Tự chủ tài chính tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới

Những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Để khắc phục những hạn chế này, cần phải có giải pháp toàn diện và đồng bộ cho việc đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao.

Thực trạng công tác đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Kết quả về phát triển đào tạo nghề

Những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và cao đẳng nghề; đã quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, từng địa phương.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề thời gian qua ghi nhận những chuyển biến tích cực, với trên 75% số sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Số lượng tuyển sinh tăng hằng năm.

Năm 2017, quy mô tuyển sinh tăng gần gấp hai lần so với năm 2015. Từ năm 2018, quy mô tuyển sinh tăng bình quân từ 10%-15%. Riêng các chương trình đào tạo chất lượng cao luôn có kết quả tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. Năm 2018, kết quả tuyển sinh là 176.741 sinh viên (tăng 10% so với năm 2017 và chiếm 8% so với tổng số tuyển sinh trên cả nước).

Đặc biệt, theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau 5 năm triển khai Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 phê duyệt Đề án “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống GDNN. Công tác quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao, nghề trọng điểm được thực hiện kịp thời làm cơ sở cho việc chuẩn bị, tổ chức đào tạo nhân lực tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề đã khẳng định chủ trương phát triển đào tạo nghề của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai hoạt động GDNN, thời gian qua, cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế như:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, nhất là lao động ở nông thôn còn thấp; cơ cấu đào tạo nghề theo trình độ và nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

- Chưa có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực có tay nghề cao sát với thị trường lao động. Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa hoàn thiện; bản thân các trường thực hiện việc triển khai tự chủ chưa đồng bộ và mạnh mẽ…

- Việc tuyển sinh GDNN tại các trường nghề gặp không ít khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Triển khai đào tạo nghề chất lượng cao (phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài...) còn chậm.

- Chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Để khắc phục những tồn tại, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế cho đào tạo nghề phát triển. Trong đó, tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; ban hành cơ chế tự chủ đối với các cơ sở đào tạo nghề công lập, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nghề.

Thứ hai, đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm. Trong đó, chú trọng rà soát, sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề công lập theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng tỷ lệ các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Tăng cường công tác dự báo, quy hoạch và định hướng các cơ sở đào tạo nghề, tập trung vào các ngành, nghề có nhu cầu lớn trong thời gian tới như: công nghệ thông tin, du lịch và quản lý khách sạn...

Thứ ba, đổi mới công tác quản lý GDNN. Để thực hiện tốt nội dung này, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp; phân cấp mạnh chức năng quản lý nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Theo đó, các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo GDNN.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN trên cơ sở dự báo nhân lực theo lĩnh vực, địa bàn quản lý theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Thứ sáu, các cơ sở GDNN cần đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra.

Thứ bảy, phát triển mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với các cơ sở GDNN đào tạo các nghề trọng điểm, các doanh nghiệp lớn. Đa dạng, linh hoạt hình thức, cách thức để có thể đánh giá rộng rãi các nghề.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

2. Chính phủ (2014), Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017;

3. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020;

4. Lê Quân (2020), Đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0,

ttp://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/mediastory/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/dao-tao-nghe-chat-luongcao-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-va-cach-mang-cong-nghiep-4-0.

Vũ Thị Minh Thu

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tu-chu-tai-chinh-tai-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-trong-boi-canh-moi-329705.html