Tự chủ tài chính các trường đại học công lập theo hướng tăng cường quản trị tài chính

Thực hiện tự chủ tài chính, các trường đại học công lập sẽ phải thay đổi cách thức quản lý tài chính theo hướng tăng cường quản trị tài chính, chuyển sang trạng thái năng động như doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu, cải thiện thu nhập cho người lao động, thu hút và khuyến khích nhân tài.

TÓM TẮT:

Thực hiện tự chủ tài chính, các trường đại học công lập sẽ phải thay đổi cách thức quản lý tài chính theo hướng tăng cường quản trị tài chính, chuyển sang trạng thái năng động như doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu, cải thiện thu nhập cho người lao động, thu hút và khuyến khích nhân tài. Để thực hiện quản trị tài chính, các nhà quản trị trong các trường đại học công lập phải sử dụng các phương pháp, công cụ quản trị tài chính tác động lên các hoạt động thu chi phát sinh trong trường để thực hiện các chức năng cơ bản từ việc lập kế hoạch tài chính, tổ chức tạo nguồn và sử dụng nguồn tài chính đến kiểm tra, kiểm soát nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

Trong thời gian qua, cơ chế quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập ở nước ta đang từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội theo hướng ngày càng nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm về tài chính. Các trường đại học công lập có quyền tự chủ tài chính ngày càng cao trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước được giao, được tự chủ trong việc khai thác và sử dụng nguồn thu, phát huy các tiềm năng về cơ sở vật chất, tài sản, đội ngũ giáo viên để mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn với nhu cầu xã hội, tăng nguồn tài chính cho nhà trường, tăng cường tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho giáo viên, người lao động. Thực hiện tự chủ tài chính, các trường đại học công lập sẽ phải thay đổi cách thức quản lý tài chính theo hướng tăng cường quản trị tài chính, chuyển sang trạng thái năng động như doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu, cải thiện thu nhập cho người lao động, thu hút và khuyến khích nhân tài. Có thể thấy hoạt động quản trị tài chính trong các trường đại học công lập liên quan đến việc lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính, đồng thời tổ chức thực hiện các quyết định đó nhằm đạt được mục tiêu của trường đại học công lập như tăng cường nguồn thu, lợi nhuận, tiết kiệm chi phí hoặc nâng cao khả năng cạnh tranh của trường đại học công lập trên thị trường… Để thực hiện quản trị tài chính, các nhà quản trị trong các trường đại học công lập phải sử dụng các phương pháp, công cụ quản trị tài chính tác động lên các hoạt động thu chi phát sinh trong trường để thực hiện các chức năng cơ bản từ việc lập kế hoạch tài chính, tổ chức tạo nguồn và sử dụng nguồn tài chính đến kiểm tra, kiểm soát nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát các khoản thu trong các trường đại học công lập còn chưa chặt chẽ, chưa tăng cường khai thác triệt để các khoản thu ngoài học phí, chưa vận dụng trung tâm trách nhiệm để phát huy tối đa hiệu quả kiểm soát chi phí; chưa thực hiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị chi phí…

Một số giải pháp nhằm thực hiện tự chủ tài chính các trường đại học công lập theo hướng tăng cường quản trị tài chính:

Một là: Khai thác nguồn thu qua việc tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

Hợp tác giữa trường đại học công lập và doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… để tăng nguồn thu cho trường vẫn là xu thế phổ biến trên thế giới. Các hình thức liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp bao gồm:

- Hợp tác thực hiện các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn: Trường đại học chủ động xây dựng các chương trình đào tạo và phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các khóa đào tạo ở các trình độ khác nhau, các chuyên ngành khác nhau theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc. Một số khóa học được thiết kế theo yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Trong trường hợp này doanh nghiệp thường tham gia thiết kế chương trình và chi trả học phí cho nhân viên.

- Liên kết trong nghiên cứu: Kinh nghiệm cho thấy, liên kết Trường đại học và Doanh nghiệp phát triển mạnh trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hai bên cùng nhau xây dựng đề án hợp tác nghiên cứu khoa học cụ thể cho từng giai đoạn để phối hợp triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm. Doanh nghiệp sẽ hợp tác với nhà trường; cung cấp nguồn nhân lực thực hiện các chương trình hợp tác, dự án nghiên cứu. Lợi ích mà quan hệ hợp tác nghiên cứu mang lại cho nhà trường là tăng cường tính thực tiễn, khả năng triển khai ứng dụng của các công trình nghiên cứu khoa học. Đồng thời qua hợp tác nghiên cứu khoa học, nhà trường có cơ hội tăng nguồn thu, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của nhà trường qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hai là: Xây dựng trung tâm trách nhiệm nhằm kiểm soát chi phí trong trường đại học công lập

Xây dựng các trung tâm trách nhiệm bao gồm:

- Trung tâm đầu tư: gắn với cấp quản lý cao nhất đó là Ban giám hiệu, Ban giám đốc, Hội đồng trường với chức năng là phụ trách chung, chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của nhà trường từ kế hoạch, quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, thu chi tài chính, xây dựng cơ bản, khen thưởng và kỷ luật… Đầu vào là đo lường chi phí, đầu ra là đo lường kết quả tài chính, hiệu quả sử dụng các nguồn lực để tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, tăng thu nhập và trích lập các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ ổn định thu nhập.

- Trung tâm chi phí: Trung tâm chi phí của các trường được phân thành 2 nhóm:Nhóm trung tâm chi phí định mức: đơn vị chuyên môn với nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành cụ thể và nghiên cứu khoa học, nơi phát sinh các chi phí trực tiếp. Về công tác nghiên cứu khoa học, đầu vào đo lường chi phí trả thù lao cho giảng viên.Nhóm trung tâm chi phí dự toán: gắn với các phòng chức năng như phòng đào tạo, phòng tổ chức hành chính, phòng kế hoạch tài chính, … là nơi phát sinh các chi phí gián tiếp.

- Trung tâm lợi nhuận: gắn với các trung tâm cung cấp dịch vụ ngoài nhiệm vụ được giao như các trung tâm đào tạo ngắn hạn, tư vấn chuyên ngành nơi phát sinh cả doanh thu và chi phí.Ba là: Vận dụng bảng điểm cân bằng để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường đại học công lập

Để vận dụng phương pháp này, mỗi trường đại học cần

:- Xác định sứ mệnh, tầm nhìn và xây dựng chiến lược hoạt động để đạt được tầm nhìn và sứ mệnh đó;

- Xác định các khía cạnh đánh giá hiệu quả thực hiện chiến lược đã xây dựng của trường đại học và mối liên hệ nhân quả giữa chúng;- Xác định các mục tiêu cần đạt của từng khía cạnh và xây dựng các chỉ tiêu đo lường từng mục tiêu đó;- Lập kế hoạch và đo lường mức độ đạt được thực tế của từng chỉ tiêu;

- Thiết kế chế độ khen thưởng, kỷ luật dựa trên mức độ thực hiện các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động.Nghiên cứu bảng điểm cân bằng đã được xây dựng và sử dụng cho một số trường đại học trên thế giới, đề xuất một mô hình bảng điểm cân bằng cho các trường đại học công lập ở Việt Nam như sau:

(1) Các chỉ tiêu đánh giá khía cạnh nhận thức và phát triển:

Các chỉ tiêu đánh giá khía cạnh nhận thức và phát triển sử dụng các thước đo gồm:

- Các chỉ tiêu đánh giá thu nhập: tỷ lệ thu nhập so với trung bình ngành;

- Chỉ tiêu đánh giá cơ hội thăng tiến: thời gian thăng tiến trung bình;

- Các chỉ tiêu đánh giá sự thay đổi về chất lượng nhân viên: Số lượng giảng viên được đào tạo, học tập nâng cao trình độ, số lượng các khóa học được tổ chức...

(2) Các chỉ tiêu đánh giá quy trình nội bộ:

Các chỉ tiêu đánh giá quy trình nội bộ trong trường đại học được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm đánh giá sự cải thiện chất lượng đào tạo thể hiện bằng số lượng và tỷ lệ đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo để cập nhật những kiến thức hiện đại theo kịp sự phát triển và xu hướng đào tạo của thế giới.

- Nhóm đánh giá sự thay đổi, cải tiến quy trình quản lý đào tạo, phục vụ sinh viên để rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng phục vụ và tiết kiệm các chi phí: Chỉ tiêu đánh giá sự đổi mới và sáng tạo trong giải quyết các thủ tục; Chỉ tiêu đánh giá sự tiết kiệm chi phí; Các chỉ tiêu đánh giá sự cải thiện về chất lượng công việc; Các chỉ tiêu đánh giá thái độ phục vụ khách hàng.

(3) Các chỉ tiêu đánh giá khía cạnh khách hàng:

Các chỉ tiêu sử dụng để đánh giá khía cạnh khách hàng của trường đại học có thể được sử dụng như: Đánh giá chất lượng đào tạo: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp; Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm; Tỷ lệ hài lòng về chất lượng đào tạo; Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo; Tỷ lệ sinh viên quay lại học tập ở bậc cao hơn; … Đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế; Số lượng hợp đồng tư vấn/chuyển giao khoa học công nghệ, Doanh thu chuyển giao công nghệ...

(4) Các chỉ tiêu đánh giá khía cạnh tài chính:

Để đánh giá hiệu quả hoạt động, các trường đại học có thể sử dụng các thước đo sau:

Tỷ lệ/quy mô của chênh lệch thu - chi so với năm trước; tỷ lệ tăng của các quỹ dành cho nghiên cứu khoa học, đổi mới chương trình, giáo trình, quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư vào cơ sở vật chất, quỹ học bổng để thu hút và tạo động lực sinh viên... Để đánh giá hiệu quả của quản lý chi phí, các trường đại học có thể sử dụng chỉ tiêu chi phí đào tạo tính cho một sinh viên. Để kiểm soát chi phí và đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận trong trường đại học, cần xây dựng riêng bảng điểm cân bằng cho mỗi bộ phận và sử dụng những chỉ tiêu phù hợp để đánh giá. Tóm lại, thực hiện tự chủ tài chính, các trường đại học công lập sẽ phải thay đổi cách thức quản lý tài chính theo hướng tăng cường quản trị tài chính là xu thế tất yếu trong tiến trình cải cách giáo dục đại học ở nước ta. Có nhiều giải pháp để hoàn thiện, song điều quan trọng nhất là phải tạo được sự đổi mới tư duy của các lãnh đạo, sự đồng thuận, phối hợp của các cán bộ giảng viên trong quá trình triển khai thực hiện.

TÀI LIỆU THAO KHẢO:

1. Chính phủ (2021) Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Lê Hoài (2022). Cơ chế tự chủ tài chính đối với trường đại học công lập. Tạp chí Tài chính.

3. Phạm Văn Đăng (2013), Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí trong các trường đại học khối kinh tế, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Học viện Tài chính, Hà Nội.

4. Nguyễn Hữu Đồng (2011), Hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán trong các trường ĐHCL Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

5. Võ Đức Toàn (2022). Tự chủ tài chính đại học công lập: vấn đề tài chính đối với người học. Tạp chí Công thương.

TS. Lê Toàn Thắng

Học viện Hành chính Quốc gia

Tạp chí in số tháng 7/2024

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tu-chu-tai-chinh-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-theo-huong-tang-cuong-quan-tri-tai-chinh-d50579.html