Tự chữa rắn cắn bằng đắp thuốc lá, nguy hại khôn lường
Sau khi bị rắn hổ mang cắn, nam bệnh nhân 46 tuổi (Phú Thọ) không đến viện mà tự đắp thuốc nam tại nhà. Mấy ngày sau, vết thương chảy mủ, hoại tử, sưng đau nóng khiến người bệnh sốt cao, vào nhập viện trong tình trạng nhiễm độc nặng.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, sáng 6/5, Trung tâm cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi trong tình trạng sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ.
Bệnh nhân cho biết, trước đó 7 ngày bị rắn hổ mang cắn, nhưng không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà.
Đến sáng 6/5, bàn tay chảy mủ kèm theo sốt, tự uống 1 viên paracetamol tại nhà nhưng không đỡ nên bệnh nhân đã đến bệnh viện cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sỹ đã giảm đau, dùng kháng sinh, xử trí vết thương và chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Bệnh nhân được theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Các bác sỹ Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, trong những ngày gần đây Trung tâm liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn hổ mang cắn. Đây là thời điểm mùa sinh sôi phát triển của rắn, vậy người dân hãy cẩn trọng khi làm việc và dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ để tránh tạo nên môi trường phát triển của rắn.
Hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ở Việt Nam rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Tại Trung tâm Chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 - là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc.
BS Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, nên tùy theo loại rắn độc mà chúng tay có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
BS Nguyên nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
Sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (ví dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; sử dụng các loại thuốc nam, cổ truyền, chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn…..bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
Thông thường rắn khá sợ người nên sẽ bỏ đi nếu thấy có người đến gần và chỉ cắn khi cảm thấy bị đe dọa. Vậy nên bạn có thể tránh bị rắn cắn bằng một số cách như: Tránh bắt hay chọc phá rắn. Mang ủng, quần dày và găng tay nếu tới những nơi có thể có rắn. Nếu thấy rắn trong tự nhiên, hãy để rắn tự đi chứ không nên chọc phá hay bắt.
Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm hoặc hang hốc có nhiều gạch đá, lâu không có người đi tới.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/tu-chua-ran-can-bang-dap-thuoc-la-nguy-hai-khon-luong-i692650/