Từ 'Con đường văn sĩ' đến những ngày chiến khu

'Con đường văn sĩ' là tên cuốn sách tập hợp những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (NXB Kim Đồng, 2024), viết trong các năm từ 1938 - 1945. Đó là khoảng thời gian ông bắt đầu từ chân thư kí sở Thuế quan ôm mộng văn chương, tự đào luyện mình trở thành một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng trên văn đàn. Đồng thời cũng trên con đường ấy, nhà văn đã kinh qua các hoạt động, phong trào để đến với cách mạng. Ban đầu là hoạt động Hướng đạo, Truyền bá quốc ngữ, cuối cùng là Mặt trận Việt Minh, khi ông gia nhập tổ chức Văn hóa cứu quốc bí mật của Đảng.

Là những trang viết riêng tư, đó thực sự là những tâm sự cá nhân hết sức chân thực. Tất nhiên, theo nguyên tắc bí mật, Nguyễn Huy Tưởng không thể nói rõ những nhiệm vụ mình được giao, những công tác ông đảm nhiệm cũng như các hoạt động của nhóm Văn hóa cứu quốc trong nhật ký của mình... Dẫu sao, qua những trang sách Con đường văn sĩ, người đọc cũng nhận biết được con đường mà nhà văn đến với cách mạng một cách khá cụ thể, thông qua những diễn biến, hành tung được ông thuật lại trong nhật ký khi thì tỉ mỉ, cặn kẽ nếu hoàn cảnh cho phép, khi thì vắn tắt, hàm hồ để nếu ai có đọc cũng khó mà luận ra.

Hình minh họa trên trang đầu số 2 tạp chí Tiên phong, đăng kỳ đầu bài ký "Ở chiến khu" của Nguyễn Huy Tưởng

Hình minh họa trên trang đầu số 2 tạp chí Tiên phong, đăng kỳ đầu bài ký "Ở chiến khu" của Nguyễn Huy Tưởng

Chính từ những chi tiết như thế mà chúng ta biết được, chẳng hạn, đầu tháng 7.1945, tại một cuộc hội nghị toàn thể, Nguyễn Huy Tưởng được cử đi dự Quốc dân đại hội Tân Trào, hay như cách nói của ông, “được dự một Hội nghị quan trọng (của văn giới). Đại biểu nhà văn” (Nhật ký, 7.7.1945). Và chưa đầy hai tuần sau, trước khi ra đi, ông đã kịp đưa các đồng chí của mình về quê nhà Dục Tú làm số báo đầu tiên của Văn hóa cứu quốc, dự định ra trong bí mật. Đó chính là tờ Tiên phong (trong nhật ký viết T.P.), mà trong số những người ông đưa về làm có Khuất Duy Tiến, Trần Quốc Hương (trong nhật ký viết Sinh, Trang)...

Cuốn sách Con đường văn sĩ khép lại ngày 24.7.1945, với những dự kiến về việc cho diễn một vở kịch mới của ông, và xuất bản một cuốn sách tập hợp những truyện ông viết trên các báo bm (bí mật, như ta có thể hiểu). Trở lại với nhật ký ngày 7.7, khi Nguyễn Huy Tưởng nói về “một Hội nghị quan trọng” mà mình là “Đại biểu nhà văn”. Tiếp theo đó, ông còn viết thêm một câu đầy cảm xúc: “Sung sướng trước giờ long trọng”. Và nay, giờ long trọng đã đến. Ngày 14.7.1945, ông và một đồng chí nữa theo đường dây bí mật lên đường đi Tuyên Quang, dự Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào. Đó cũng là những ngày nhiều tỉnh bị lụt nặng, nên hành trình của các ông càng gặp nhiều trở ngại.

Ngày 19.8, khi các ông qua một vùng bình nguyên rộng rãi, giang sơn của người Thổ, thì được tin do tình hình biến chuyển nhanh, Đại hội đã tiến hành và ban bố lệnh Tổng khởi nghĩa. Đồng thời, các đại biểu còn đang trên đường đi dự hội nghị được lệnh trở về tham gia khởi nghĩa tại địa phương. Nguyễn Huy Tưởng y lệnh, mau chóng theo đường Thái Nguyên, Bắc Giang xuôi về Từ Sơn thuộc đất Bắc Ninh, quê hương ông. Và rồi ngày 21, nhà văn qua cầu sông Cái (Long Biên) để trở về Hà Nội, lúc này đã là ngày thứ ba chính quyền về tay Cách mạng...

Tại sao chúng ta biết được những điều trên, khi nhật ký của ông đã khép lại ở ngày 24.7.1945? Đó là vì trên đường đi dự hội nghị, con mắt nhà văn nơi ông đồng thời cũng ghi nhận những chuyện, những cảnh, những người ông gặp trong suốt hành trình. Tất cả đã được nhà văn sau đó chuyển hóa thành một bút ký dài, hay ký sự, về những ngày ông lên chiến khu dự Quốc dân đại hội Tân Trào. Được viết dưới dạng nhật ký, tập ký sự mà Nguyễn Huy Tưởng đặt là “Ở chiến khu” đã được đăng thành ba kỳ trên tờ Tiên phong mà ông đã góp công gây dựng, nay được ra công khai ở Hà Nội.

Do khuôn khổ bài viết, chỉ xin trích đăng hai ngày cuối chuyến đi của tác giả.

Lá cờ chỉ đạo

20.8.1945
(...)
Chúng tôi rời Hà Châu và vượt qua sông Cầu. Nước lụt mênh mông. Hết sông, thuyền còn phải đi qua những ruộng ngập nước. Nhiều lúc phải khênh thuyền qua đê để sang một khoảng ruộng khác cũng ngập: như thế đến ba lần. Những làng mà thuyền đi qua đều chìm dưới nước, chỉ còn nhô lên những mái và cây hương...

Đoạn sông chảy ngang qua làng Dục Tú, bên con đường năm xưa Nguyễn Huy Tưởng đưa các đồng chí của mình về quê, bí mật làm số báo đầu tiên của Văn hóa cứu quốc. Ảnh: Xuân Tiến

Đoạn sông chảy ngang qua làng Dục Tú, bên con đường năm xưa Nguyễn Huy Tưởng đưa các đồng chí của mình về quê, bí mật làm số báo đầu tiên của Văn hóa cứu quốc. Ảnh: Xuân Tiến

Đoàn chúng tôi khi ấy còn năm người, trong đó có chị Ng. Chiều hôm ấy chúng tôi bước nhẹ thênh thênh trên một con đê lớn. Đã về đồng bằng rồi đây.

Buổi trưa nắng rực rỡ. Chiều càng dài. Từ những làng ở vệ đường, vang ra những tiếng hát trong trẻo của trẻ em.

Lòng tôi bỗng hồi hộp khi chị Ng. chỉ cho tôi một đám đông lố nhố xa xa dưới chân núi. Cảnh tượng có một vẻ hùng vĩ đặc biệt. Từ lưng chừng một quả núi màu xanh sáng, dựa vào một dãy núi cao màu biếc sẫm, vọt lên một cách vinh quang lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ thiêng liêng tôi vẫn chiêm ngưỡng trong lòng, nhưng chưa được trông thấy bao giờ. Lá cờ vinh quang bay tung trước gió, ánh sáng tà dương chiếu ở sau núi làm cho ngôi sao vàng lấp lánh như đèn. Tôi cảm động lắm, mắt đăm đăm nhìn lá cờ chỉ đạo.

Cũng lần đầu tiên, tôi chứng kiến một đám biểu tình, không phải đám biểu tình ở chân núi xa kia, mà là đám biểu tình khác diễu ngay trên đê. Trong thâm tâm tôi tưởng tượng đến những đám biểu tình tổ chức trong những điều kiện vô cùng khó khăn dưới thời Pháp - Nhật… Đám biểu tình càng đến gần, tim tôi càng đập mạnh. Bụi bốc lên, chúng tôi giơ nắm tay chào lá cờ chiến thắng. Tự vệ đeo băng đỏ sắc vàng trên tay, đeo kiếm bên mình, hay cầm dao lăm lăm, rồi trẻ con, rồi phụ nữ bước đi hùng dũng giữa những lời hát không đều và tiếng hô khẩu hiệu:

- Đả đảo giặc Nhật! Tiễu trừ Việt gian! Việt Nam vạn tuế!

Tôi gai gai người vì sung sướng.

Suốt dọc đê, chúng tôi gặp hết đám biểu tình này đến đám biểu tình khác. Cờ đỏ sao vàng ngự trên sóng người rầm rộ. Tối đến, dưới ánh trăng tỏ như ban ngày, những đám biểu tình càng ồn ào, càng tấp nập. Khắp các ngõ, người ta chạy ra, người ta gọi nhau đi biểu tình. Có đám đặc biệt quá nửa là phụ nữ. Có đám toàn thể là nhi đồng.

Ai nấy say sưa, nhường quên tiếng trống thúc đê khẩn cấp. Một ông già đứng trong bóng tối nhìn ra phía sông nước cuốn ầm ầm, lắc đầu một mình, nhưng lại buột mồm nói:

- Lụt cũng sướng!

Chiều chúng tôi đến Mai Thượng. Tôi được tin chắc chắn là chính quyền ở Hà Nội đã về tay Nhân dân, và sáng hôm nay ba vạn người dự cuộc biểu tình chiếm tỉnh lỵ Bắc Ninh. Mừng quá, suốt một đêm tôi không ngủ được.

“Tắm mình trong ánh sáng tự do”

21.8.1945
Sáng sớm tinh sương, chúng tôi lên đường. Bây giờ chúng tôi chỉ còn ba người. Một anh cán bộ Hòa Bình, một anh đại biểu nông dân Nam Định và tôi. Chúng tôi dấn bước trên con đường về phủ Từ Sơn. Phải qua mấy cái đò đồng. Trong ba chuyến đều xảy ra một chuyện lạ lùng, tương tự: xuống đò là chúng tôi giả tiền, nhưng có điều lạ, lái đò nhất định không chịu nhận tiền của chúng tôi (cố nhiên vẫn thu tiền của những người khác). Có một chỗ, một anh lái đò đang nhận tiền thì một thanh niên đến hỏi:

- Sao được lấy tiền của các anh cán bộ?

Anh lái đò đỏ mặt trả tiền chúng tôi, xin lỗi:

- Em không biết các anh, chứ biết thì đâu em dám nhận.

Cán bộ ở đây được trọng vọng và yêu mến một cách đặc biệt. Dân chúng một điều thưa anh cán, hai điều thưa chị cán, nghe thực ngộ nghĩnh, nhưng có một vẻ thân mật riêng, đánh dấu một cuộc đời đổi mới.

Phủ Từ Sơn đang ăn mừng cuộc cách mạng thắng lợi. Rừng cờ giấy hai bên nhà rực rỡ đỏ vàng. Khi đi lén lút như một thằng ăn trộm, khi về đã được tắm mình trong ánh sáng tự do; một cuộc đời mới phong phú và tưng bừng đang mở rộng trước mắt tươi tỉnh của tôi. Tôi tưởng như mình mê, tôi tưởng như mình say rượu.

Một bà chủ hàng níu lấy tôi nói chuyện Hà Nội, vì tôi nói rõ tôi ở chiến khu về Hà Nội.

- Hà Nội bây giờ đang vui. Chờ mãi mới có ngày nay. Bây giờ tôi có chết cũng sướng đời, ông ạ.

Tôi gọi vội chiếc xe tay. Anh xe gọi tôi bằng “anh”, một cách thân mật, và trao cho tôi bản in bài Tiến quân ca. Đã nghe hát một hai lần, tôi cũng thuộc điệu một cách lỗ mỗ. Ngồi trên xe tôi học thuộc đoạn trên. Và đến cầu sông Cái, tôi hát vang lên. Lắng nghe có tiếng ai hòa theo. Ấy là anh xe đang kéo tôi, tuy mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

NGUYỄN HUY THẮNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tu-con-duong-van-si-den-nhung-ngay-chien-khu-i386433/