Tự chủ giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn. Bài 1: Chuyển đổi, nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học
LTS: Từ khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tiếp đến là Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập giai đoạn 2014-2017, có 23 trường mạnh dạn xin thí điểm tự chủ (có trường tự chủ chi thường xuyên, có trường tự chủ hoàn toàn).
GDĐH của Việt Nam có những bứt phá, nhiều cơ sở bước vào giai đoạn chuyển đổi, nâng cấp. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi, nâng cấp hàng loạt này có thật sự là động lực để giúp các trường đại học phát huy tính tự chủ, nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo?
Trên cơ sở Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99 về hướng dẫn thi thành Luật số 34, hiện nhiều đại học, trường đại học đã có chủ trương phát triển, nâng cấp trường đại học thành đại học, nâng cấp các khoa thành trường đại học trực thuộc hoặc thành trường thuộc trường đại học...
Tấp nập các đề án
Trong hệ thống GDĐH Việt Nam, hiện cả nước chỉ có 5 đại học (ĐH) gồm: 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) và 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế). Tuy nhiên, theo Luật số 34 và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật này thì với những quy định mới về thành lập, đổi tên trường, nhiều trường ĐH lớn đã và đang tất bật làm đề án để nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH, nâng cấp khoa thành trường ĐH và trường trực thuộc.
Vừa qua, Trường ĐH Vinh (Nghệ An) công bố thành lập và bổ nhiệm cán bộ quản lý 4 đơn vị trực thuộc gồm: Trường Sư phạm, Trường Kinh tế, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo trực tuyến. Đây là đơn vị đầu tiên của cả nước thành lập trường trong trường ĐH theo Luật số 34. Cuối tháng 10-2021, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) công bố chiến lược tái cấu trúc nhà trường, từ trường ĐH đơn ngành sẽ đổi thành ĐH đa ngành và bền vững. Cùng với đó là kế hoạch thành lập thêm 5 trường trực thuộc. GS-TSKH Sử Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giai đoạn 2021-2030, nhà trường chính thức thực hiện chiến lược tái cấu trúc hình thành ĐH UEH đa ngành và bền vững, có danh tiếng trong khu vực châu Á. Trong năm nay, trường xây dựng đề án thành lập 3 trường trực thuộc, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và Thiết kế UEH. Giai đoạn 2022-2025, trường xây dựng đề án thành lập ĐH UEH trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật số 34. Giai đoạn 2026-2030, thành lập Trường Quốc tế trên cơ sở nâng cấp Viện Đào tạo Quốc tế ISB, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH của khu vực ĐBSCL.
Tháng 7-2021, GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, đã ký Nghị quyết số 34 (nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ) giao cho hiệu trưởng nhà trường thực hiện các thủ tục pháp lý và xây dựng đề án thành lập 4 trường trực thuộc, gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở Khoa Kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở Khoa Công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở Khoa Nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông. Trường ĐH Cần Thơ là trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực ĐBSCL với đội ngũ cán bộ, giảng viên hơn 1.800 người. Quy mô đào tạo hiện nay của trường khoảng 48.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
Trong khi đó, Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM hiện đang hoàn tất đề án thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe và Bệnh viện Thực hành trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng có đề án thành lập 2 trường trực thuộc, gồm: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cũng có phương án sáp nhập 4 trường ĐH để thành lập ĐH Nguyễn Hoàng… Nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng đang xây dựng đề án phát triển, chuyển đổi và nâng cấp.
Điều kiện “lên đời” liệu có dễ?
Theo Điều 4 của Nghị định 99 về hướng dẫn thi hành Luật số 34, quy định khá rõ việc chuyển trường ĐH thành ĐH và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH, như sau: trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập.
Một phó hiệu trưởng trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM nhìn nhận, tiêu chí tối thiểu để chuyển từ trường ĐH sang ĐH có vẻ lý thuyết và định tính. Tại sao phải là quy mô đào tạo 15.000 người? Nếu quy mô 10.000 người mà tỷ lệ đào tạo sau ĐH (từ thạc sĩ đến tiến sĩ) chiếm trên 30%, công bố quốc tế nhiều và chất lượng thì thế nào, trường tự chủ hoàn toàn thì sao, tự chủ một phần thì sao và chưa tự chủ thì sao? Do đó, với quy định này, sẽ có rất nhiều trường chuyển đổi một cách dễ dàng.
Trường hợp thành lập trường thuộc trường ĐH với điều kiện phải có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên. Trường hợp thành lập trường đào tạo các ngành đặc thù, có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Hội đồng trường hoặc hội đồng ĐH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc trường ĐH.
Theo nhiều chuyên gia, với các trường đa ngành, thậm chí trường đơn ngành như khối kinh tế, xã hội… thì việc thành lập trường theo tiêu chí này cũng không quá khó. Việc phân chia theo 7 khối ngành đã có từ trước, muốn thành lập thì gom lại. Một điều nữa là ban soạn thảo không tính đến yếu tố chất lượng, đó là tiêu chí về kiểm định ra sao, chuẩn chương trình đào tạo như thế nào…
ThS Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM nhìn nhận, xuyên suốt từ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã phát huy và trao quyền tự chủ lớn cho GDĐH. Từ thành công thí điểm 23 trường tự chủ (giai đoạn 2014-2017), nên mạnh dạn sửa đổi và quy định cụ thể ở Luật số 34 và Nghị định 99. Vấn đề cốt yếu đó là phải tính đến hiệu quả, chất lượng quản trị chứ không phải phát sinh thêm để tăng về chỉ tiêu, tốn thêm chi phí mà hiệu quả không cao.
Trước khi có Nghị quyết 29, số công bố quốc tế của cả nước rất khiêm tốn (khoảng 2.309 bài báo quốc tế). Sau Nghị quyết 29, từ năm 2017 đến tháng 6-2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH hàng đầu Việt Nam (trong đó có các trường thí điểm tự chủ) đã đạt 10.515 bài, bằng số công bố của cả nước từ năm 2011-2015. Bằng sáng chế quốc tế (đặc biệt là của Hoa Kỳ) liên tục được trao cho các công bố của các nhà khoa học Việt Nam.
Về xếp hạng quốc tế, nếu năm 2013 chỉ có 2 ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) tham gia xếp hạng quốc tế thì hiện nay có hàng chục trường ĐH tham gia được xếp hạng và cải thiện vị trí liên tục trên các tổ chức xếp hạng uy tín hàng đầu của thế giới. Điều này cho thấy GDĐH của Việt Nam đã tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế, trong đó có 3 nội dung quan trọng: đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng…
Đồng thời, từ chỗ chậm trễ hoặc thậm chí không quan tâm thì đến nay gần như tất cả các trường đã hoàn thiện về tổ chức, thành lập hội đồng trường. Đây là thiết chế không thể thiếu được trong quản trị GDĐH. Dù mô hình hoạt động của hội đồng trường khá đa dạng tại các quốc gia, nhưng dù tổ chức theo mô hình nào thì hội đồng trường vẫn có vai trò quyết định với các trường ĐH tự chủ… Đây chính là những minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát huy tự chủ cho GDĐH.