai ai cũng phải cố gắng đạt tới.

Khép lại bài viết về "Từ chối và Tha thứ" nên nhớ đến hai danh ngôn sau: “Từ chối chẳng những là phẩm hạnh tốt nhất của con người mà còn là một loại thuốc quý ngăn ngừa nhiều tai họa trong cuộc sống”; “Tha thứ không phải là hành động nhất thời, tha thứ là một nhân cách” (tác giả Martin Luther king - triết gia người Mỹ).

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-choi-va-tha-thu-10304920.html