Từ cô giáo với bức thư gửi anh linh các liệt sĩ đến Hiệu trưởng đổi mới sáng tạo

Cô giáo Nguyễn Lan Phương đã lựa chọn và quyết tâm theo đuổi giáo dục tiên tiến với khát vọng và nỗ lực cống hiến.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương trình bày tham luận tại Hội nghị do Sở GD &ĐT Hà Nội tổ chức.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương trình bày tham luận tại Hội nghị do Sở GD &ĐT Hà Nội tổ chức.

Giáo dục tiên tiến là một cuộc hành trình không ngừng nghỉ với khát vọng và nỗ lực cống hiến. Đó là con đường mà cô giáo Nguyễn Lan Phương đã lựa chọn và quyết tâm theo đuổi.

Năm 2017, mạng xã hội truyền nhau bức thư cảm động của cô giáo Nguyễn Lan Phương gửi anh linh những liệt sĩ của Trung đội Ký con trong kháng chiến chống Mỹ. Đầu thư cô viết:

“Kính gửi các anh!

Tôi là Nguyễn Lan Phương- giáo viên trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội- một người đang sống trong hòa bình được xây bởi xương máu các anh!

Cách đây ít lâu, tôi tình cờ được đọc lại "Bức thư gửi người đang sống" của các anh- những người chiến sĩ trung đội "Ký con", đăng trên báo Tiền phong năm 2005. Trong lúc cận kề với cái chết vì bị thương, đói và khát, các anh đã dùng chút sức lực còn lại để thay nhau chấp bút. Ở đó, các anh kể lại cuộc chiến đấu của mình, tình cảm với những người thân yêu và niềm tin với chúng tôi- những người đang sống. Tôi đã bật khóc khi đọc những dòng của anh Dũng- người viết cuối cùng: "...Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận tránh mưa nắng phũ phàng. Thư. Thư phải đến được tay người đang sống."

Vâng, và lá thư đó đã đến tay chúng tôi các anh ạ. Nay, tôi viết thư này hồi âm, để các anh chạm tay vào thế giới của hòa bình mà các anh hằng mong ước. Và để tôi- một người trẻ của hiện tại được chạm tay vào quá khứ hào hùng và nhìn lại bản thân!”

Trong thư, cô giáo cũng bộc lộ nhiều nỗi trăn trở về sự rèn luyện, đóng góp, đổi mới, sáng tạo của người trẻ cho công cuộc dựng xây đất nước trong thời bình:

Sinh ra vào thời bình, tôi chỉ biết về chiến tranh qua những trang sách Lịch sử, qua lời kể của ông bà cha mẹ, qua hình hài cằn cỗi của những bác thương binh và qua các ngọn đồi trắng xóa những bia mộ. Dù vậy các anh ạ, tôi vẫn cảm nhận được rằng cái giá phải trả để đổi lấy hòa bình là quá đắt. Hẳn rằng ở nơi xa xôi, các anh nhớ nhà, nhớ quê, muốn được đi khắp ba miền, muốn thấy bộ mặt của hòa bình lắm!

Đất nước chúng ta đã có nhiều đổi thay... Những thành phố hiện đại với các cao ốc, phố xá đông vui. Xa xa những con đường làng sạch sẽ, những nụ cười của các em bé được tới trường...Các anh, các anh có thấy không? Đó là một bức tranh đẹp nhưng chưa hẳn hoàn thiện…Nhớ lại ngày là sinh viên sư phạm, lần đầu tôi được đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị- cối xay thịt trong chiến tranh chống Mỹ. Nghe người hướng dẫn viên nói mỗi tấc đất nơi đây đều là xương thịt các anh. Thắp nén hương ngay mặt đất dưới chân mình đứng, tôi chợt thấy đau và hơi thẹn trong lòng.

Ở thế giới bên kia, các anh nhìn chúng tôi- tuổi trẻ của hôm nay thế nào? Hòa bình đến với chúng tôi từ khi lọt lòng êm ái như khúc hát ru, nhiều người thấm khúc hát ấy mà lớn lên, mà đền đáp ân tình của Tổ quốc! Nhưng đôi lúc một số người trong chúng tôi ngủ quên, nhụt chí, không cống hiến, không sáng tạo...Chúng tôi liệu đã xứng với những tấc đất dưới chân?

Và thật bất ngờ, gần 10 năm sau, cô giáo với những trăn trở cao đẹp ấy, nay đã là Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai tại Hà Nội. Cô là một trong những Hiệu trưởng tiên phong trong phong trào đổi mới sáng tạo, thúc đẩy giáo dục khoa học kỹ thuật. Những hoạt động STEM do nhà trường tổ chức được Sở GD&ĐT TP Hà Nội đánh giá cao.

 Các buổi tập huấn phương pháp dạy học dành cho giáo viên do Hiệu trưởng tập huấn.

Các buổi tập huấn phương pháp dạy học dành cho giáo viên do Hiệu trưởng tập huấn.

Ngay từ đầu năm học 2024-2025, với bài tham luận trình bày trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học do Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội tổ chức, cô đã chạm đến trái tim người nghe với nội dung tham luận chân thực, trí tuệ và sâu sắc về “Sự thú vị của STEM”.

Nhận sự hỗ trợ và định hướng của thầy giáo Hà Lam Sơn- chuyên viên Sở GD&ĐT TP Hà Nội đồng thời là chuyên gia STEM của Tổ chức tăng cường giáo dục Khoa học tại Việt Nam, trường THCS Minh Khai đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM: bài học STEM, các hoạt động trải nghiệm STEM, tranh biện ý tưởng STEM,…và đạt được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh học sinh.

Đặc biệt, trong học kì I năm học 2024-2025, trường đã phối hợp tổ chức thành công Hội trại Sáng tạo khoa học STEM miền Bắc. Học sinh tại 39 trường THCS tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh đã cùng tụ hội tại THCS Minh Khai để tham dự Hội trại Sáng tạo khoa học với nhiều sản phẩm do các em nghiên cứu thiết kế. Trong Học kì II của năm học này, một Hội trại sáng tạo quy mô lớn dự kiến sẽ được tổ chức tại trường THCS Minh Khai với sự tiếp nối và phát triển bước tiếp theo của sáng tạo khoa học: công nghệ lập trình robotic.

Điều đặc biệt, với vai trò là cán bộ quản lý, cô Nguyễn Lan Phương đã phát huy được sức mạnh tập thể, năng lực giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Với giáo viên trường THCS Minh Khai, buổi họp hội đồng nào cũng thật thú vị. Bởi sau phần 1- triển khai những nhiệm vụ nhà trường, các giáo viên sẽ đến với phần 2- trao đổi thảo luận về các phương pháp dạy học hiện đại cùng cách thức tổ chức. Phần này cũng được cô Hiệu trưởng tiến hành theo đúng tinh thần đổi mới, sáng tạo. Để chính giáo viên được trải nghiệm việc học tập theo phương pháp mới thú vị và kích thích sự phát triển của người học ra sao.

 Nhiều hoạt động của nhà trường được ghi nhận sự lan tỏa.

Nhiều hoạt động của nhà trường được ghi nhận sự lan tỏa.

Sau gần ba năm đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, trường THCS Minh Khai đã có nhiều bước tiến vượt bậc, thay da đổi thịt từng ngày và nhận được nhiều sự tín nhiệm của nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng việc đổi mới phương pháp, dạy học tích cực ngay trong các tiết dạy hàng ngày chứ không chỉ các tiết chuyên đề, hội giảng. Đội ngũ giáo viên do được tập huấn và rèn luyện về phương pháp nên rất tích cực, chủ động trong công việc.

“Tôi rất bất ngờ khi thấy con về chủ động tìm thông tin trên mạng rồi đi gom nhặt dụng cụ để làm các sản phẩm khoa học hoặc sản phẩm dự án. Khi thì là dự án Văn, khi thì là dự án Sử Địa. Các con còn biết tranh biện nữa. Xem video hoạt động tranh biện của các con mà tôi vô cùng ngạc nhiên.” Chị Nguyễn Thị Thêu - một phụ huynh của trường cho biết.

Cùng với những hoạt động đổi mới, sáng tạo, cô Nguyễn Lan Phương cũng rất chú trọng vun đắp đời sống tâm hồn, tình cảm của các em học sinh. Những dòng thư động viên như: “Cô đang nhắm mắt lại và hình dung ra bóng dáng: Những nhà khoa học tương lai? Những nhà khởi nghiệp trí tuệ? Những người có ích cho cuộc sống? Mọi điều tốt đẹp đều cần có khởi đầu là đam mê, không ngại gian khó phải không các em?” – được trích từ một bức thư cô gửi các em học sinh trước ngày tổ chức Đấu trường STEM, góp phần khơi gợi đam mê học tập ở các em học sinh Rõ ràng, với thời đại công nghệ cần sự thích ứng nhanh chóng, quyết liệt, trí tuệ của các cán bộ quản lý để đạt được những bước tiến vững chắc trong hiện tại và tương lai.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương đang từng bước biến những khát khao trong bức thư gửi anh linh các anh hùng liệt sĩ năm xưa trở thành hiện thực.

 Cô giáo Nguyễn Lan Phương- Hiệu trưởng THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương- Hiệu trưởng THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Thông tin về cô giáo Nguyễn Lan Phương-
- Nhà giáo tiêu biểu 10 năm ngành GD&ĐT Thủ đô giai đoạn 2005-2015;
- Điển hình tiêu biểu Sáng kiến sáng tạo thủ đô các năm 2010, 2012
- Giải Nhất Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2010-2011, 2014-2015;
- Giải Nhất chung cuộc và Nhất lĩnh vực toàn quốc cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp các năm học 2013-2014, 2015-2016;
- Giải Xuất sắc hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố các năm học 2008-2009, 2011-2012;
- Giải Nhất hội thi Công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2011-2012; …

Phương Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-co-giao-voi-buc-thu-gui-anh-linh-cac-liet-si-den-hieu-truong-doi-moi-sang-tao-post725826.html