Từ dự án công viên trăm tỷ đến 'tối hậu thư' cho các dự án chậm tiến độ trên địa bàn Thủ đô
Việc xử lý đối với các dự án 'treo' được UBND TP. Hà Nội xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành nhằm tránh lãng phí, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh về tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang.
“Thúc” tiến độ dự án công viên trăm tỷ
Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân tập trung chỉ đạo, phối hợp với các sở ngành thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, quyết liệt xử lý các vi phạm tái lấn chiếm.
Kết luận yêu cầu các đơn vị thu hồi đến đâu, bàn giao mặt bằng đến đó, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/12.
Cùng với đó, nhà đầu tư được giao tập trung mọi nguồn lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để được hướng dẫn kịp thời các thủ tục liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép tiếp tục xây dựng; triển khai thi công xây dựng các hạng mục còn lại ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng.
Nhà đầu tư có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện, bảo trì các hạng mục đã hoàn thành, bàn giao cho quận Nam Từ Liêm quản lý, duy trì đưa vào sử dụng, phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, Công viên hồ Phùng Khoang là dự án được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2008 và điều chỉnh chủ trương cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án “hoàn thành quý IV/2024”.
Dự án Công viên hồ Phùng Khoang có quy mô sử dụng đất 118 nghìn m2. Trong đó, phần diện tích đất trên địa bàn quận Thanh Xuân là hơn 5.000 m2 và quận Nam Từ Liêm là 112 nghìn m2. Đến nay, dự án đã hoàn thành GPMB và bàn giao thi công công trình khoảng 109 nghìn m2 (khoảng 92%); chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 9.0000 m2.
Việc chưa hoàn thành đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang và toàn bộ Khu đô thị mới Phùng Khoang chủ yếu từ công tác phối hợp, chuẩn bị của chủ đầu tư để thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ phục vụ giải phóng mặt bằng chưa hiệu quả.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư, UBND hai quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành dự án, như: Việc điều chỉnh quy hoạch khiến một số hạng mục phải thay đổi thiết kế, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tính đến 15/6/2024, trong tổng số 712 dự án chậm triển khai đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có 134 dự án (chiếm 99,3%) với tổng diện tích 1253,1 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục rà soát, xem xét phương án xử lý 1 dự án với diện tích 6,9 ha đất.
Với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 196 dự án (1951,7 ha đất) được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 208 dự án (1225,3 ha đất) đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19; có 73 dự án với 125,7 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 135 dự án (1.099,6 ha đất) đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
Cũng theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong số 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, đến nay có 80 dự án (chiếm 46,2%) với tổng diện tích 5884,7 ha đất được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 93 dự án (chiếm 53,7%) với tổng diện tích 1111,8 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, tháng 7/2023, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận và những vấn đề đã hứa, cam kết tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết có một số khó khăn trong quá trình rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý còn chậm so với yêu cầu là do số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định việc xử lý đối với các dự án "treo" này được UBND TP xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành, song cũng là nhiệm vụ lớn, phức tạp.
Vì vậy, thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật...