Từ chuyện 'sức nước ngàn năm' đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hóa Việt – Bài 2

Một trong những yếu tố dẫn đến thành công và sức lan tỏa của hàng Việt Nam chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa... Mỗi địa phương một cách làm khác nhau, song đều trên nền tảng là dựa vào lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi người tiêu dùng Việt.

Một trong những yếu tố dẫn đến thành công và sức lan tỏa của hàng Việt Nam chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa... Mỗi địa phương một cách làm khác nhau, song đều trên nền tảng là dựa vào lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi người tiêu dùng Việt.

Vận động không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động thiết thực

Ngày 5/4/1948, Bác Hồ viết 12 điều răn, yêu cầu mọi người phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc với dân. Để cổ động, Bác viết bài thơ: “Mười hai điều trên/Ai chả làm được/Hễ người yêu nước/Nhất quyết không quên/Tập thành thói quen/Muôn người như một/Quân tốt, dân tốt/Muôn sự đều nên/Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Lời răn dạy của Bác đã được vận dụng trọn vẹn vào quá trình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vận động nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động – đó là “mẫu số chung” trong triển khai Cuộc vận động ở tất cả các địa phương. Có điều, không chỉ hô hào chung chung, mà sự vận động đó được thực hiện bằng rất nhiều hành động thiết thực.

Lời răn dạy của Bác đã được vận dụng trọn vẹn vào quá trình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bằng cách vận động mọi đối tượng người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt. Ảnh: Tạp chí Công Thương

Lời răn dạy của Bác đã được vận dụng trọn vẹn vào quá trình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bằng cách vận động mọi đối tượng người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt. Ảnh: Tạp chí Công Thương

Bà Lê Việt Nga – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương bày tỏ với chúng tôi rất nhiều lần rằng, dù Bộ Công Thương là một trong những đơn vị tiên phong triển khai rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ Cuộc vận động, song sự tiên phong này được gợi ý, khơi mở bằng vô vàn cách làm hay từ các địa phương.

"Còn nhớ thời điểm năm 2012, khi TP. Hồ Chí Minh lạm phát tăng đến 20%, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tới gặp Vụ Thị trường trong nước bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương đồng hành, giúp Sở lồng ghép chương trình hàng Việt vào hỗ trợ bình ổn thị trường. Mục tiêu để Thành phố không bị lũng đoạn về giá, về nguồn hàng, khi lạm phát tăng đến 20% vào năm 2012", bà Lê Việt Nga nhớ lại.

Chương trình kết nối cung cầu của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ ra đời trong hoàn cảnh đó. TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, ký kết giữa các tỉnh với nhau, đưa hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh và ngược lại, để bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Ngày hôm đó, các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất nhỏ lẻ về tham dự rất đông. Bên bán, bên mua và cả những hệ thống siêu thị Việt Nam như Saigon Co.op hay SATRA cũng rất háo hức và hăng hái. Từ đây, những hợp đồng đầu tiên cũng đã được ký kết, 10 triệu người dân tại TP. Hồ Chí Minh đã được mua những sản phẩm, hàng hóa vừa ngon, vừa rẻ, với giá cả ổn định... Đồng thời, giúp các địa phương khác tiêu thụ thụ được hàng hóa.

Thành công này lan rộng tới các địa phương, làm thay đổi tư duy về xúc tiến thương mại cho hàng Việt. Từ mô hình của TP. Hồ Chí Minh, đến nay, đã có hơn 50 tỉnh/thành phố tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng Việt để bình ổn thị trường; 100% các tỉnh/thành phố thiết lập nên những điểm bán hàng Việt; tăng cường tổ chức kết nối cung cầu cho hàng hóa Việt Nam. Từ đó, chương trình xúc tiến thương mại hàng năm được tập trung vào kích cầu tiêu dùng hàng Việt, khi thì OCOP, khi thì đặc sản vùng miền… Nhờ vậy, tỷ lệ hàng Việt vẫn được duy trì trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa.

Trong đó, đáng chú ý nhất là chương trình kết nối cung cầu vải thiều của Bắc Giang. Còn nhớ, giai đoạn những năm 2012-2014, hình ảnh những xe vải thiều đỏ ối nối hàng dài trong cái nắng gay gắt của mùa hè dọc đường dẫn vào Lục Ngạn đã trở thành ký ức đáng buồn không thể nào quên. Ách tắc tại biên giới, toàn bộ vải thiều Bắc Giang ùn ứ, Sở Công Thương Bắc Giang “cầu cứu” Bộ Công Thương. Với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm, cùng với thành công của hoạt động kết nối cung cầu đã triển khai trước đó, Bộ Công Thương đã tích cực liên hệ với các tỉnh Đông, Tây Nam bộ, giới thiệu và quảng bá về quả vải thiều Bắc Giang mọng nước thế nào, ăn ngọt ra sao… Vì bà con trong khu vực đó còn rất xa lạ với quả vải.

Mặt khác, Bộ cũng vận động những thương nhân chuyên thu mua vải thiều xuất khẩu, hỗ trợ công nghệ đóng gói, bảo quản để vận chuyển từ Bắc vào Nam mà vẫn giữ được độ tươi ngon cho quả vải. Bằng cách này, toàn bộ vụ vải thiều 300.000 tấn của Bắc Giang đã được giải cứu thành công.

Từ đó đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được vận chuyển đến khắp đất nước, xuất khẩu ra cả nước ngoài với giá rất cao và không bao giờ còn rơi vào trạng thái “được mùa mất giá”. Có được kết quả đó cũng là nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tình yêu hàng Việt sục sôi trong lòng những người tiêu dùng Việt trên khắp toàn cầu.

Từ những chương trình đầu tiên đó, đến nay, các địa phương "chủ công" như TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai Cuộc vận động. Năm 2024, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh lại tiên phong triển khai Chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với bộ nhận diện "Tick xanh trách nhiệm" do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố khởi xướng vào tháng 3/2024, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ lớn trên địa bàn với mục tiêu từng bước hình thành hành lang kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Ngay từ khi được phát động, chương trình đã tạo một đợt hưởng ứng rất lớn. Sau những chương trình lớn như Thương hiệu Quốc gia, bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt Nam được người tiêu dùng bình chọn… "Tick xanh trách nhiệm" tiếp tục là một chương trình giúp định vị những sản phẩm hàng Việt chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Sự hưởng ứng này cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm đến chất lượng, độ tin cậy của sản phẩm, thay vì chú trọng nhiều vào giá cả như trước kia.

"Tick xanh trách nhiệm" được phát động nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động... được triển khai đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, cũng là đầu mối tập trung nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối, xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Sau đó kỳ vọng lan ra nhiều tỉnh thành khác.

Chính vì vậy ngay khi phát động, 8 hệ thống bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam gồm: Saigon Co.op, Satra, Central Retail, Aeon, MMMega Market, WinCommerce, Bách hóa Xanh và Kingfood mart đã lập tức tham gia. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cũng rất quan tâm và tìm hiểu tham gia Chương trình ý nghĩa này.

Rút gọn thủ tục hành chính, rộng mở cơ hội cho doanh nghiệp

Đối với thủ đô Hà Nội, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hiện đã trở thành nét văn hóa tiêu dùng của người dân. Để có kết quả này, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 15 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.

Các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng Việt trên địa bàn dân cư. Đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương...

Tiêu biểu như huyện Ứng Hòa phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống như làm giày da tại thôn Thần, xã Minh Đức; huyện Thanh Trì vận động nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn có đăng ký mã vạch với Sở Công Thương; huyện Ba Vì tuyên truyền sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của huyện, như: Sữa, chè Ba Vì, miến dong Minh Hồng, khoai lang Đồng Thái, gà đồi Ba Vì; huyện Thanh Oai có 6 mặt hàng được công nhận nhãn hiệu tập thể;…

Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cơ sở, sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc vận động đã góp phần củng cố niềm tin và xu hướng dùng hàng Việt trong nhân dân, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường..., góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội thông tin: Bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, TP. Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch triển khai Cuộc vận động. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng phong phú để hiểu mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động.

Sở Công Thương còn tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; rút gọn các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động; tổ chức kết nối giao thương hàng hóa với các sản phẩm chất lượng, sản phẩm OCOP vào kênh hệ thống siêu thị; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, ngăn ngừa các doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trục lợi, cũng như đưa hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vào lưu thông…

Công tác bình ổn giá, bình ổn thị trường cũng được Sở theo dõi và triển khai, nhất là trong dịp lễ tết, thiên tai xảy ra.

Nhờ đó, năm 2024, thành phố có tới 30 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn giá, bình ổn thị trường.

Sau 15 năm triển khai, đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng hàng Việt Nam cũng đã tăng mạnh từ 73% lên đến hơn 85%. Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, bước đầu xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung cũng như người dân Thủ đô nói riêng” - bà Nguyễn Thị Kiều Oanh nhấn mạnh.

Tại Đà Nẵng, Cuộc vận động lại được lồng ghép mật thiết với hoạt động du lịch. Đơn cử, chợ Hàn hiện là một trong những điểm thu hút đông nhất khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến TP. Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày, chợ đón hàng nghìn du khách, trong đó, có ngày cao điểm các dịp lễ, tết, chợ Hàn đón tới 10.000 khách. Đặc biệt, đây là một trong những điểm đến được khách du lịch quốc tế ưa thích, nhất là du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Nhận thấy tiềm năng và nhằm tạo sự lan tỏa hàng Việt, đưa hình ảnh hàng Việt đến gần với du khách quốc tế, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với khách du lịch, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã linh hoạt, ưu tiên vị trí ngay cổng vào chợ, hướng mặt tiền đường Bạch Đằng để xây dựng điểm giới thiệu và quảng bá hàng Việt.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm hàng Việt tại chợ Hàn chính thức đưa vào hoạt động tháng 4/2023. Đây là nơi quảng bá, giới thiệu hàng trăm sản phẩm là hàng Việt gồm sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm của làng nghề truyền thống, sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP đến từ một số tỉnh, thành phố trên cả nước như tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh… 100% sản phẩm tại điểm bán đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác sản phẩm, được niêm yết giá.

Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn - cho biết, qua hơn một năm đưa vào hoạt động, điểm trưng bày và giới thiệu hàng Việt đã thực hiện tốt vai trò là "cầu nối" đưa hàng Việt đến với khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế, lan tỏa tinh hoa, giá trị hàng Việt. “Sức tiêu thụ sản phẩm tại điểm giới thiệu tương đối tốt. Nhưng, giá trị lớn nhất mà điểm giới thiệu mang lại đó là đưa hình ảnh hàng Việt tiếp cận trực tiếp, trực quan với khách du lịch. Từ đó, tạo những ấn tượng bước đầu về sản phẩm hàng Việt đối với các du khách quốc tế, xa hơn là với thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Trung Thành nói.

Doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội để tăng cường sản xuất, tiêu thụ hàng Việt

Doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội để tăng cường sản xuất, tiêu thụ hàng Việt

Tại tất cả các địa phương, ngành Công Thương các địa phương cũng tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp cũng chủ động triển khai các giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Nhờ đó, tăng cường đưa hàng Việt ra thị trường.

Phương Lan - Nguyễn Hạnh

Đồ họa: Ngọc Lan

Ảnh: Cấn Dũng, TTXVN, VGP, Doanh nghiệp cung cấp

Bài 3: Phát huy sức mạnh từ những ‘quả đấm thép’

Phương Lan - Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/longform-tu-chuyen-suc-nuoc-ngan-nam-den-ky-nguyen-vuon-minh-cua-hang-hoa-viet-bai-2-360406.html