Tự chữa bệnh cúm, nữ bệnh nhân phải chạy tim phổi nhân tạo 37 ngày
Bệnh nhân bị cúm nhưng đã lạm dụng corticoid để tự điều trị dẫn đến viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng. Bệnh nhân đã phải 37 ngày chạy tim phổi nhân tạo mới được cứu sống.
Ngày 4/1, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân N.T.K. (37 tuổi, trú tại Hà Nội) bị viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng corticoid điều trị cúm.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân bị nhiễm cúm từ ngày 27/10 với biểu hiện sốt, ngứa họng, ho, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân. Bệnh nhân tự điều trị hạ sốt và corticoid (medrol 16mg/ngày). Sau 3 ngày, tình trạng bệnh không cải thiện, sốt cao kéo dài kèm khó thở nhiều. Ngay sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, khi vào trung tâm, tình trạng bệnh nhân rất nặng. Bệnh nhân sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn nặng, oxy máu giảm rất thấp, X-quang phổi mờ trắng xóa cả 2 bên phế trường, test nhanh Cúm B dương tính.
"Bệnh nhân dù nhiễm cúm nhưng tình trạng nhiễm vi khuẩn trên xét nghiệm rất cao, kèm theo đó là số lượng bạch cầu giảm trầm trọng còn 0.750 G/L, trong khi bình thường 4.0-10.0 G/L", bác sĩ Cường nói.
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng virus, thở máy và lọc máu hấp phụ. Kết quả soi phế quản có hình ảnh nhiều giả mạc lấp kín lòng phế quản 2 bên; xét nghiệm PCR dịch phế quản: Cúm B kèm bội nhiễm tụ cầu vàng.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Bá Cường cho biết, triệu chứng giảm bạch cầu rất hay gặp ở bệnh nhân nhiễm virus đặc biệt là nhiễm cúm và sốt xuất huyết làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Corticoid là thuốc chống viêm nhưng có tác dụng phụ là giảm sức chống đỡ của cơ thể. Việc lạm dụng thuốc này ở các bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.
Cũng theo bác sĩ Cường, bệnh nhân sau đó không đáp ứng với điều trị hồi sức, phải tiến hành can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO) cấp cứu. Trong quá trình 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với oxy liều cao, do suy giảm khả năng đề kháng, bệnh nhân rất dễ nhạy cảm với các vi sinh vật trong bệnh viện và phải điều trị nhiều đợt kháng sinh, kháng nấm. Các bác sĩ đã phải nhiều lần hội chẩn trong khoa và liên khoa để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng diễn biến của bệnh.
Sau 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với oxy liều cao, ngày 3/1/2023 bệnh nhân được ra viện. Tuy nhiên các tổn thương phổi sau đó có thể sẽ còn tồn tại và cần phải theo dõi trong thời gian dài.
Không nên lạm dụng corticoid
Theo các bác sĩ, corticoid tên đầy đủ là glucocorticoid, là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau. Corticoid dùng trong điều trị có tác dụng tương tự như hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận).
Các loại corticoid thường gặp trong thành phần của thuốc là: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluticasone, beclomethasone, betamethasone, dexamethasone, clobetasone, budesonide...
Corticoid thường được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, như các bệnh tự miễn (bệnh Crohn, lupus); hen phế quản, cơn gout cấp… Nếu sử dụng corticoid trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần) thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp khi sử dụng đợt ngắn gồm: kích ứng dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng, khó ngủ.
Tuy nhiên, nếu dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần thì dễ xảy ra tác dụng phụ. Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì chức năng bài tiết hormone bình thường nữa.
Bác sĩ Nguyễn Bá Cường khuyến cáo, việc lạm dụng corticoid diễn ra thường xuyên ở Việt Nam trong điều trị nhiễm cúm và các bệnh xương khớp. Trong khi đó, thuốc phải được dùng đúng chỉ định và liều lượng. Hành động dùng bừa bãi làm suy giảm khả năng đề kháng và rất dễ bội nhiễm vi khuẩn.
Được biết, trong đợt dịch cúm và sốt xuất huyết năm nay, Trung tâm Hồi sức tích cực tiếp nhận rất nhiều các ca nhiễm virus nguy kịch. Điều đặc biệt ở các ca này ngoài vấn đề nặng do nhiễm virus thì các bệnh nhân đều bội nhiễm thêm vi khuẩn đa kháng thuốc (tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, phế cầu...) dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Một số ca cần phải can thiệp ECMO dài ngày, mặc dù có thể sống sót nhưng cũng để lại hậu quản tổn thương lâu dài.
"Khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe, người dân nên đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. Người dân không được tự ý mua và sử dụng thuốc hoặc mua theo đơn cũ, theo lời mách bảo của người thân, người quen vì hậu quả sẽ là khôn lường", bác sĩ Cường chia sẻ.