Tự chủ đại học: Mục đích cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát biểu tại Hội nghị Tự chủ đại học sáng 4.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định mục đích cuối cùng của tự chủ là phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn lại thực tiễn thực hiện tự chủ đại học (TCĐH) của Việt Nam thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đổi mới là một quá trình, là con đường không chỉ có hoa hồng mà rất nhiều chông gai và nhiều hy sinh. Từ hơn 20 năm trước, chúng ta đã phải cọ xát kịch liệt khi bàn về TCĐH, để đến giờ, TCĐH được đưa vào nghị quyết của trung ương, vào các văn bản pháp luật. Đương nhiên, vẫn còn điểm chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, buộc phải vừa làm vừa tổng kết, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Tự chủ đại học sáng 4.8

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Tự chủ đại học sáng 4.8

Trong thực tế, cần nhìn nhận rõ ràng giáo dục đại học (GDĐH) đã chuyển đổi tốt hơn. Không nên vì một số yếu tố chưa tốt, một số trục trặc, tâm tư mà đặt ra câu hỏi tự chủ có cần thiết không. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, tất cả phải thống nhất tư duy hành động, cùng tháo gỡ khó khăn, mục tiêu là đổi mới GDĐH đi theo xu thế quốc tế.

"Tự chủ không có nghĩa là tự lo, tự do, muốn làm gì thì làm. Tự chủ nhưng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đó là điều kiện nguồn lực của nhà nước và thu nhập của người dân, là đặc điểm văn hóa, truyền thống. Và điều quan trọng là tự chủ phải phù hợp với thể chế chính trị của nước ta, là nước chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, không vì vậy mà lấy cái đặc thù của mình để đi ngược với xu thế thế giới, phủ nhận xu thế thế giới. Đi theo xu thế thế giới nhưng tính đến đặc thù của Việt Nam sao cho phù hợp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định mục đích cuối cùng của tự chủ không chỉ là tạo điều kiện cho các thầy, các cô mà là phải phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra Việt Nam đang vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng nhân lực. Theo thống kê mới nhất, tỉ lệ người nhập học đại học trong độ tuổi ở nước ta là 28,6%, chỉ cao hơn Lào, Campuchia, còn lại đều kém các nước trong khu vực và thua xa các nước tiên tiến. Đó là áp lực để đổi mới GDĐH, nhưng để thấy rằng phát triển không gian đại học còn cả một chặng đường dài phía trước.

Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng gợi mở: Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại vấn đề kiểm định để đây không còn là nút thắt để các trường có đủ điều kiện tự chủ; Thứ hai, sớm tháo gỡ vướng mắc trong thành lập hội đồng trường và cơ cấu theo quy định; Thứ ba, tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề các trường từ dân lập chuyển sang tư thục; Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị vấn đề tổ chức, nhân sự.

"Nói chung, TCĐH là con đường một chiều, chỉ có tiến, không có lùi, có rất nhiều cái mới khó lường. Chúng ta kỳ vọng nhiều trường đại học với mô hình quản trị tốt, từ đó lan ra toàn xã hội".

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/tu-chu-dai-hoc-muc-dich-cuoi-cung-la-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-i297139/