Từ cô bé bán vé số đến nhà vô địch boxing thế giới
Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi, người mang chức vô địch boxing thế giới đầu tiên cho Việt Nam cho biết, tuổi thơ cơ cực giúp cô trưởng thành hơn...
Lạ lẫm với cuộc sống mới
Liên hệ với võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi, nhà vô địch boxing thế giới hạng ruồi nhẹ (vô địch WBO) vào những ngày cuối năm, PV Báo Giao thông rất khó khăn mới chen được vào khoảng thời gian cô không bị cuốn vào công việc.
“Tôi đang tham gia huấn luyện ghi hình cho các anh, chị nghệ sĩ tham gia Chương trình “Đấu trường thể thao” nên khá bận. Cộng thêm một vài công việc khác theo hợp đồng nên thời gian nghỉ ngơi rất ít”, Thu Nhi chia sẻ.
Hỏi cô có mệt và cảm thấy lạ lẫm với những công việc như thế hay không khi trước đây chỉ tập luyện và thi đấu, cô cười nói: “Nhìn chung ban đầu cũng bỡ ngỡ lắm vì lâu nay tôi chỉ biết đến sàn tập, găng đấu. Khó nhất là việc huấn luyện cho các anh, chị nghệ sĩ bởi mình không biết thể lực của mọi người ra sao, sức chịu đựng thế nào.
Bên cạnh đó, tôi cũng chưa làm công tác huấn luyện bao giờ. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của các cộng sự, tôi bắt nhịp khá nhanh với công việc”.
Rồi cô kể, từ sau khi trở về từ Hàn Quốc cùng chiếc đai vô địch WBO, thay đổi lớn nhất của cô là có thêm nhiều công việc bên ngoài chuyên môn từ chụp hình quảng cáo, đại diện thương hiệu, show truyền hình…
“Tuy mệt nhưng tôi cảm thấy vui vì mình có thêm thu nhập, cũng coi đây là như một phần thưởng cho những tháng ngày nỗ lực tập luyện gian khổ”, nữ võ sĩ tâm sự.
Bên cạnh đó, cô gái quê An Giang nhận thấy mình phải thay đổi một chút thói quen trong ăn nói để phù hợp hơn với vị trí hiện tại.
“Nói là nổi tiếng thì hơi quá nhưng giờ nhiều người nhận ra tôi khi đi trên đường hoặc trong quán ăn, một số bạn trẻ xin chụp hình cùng.
Cũng bởi vậy mà tôi không thể nói chuyện quá tếu táo, thoải mái như trước mà cần chỉn chu hơn. Đặc biệt, khi xuất hiện trên truyền hình, tôi cảm thấy mình như trở thành một người khác vậy (cười).
Tôi nói văn vở hơn, khác hẳn tính cách bộc trực thường nhật, cử chỉ cũng cần nhẹ nhàng chứ không thể như trên sàn đấu. Những trải nghiệm này trước đây tôi chưa từng nghĩ tới, nó làm cho cuộc sống của tôi thêm thú vị”.
Dù cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng đáng mừng là cô gái sinh năm 1996 ý thức được rằng mọi thứ cô đang có đều nhờ thành tích trên sàn thi đấu.
Bởi vậy, cô cần nỗ lực nhiều hơn để duy trì thành công, bằng không tất cả sẽ sớm tan biến.
“Ngay đầu năm 2022 tôi sẽ thượng đài để bảo vệ ngôi vô địch WBO, đối thủ là võ sĩ người Nhật Bản - Yumi Narita. Võ sĩ này khá mạnh, có ưu thế thể hình hơn tôi và lối đánh linh hoạt.
Lịch thi đấu chính thức chưa có nhưng ngay từ lúc này tôi luôn phải ở tư thế sẵn sàng. Mục tiêu của tôi đương nhiên phải bảo vệ ngôi vô địch, dù phải chiến đấu với bao nhiêu phần trăm sức lực”, Thu Nhi chia sẻ.
Được biết, Thu Nhi hiện đang thuộc biên chế một công ty đào tạo vận động viên của Hàn Quốc. Trước đó, cô từng được đào tạo ở đội tuyển trẻ quốc gia nhưng do hệ thống thi đấu của boxing Việt Nam không có hạng 45kg nên cô đã đầu quân cho công ty trên để chơi chuyên nghiệp.
Đánh giá về vận động viên sinh năm 1996, Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Boxing Tổng cục Thể dục Thể thao, Tổng thư ký Liên đoàn Boxing Việt Nam cho hay: “Nhi là vận động viên rất có tố chất boxing, nền tảng thể lực tốt, đôi tay nhanh mạnh và đặc biệt rất chịu khó.
Hồi đầu năm, tôi từng đưa em sang Campuchia dự giải châu Á và em đã giành chiến thắng. Từ thời điểm đó, tôi đã biết có ngày em vươn tầm thế giới”.
Muốn mang đến cho mẹ một cuộc sống tốt đẹp
Boxing là môn thể thao đối kháng yêu cầu tính chiến đấu cao và sự lì đòn.
Nhờ đâu mà cô gái cao vỏn vẹn 1,58m, nặng chưa đầy 50kg lại có nguồn năng lượng dồi dào để giành chiến thắng trên sàn đấu? Thu Nhi bảo, một phần là nhờ tuổi thơ cơ cực.
Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ cô đã chia tay, mẹ dắt Nhi từ quê An Giang lên TP.HCM ở cùng bà ngoại. Hoàn cảnh của bà cũng không khá giả nên mẹ con cô đều phải lăn lộn mưu sinh.
“Ngày mới lên TP.HCM, tôi làm đủ thứ nghề từ bưng bê ở quán ăn, bán vé số để phụ giúp bà và mẹ. Thấy tôi nhỏ bé nên những đứa trẻ bán vé số khác thường bắt nạt. Vì vậy tôi xin đi tập võ để tự vệ.
Ban đầu tôi tập võ cổ truyền nhưng sau đó các thầy thấy tôi có năng khiếu nên chuyển sang đội boxing và tôi gắn bó với nó tới tận bây giờ”, Thu Nhi kể.
Nhà vô địch WBO cho biết thêm, trong thời gian hơn 10 năm theo đuổi boxing, có thời điểm cô cảm thấy nản lòng nhưng vẫn cố gắng bước tiếp.
“Thời gian đầu chưa vào đội tuyển, không có tiền lương, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày tập 2-3 buổi nên tôi không có thời gian để làm thêm.
Lúc đó từng có suy nghĩ bỏ cuộc để ra làm công việc gì đó để có tiền nhiều hơn. Và tôi cũng nghỉ vài tháng để đi làm nhưng rồi cũng quay lại với boxing”.
Bước ngoặt sự nghiệp của Nhi tới vào năm 2018, khi cô được công ty Hàn Quốc mời thi đấu biểu diễn rồi sau đó vì quá ấn tượng với khả năng của cô mà công ty này đã thuyết phục cô gia nhập, dấn thân con đường thi đấu chuyên nghiệp.
Từ đây, nữ võ sĩ quê An Giang bắt đầu có thu nhập ổn định hơn, chuyên tâm hơn cho việc tập luyện. Nhờ tố chất sẵn có và sự khổ luyện, Nhi ngày một khẳng định được năng lực thi đấu trước khi hái quả ngọt.
Nói về con đường phía trước, Thu Nhi bảo khó xác định mình sẽ thi đấu thêm được bao nhiêu năm bởi boxing vốn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, từ lâu cô đã cố gắng tích lũy kinh tế từ tiền lương, thưởng để lo cho tương lai.
“Tôi thấy nhiều vận động viên thể thao chuyên nghiệp sau khi giải nghệ gặp khó khăn trong cuộc sống. Tôi luôn cố gắng để mình không rơi vào hoàn cảnh đó.
Khi không còn thi đấu, tôi sẽ làm huấn luyện và nếu đủ điều kiện tôi sẽ mở một Club riêng của mình, cạnh đó tôi có thể bán các vật dụng cho boxing để phục vụ người hâm mộ.
Nhưng đấy là chuyện tương lai, trước mắt tôi chỉ tập trung cho sự nghiệp thi đấu”, cô gái sinh năm 1996 bộc bạch.
Ngoài lo cho bản thân, nữ võ sĩ cao 1,58m cũng mong kiếm được nhiều tiền để cuộc sống của mẹ bớt vất vả.
“Mẹ tôi cũng lớn tuổi rồi nhưng vẫn phải đi làm công nhân tận Long An. Thời gian vừa qua do dịch bệnh nên bà phải nghỉ. Tuy nhiên, tôi muốn mẹ ở lại TP.HCM, làm mấy việc nhẹ nhàng cho khuây khỏa, còn lại tôi sẽ lo về kinh tế.
Bố mẹ tôi chia tay sớm, bố cũng đã có gia đình riêng nên gần như hai mẹ con tôi phải dựa vào nhau. Tôi tự hứa với mình sẽ không để mẹ phải chịu vất vả nữa”.
Biệt danh “Thiên thần đen” và 8 hình xăm
Thu Nhi tự đặt biệt danh cho mình là “Thiên thần đen” vì thấy da mình… đen quá.
Trên cơ thể cô có 8 hình xăm. Hình xăm ở cổ chân là hai trái tim, ngày sinh của bạn trai cũ.
Sau bả vai là hình ảnh ngôi nhà, gốc cây là mong muốn cho một cuộc sống yên bình.
Dòng chữ Never Look Back ở trước ngực hay câu nói của Lý Tiểu Long theo cô đều là những lời ngụ ý cho mong cầu đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn, không bao giờ nuối tiếc về những gì mình làm.