Từ đầu năm 2022, Việt Nam xử lý 178 vụ mua bán người

Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2023.

Chiều 28/7, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Công an, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Lãnh đạo Bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh nhấn nút phát động Lễ chung tay phòng, chống mua, bán người năm 2023.

Lãnh đạo Bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh nhấn nút phát động Lễ chung tay phòng, chống mua, bán người năm 2023.

Tại buổi lễ, đại diện Cơ quan CSHS, Bộ Công an, Tổng lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao và Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh chia sẻ một số kinh nghiệm về công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian gần đây của cả nước và địa phương…

Màn tiểu phẩm liên quan đến hoạt động phòng, chống mua, bán người.

Màn tiểu phẩm liên quan đến hoạt động phòng, chống mua, bán người.

Phát biểu tại lễ phát động, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, khẳng định: Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch quan trọng về phòng, chống tội phạm mua bán người.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nên đã mang lại nhiều kết quả.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu phát động Lễ chung tay phòng, chống mua, bán người năm 2023.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu phát động Lễ chung tay phòng, chống mua, bán người năm 2023.

Cụ thể từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, xử lý 178 vụ với 476 đối tượng liên quan đến mua bán người, giải cứu hàng chục nạn nhân.

Công tác hợp tác quốc tế, đối ngoại trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng, nhờ đó đã góp phần tích cực vào việc giải cứu, hỗ trợ nạn nhân…

Về nhiệm vụ thời gian tới, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, cho rằng, tình hình kinh tế, xung đột tại một số quốc gia trên thế giới luôn tiềm ẩn những yếu tố khó lường dẫn đến phát sinh những dòng người di cư, từ đó có không ít người trở thành nạn nhân của mua bán người.

Trong nước tuy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nhưng vẫn có lúc, có nơi, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế, nên dễ bị lợi dụng dụ dỗ, nhất là qua mạng xã hội và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người…

Do đó, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người với các hình thức đa dạng, phong phú hơn đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện công tác này…

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-dau-nam-2022-viet-nam-xu-ly-178-vu-mua-ban-nguoi-d598855.html