Từ đồng khô sang phố ngập!

Cần Thơ và nhiều đô thị miền Tây Nam Bộ liên tục bị triều cường tấn công trong những ngày đầu tháng 11: Đường phố ngập sâu gây tắc nghẽn giao thông, đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân

Vào giữa năm, ĐBSCL trải qua đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử, mức độ khốc liệt hơn cả đợt hạn năm năm 2016. Nhưng chỉ vài tháng sau, triều cường lại tấn công các đô thị trong vùng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đỉnh triều tại Cần Thơ vượt trên 2,15 m.

Thiếu nước lợi, thừa nước hại

Theo bản tin dự báo triều cường vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ gần đây nhất cho biết mực nước tại các trạm đang lên theo kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch. Tại sông Tiền (Mỹ Thuận, Vĩnh Long) đạt 1,84 m; tại sông Hậu (Cần Thơ) đạt 1,91 m. Dự báo đỉnh triều sẽ xuất hiện tại sông Hậu (trạm Cần Thơ) 2,03-2,08 m, tại sông Tiền (trạm Mỹ Thuận) đạt mức 1,90 - 1,95 m. Đỉnh lũ năm nay được cho là thấp hơn so với trung bình nhiều năm nhưng ở nhiều khu vực đô thị trong vùng, đỉnh triều đã leo lên mức kỷ lục trong vòng 30-40 năm qua. Theo các cơ quan dự báo thủy văn, mùa khô 2020-2021 sẽ tái diễn hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hơn.

Hằng năm, sông Mê Kông vận chuyển trên 450 tỉ m3 nước, cung cấp gần 90% lượng nước cho vùng ĐBSCL. Vào năm 2015, mực nước đầu nguồn sông Mê Kông cũng xuống thấp, sau đó đã xảy ra trận hạn mặn lịch sử trong vòng 90 năm ở ĐBSCL vào mùa khô năm 2016. Tình hình khô hạn, khan hiếm nước ở thượng nguồn đã gây hiệu ứng domino, tác động xuyên biên giới xuống hạ lưu thuộc Việt Nam là khó tránh khỏi. ĐBSCL là cửa ngõ ra biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông - biển. Thiếu nước ngọt đầu nguồn tạo điều kiện cho nước mặn từ biển lấn sâu vào đất liền.

Triều cường gây ngập nặng ở TP Cần Thơ Ảnh: CÔNG TUẤN

Triều cường gây ngập nặng ở TP Cần Thơ Ảnh: CÔNG TUẤN

Quan hệ tự nhiên sông - biển ở đồng bằng đang bị phá vỡ gây hạn trong mùa lũ, ngập trong mùa khô, lo đồng khô, phố ngập. Nghịch lý là trong khi mực nước đầu nguồn sông Mê Kông xuống thấp, thì các đô thị vùng giữa và hạ lưu sông Tiền, sông Hậu lại bị ngập sâu. Đã xảy ra thường xuyên hơn tình trạng vùng thường ngập lũ lại thiếu nước, trong khi nhiều đô thị phải vật lộn với nước ngập. Liền sau đỉnh triều cường, người dân lại phải đối mặt với trận hạn, mặn mới.

Không khó để nhận ra trong khi hai "túi chứa nước" của vùng là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên được ghi nhận thiếu nước, thì vùng giữa đồng bằng gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và khu vực ven biển mực nước và cường suất nước tăng. Nghịch lý đang đảo lộn quy luật tự nhiên dẫn đến hệ lụy "biến dạng đồng bằng": vùng trên cạn nước, dưới phố ngập sâu, thiếu nước lợi, thừa nước hại. Thiên tai hay nhân tai làm đảo lộn? Cần xác định đúng nguyên nhân, nếu không thì các giải pháp khắc phục hao tiền tốn của rồi ngập cũng hoàn ngập.

Không gian cho nước

Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với ĐBSCL được xác định là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, năm 2020 là năm liên tiếp diễn ra thiên tai: mưa đá ở miền Bắc; bão, lũ, sạt lở đất khốc liệt ở miền Trung; hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt cục bộ và thời tiết cực đoan ở Nam Bộ. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo, trong đó con người với việc gia tăng các hoạt động kinh tế bất chấp hủy hoại môi trường đã tạo ra các "cú đấm bồi" của nhân tai góp sức với thiên tai, gây thêm tác hại nghiêm trọng.

Việc các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện, các dự án chuyển nước dòng chính là các kiểu "trích máu dòng Mê Kông" làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế người dân đồng bằng đã rõ.

Trong khi chúng ta phải tăng cường đấu tranh bằng các cách thức phù hợp của luật pháp quốc tế và của Ủy hội sông Mê Kông, thì cũng phải nhìn nhận những tác động tiêu cực do chính vấn đề nội tại của vùng gây ra. Sản xuất chạy theo sản lượng đã vắt kiệt sức đất, thâm dụng và lãng phí tài nguyên, nhất là tài nguyên nước. Mặt trái của các hoạt động kinh tế gây nhiều hệ lụy ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái. Các "túi trữ nước" tự nhiên Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên bị phá vỡ. Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Cùng với sạt lở là sụt lún. Báo cáo tác động của 25 năm khai thác nước ngầm gây sụt lún đất ở ĐBSCL do Đại học Utrecht (Hà Lan) phối hợp với các chuyên gia Việt Nam công bố năm 2017, cho thấy trong 25 năm (1991-2015), vùng này đã sụt lún trung bình 18 cm; một số nơi, nền đất đã lún 25-35 cm.

Nghịch lý làm mất không gian của nước còn do những yếu kém trong phát triển đô thị. Nhiều nơi đổ tiền chống ngập nhưng nhiều nơi, phố biến thành sông, ngập năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng quận Bình Thủy, TP Cần Thơ trong mấy năm qua, đã ra đời 148 khu dân cư tự phát không bảo đảm điều kiện hạ tầng cấp thoát nước, hơn 100 tuyến đường nội ô TP và nhiều tuyến quốc lộ bị ngập.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/moi-truong/tu-dong-kho-sang-pho-ngap-20201115210149265.htm