Tự cung tự cấp trong kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong thời kì địa chính trị
Trước những sóng gió thương mại và những phức tạp về địa chính trị leo thang, Trung Quốc đã nhấn mạnh tính tự cường trong các ưu tiên kinh tế của mình trong năm nay.
Thủ tướng Trung Quốc ưu tiên các chuỗi công nghiệp an toàn và các đột phá về công nghệ. Đồng thời cung cấp nhiều biện pháp để khuyến khích đổi mới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố những động lực mới trong việc thúc đẩy quốc gia đổi mới và "đột phá nhanh hơn" trong các công nghệ cốt lõi khi bắt đầu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hàng năm vào thứ Bảy, cũng như tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và công nghiệp an toàn.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố các biện pháp khuyến khích mới như một phần trong nỗ lực thúc đẩy "đột phá nhanh hơn" trong các công nghệ cốt lõi của đất nước. Ảnh Bloomberg.
Để khuyến khích sự đổi mới, ông Lý Khắc Cường cho biết chính phủ sẽ tăng mức hoàn thuế cho các công ty khoa học và công nghệ vừa và nhỏ từ 75% lên 100% và miễn giảm thuế cho nghiên cứu cơ bản.
Bắc Kinh cũng có ý định phát triển các cụm công nghiệp chiến lược như hàng không và thiết bị hàng hải, đồng thời cung cấp nhiều mức hỗ trợ hơn cho Khu vực Vịnh Lớn, Bắc Kinh và Thượng Hải để thúc đẩy năng lực đổi mới.
“Trong các lĩnh vực quan trọng, năng lực của chúng tôi trong hỗ trợ đổi mới còn hạn chế. Tất cả các biện pháp này dẫn đến việc chính phủ “rót” một khoản kinh phí đáng kể để hỗ trợ các nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp", Thủ tướng Lý Khắc Cường nói.
Các ưu đãi này được đưa ra khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% cho năm 2022, giảm so với mức 6% của năm ngoái.
Hôm thứ Bảy, trong một báo cáo công bố, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã chỉ ra một loạt các lĩnh vực kinh tế cần được quan tâm đặc biệt.
Báo cáo của NDRC cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và có trật tự của ngành công nghiệp quang điện, đồng thời đạt được tiến bộ ổn định và thận trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng hydro”.
Tự lực cánh sinh là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm nay nhưng các báo cáo công bố không đề cập đến “lưu thông kép”, một chiến lược quốc gia đặt trọng tâm kinh tế nhiều hơn vào thị trường nội địa.
Chiến lược được đưa ra vào năm 2020 trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực kiềm chế lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc nhưng cũng gây ra những lo ngại ở nước ngoài về cách tiếp cận hướng nội và rời xa sự phát triển theo định hướng xuất khẩu.
Theo Zeng Liaoyuan, phó giáo sư kỹ thuật thông tin và truyền thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc ở Thành Đô, tự lực là một vấn đề an ninh.
Ông Zeng nói: “Mục tiêu của Trung Quốc là cải tiến khoa học và công nghệ trong khi vẫn duy trì sức mạnh và an ninh của mình.
Hôm thứ Bảy, chính phủ cũng tuyên bố rằng họ sẽ khuyến khích các công ty hàng đầu bảo vệ sự ổn định và an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất chip mở rộng công suất "một cách có trật tự."
Trung Quốc cũng sẽ tăng dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng quan trọng để phòng ngừa rủi ro, cũng như tăng sản lượng đậu tương và hạt có dầu để đảm bảo sản xuất ổn định và cung cấp đủ nông sản.
"Giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao và dễ biến động, với thị trường nước ngoài ngày càng trở nên biến động và không chắc chắn. Nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng tiếp tục không đủ", ông Zeng nói.
Trung Quốc cũng cho biết sẽ ổn định tăng trưởng ngoại thương và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, công nghệ cao và các khu vực nội địa.
Theo ông Xu Hongcai của Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, nhu cầu trong nước vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
"Chúng tôi đã chứng kiến những bất ổn gia tăng trong năm nay, chẳng hạn như giá hàng hóa tăng và các xung đột địa chính trị gần đây. Giá ngũ cốc, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên đà tăng ... Và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất dự kiến sẽ có tác động đến dòng vốn toàn cầu, tỷ giá hối đoái và thị trường tài chính", điều này sẽ gây áp lực lên thương mại của Trung Quốc", ông Xu Hongcai nói.
Theo ông này: "Trong thập kỷ qua, tiêu dùng nội địa là nền tảng của nền kinh tế quốc dân và trọng tâm hiện nay vẫn là nâng cao tiêu dùng và đầu tư”.
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Zhou Hao của ngân hàng Commerzbank, an ninh là trọng tâm trong các chính sách kinh tế của Trung Quốc, một mối lo ngại càng trở nên trầm trọng hơn do sự bế tắc trong thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra.
Lê Na (Theo SCMP)