Từ chuyện từ bỏ vũ khí hạt nhân đến khủng hoảng Ukraine: Thế giới học được gì?
Khủng hoảng Ukraine cho thấy tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân, song nó cũng có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu, với Iran và Triều Tiên là hai trong số các 'tay chơi'.
Tờ Union-Bulletin ngày 29-1 nhận định, hối tiếc là những gì các nhà lãnh đạo Kiev đang cảm thấy trong những ngày này, khi Nga tập trung quân đội dọc theo biên giới của Ukraine.
Từ bỏ vũ khí hạt nhân có phải là một cách hay?
Không có điều gì có thể ngăn nguy cơ bị xâm lược của một quốc gia hiệu quả bằng việc họ được trang bị đầy đủ vũ khí trang bị hạt nhân - loại vũ khí mà Kiev đã từ bỏ ngay sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Chính vì thế, hiện các quan chức Ukraine không có lựa chọn hạt nhân nào để ngăn chặn một cuộc xâm chiếm.
Theo Union-Bulletin, cộng đồng quốc tế nên cẩn trọng trước việc làm thế nào để loại bỏ vũ khí hạt nhân. Các quốc gia được tiếp cận vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ đưa ra kết luận về việc có nên dựa vào chúng bằng mọi giá hay không.
Thật khó để phủ nhận việc vũ khí hạt nhân được xem là biện pháp răn đe tối thượng. Chúng đã ngăn cản các cường quốc hạt nhân tiến hành chiến tranh với nhau một cách có ý thức trong 76 năm. Cũng không có vũ khí hạt nhân nào được dùng để gây thù địch với các quốc gia khác kể từ khi Mỹ ném bom hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào cuối Thế chiến II.
Ukraine cần chứng minh mình là hình mẫu thành công
Vũ khí hạt nhân từng được Ukraine nắm giữ, dù khi đó Nga vẫn duy trì toàn quyền kiểm soát hoạt động đối với chúng. Theo thỏa thuận Budapest năm 1994, Kiev đã từ bỏ vũ khí hạt nhân trong thỏa thuận giải trừ vũ khí với Nga để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh. Kể từ đó, Ukraine chính thức loại bỏ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Thỏa thuận đó kéo dài đến hết Thế vận hội Olympic mùa đông 2014. Lực lượng Nga sau đó tiến vào Ukraine, sáp nhập Crimea và chiếm các khu vực khác ở miền đông Ukraine.
Belarus và Kazakhstan, giống như Ukraine, cũng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, một phần là để đáp lại mong muốn và ưu đãi của Mỹ. Hiện tại, cả ba quốc gia đều bị quân đội do Moscow hậu thuẫn chiếm đóng một phần, hoặc có các lực lượng an ninh và cố vấn của Nga.
Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt để đổi lại những lời hứa suông. Trong khi Belarus và Kazakhstan có các nhà lãnh đạo đồng ý thỏa hiệp với ông Putin, chỉ có Ukraine đã chống lại Nga bằng mọi giá.
Chính vì thế, nếu muốn chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân, trước tiên Ukraine cần phải cho thế giới thấy họ chính là một hình mẫu về việc từ bỏ thành công, chứ không phải là một ví dụ về sự thất bại.
Khủng hoảng Ukraine thúc đẩy cuộc chạy đua hạt nhân mới?
Mỹ và Anh hiện đang trang bị vũ khí phòng thủ cho Ukraine để giúp nước này có thể sẵn sàng chiến đấu. Đức và những nước khác cần xem đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Bất kỳ chiến thắng nào của ông Putin ở Ukraine đều có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới trên toàn cầu.
Mối nguy của Ukraine hiện nay có thể gửi một thông điệp tới các chính phủ khác rằng việc từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ làm giảm an ninh quốc gia của họ. Từ việc đơn phương giải trừ quân bị và tình trạng khó khăn hiện tại của Kiev, Iran và CHDCND Triều Tiên có thể sẽ nghĩ đến việc thực hiện đầy đủ các chương trình tên lửa và đầu đạn hạt nhân quân sự của mình.
Trước hành động thị uy của Nga đối với Ukraine, hành động hoặc không hành động của cộng đồng quốc tế sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai ở Tehran và Bình Nhưỡng.
Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, và các nước khác phải làm tất cả những gì cần thiết để chứng minh một quốc gia như Ukraine có thể vẫn có chủ quyền ngay cả khi họ đã từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.