Tư duy 'cá lớn, cá nhỏ' giúp nữ sinh được 12 đại học Mỹ cấp học bổng
Năm lớp 10, em từng đấu tranh về việc nên theo học ở Bình Phước hay tới TP.HCM. Em nghĩ: 'Liệu mình muốn trở thành con cá lớn trong hồ hay chú cá nhỏ giữa đại dương?'. Em đã lựa chọn trở thành một chú cá nhỏ để biết đại dương rộng lớn thế nào.
Nguyễn Yến Nhi sinh ra ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Những năm cấp 2 học tại “trường làng”, Nhi chưa từng có ý định đi du học.
Bố mẹ từ Bắc vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng, chứng kiến cả hai phải bươn chải đủ nghề, từ bán hàng rong ngoài chợ, làm nương rẫy để mưu sinh, Nhi quyết tâm phải học hành nghiêm túc.
Vốn có năng khiếu tiếng Anh, năm lớp 7, Nhi được thầy cô lựa chọn cùng các anh chị lớp 9 tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm đó, Nhi đạt giải Nhì. Đến năm lớp 8 và lớp 9, nữ sinh đều giành giải Nhất.
Thành tích của Nhi được nhiều người trong xã biết tới. Một số phụ huynh đến nhà mong muốn Nhi có thể kèm cặp cho con em mình. Từ đó, Nhi đi gia sư, kiếm thêm nguồn thu nhập phụ giúp cho bố mẹ.
Là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh chị em, chứng kiến sự vất vả của gia đình, Nhi được tiếp thêm động lực quyết tâm “để bố mẹ không phải bán sức lao động như vậy nữa”.
Cũng trong khoảng thời gian này, đọc trên sách báo, Nhi thấy nhiều anh chị được đi du học nước ngoài và rất thành công, nữ sinh bắt đầu tìm hiểu và tự ôn IELTS trên mạng.
Năm lớp 10, dù đỗ thủ khoa lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Quang Trung (Bình Phước), nữ sinh vẫn quyết định theo học tại Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM vì biết đây là “lò đào tạo” để đi du học.
“Thời điểm ấy, bố mẹ ngăn cản khá nhiều vì lo sợ em sẽ gặp khó khăn khi xa nhà, phần vì lo chi phí sinh hoạt tại TP.HCM quá đắt đỏ. Nhưng em nói với bố mẹ rằng mình chỉ cần thuê một căn phòng trọ nhỏ, em sẽ chi tiêu tiết kiệm và tranh thủ đi làm thêm”.
Thuyết phục được bố mẹ, Nhi chính thức bước vào hành trình – điều em gọi là “giấc mơ 4 năm của em”.
Theo học tại Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, Nhi mất nửa năm để thích nghi vì chương trình học nặng, các bạn đều có mục tiêu du học rõ ràng từ cấp 2, vì vậy đã luyện thi SAT, IELTS từ rất sớm.
“Em sốc và áp lực vì thấy ai cũng như “chiến mã”, hừng hực khí thế để giành học bổng cao”, Nhi nhớ lại.
Thời điểm Nhi học lớp 11, anh trai cũng nhận được tin trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Do không giành được học bổng toàn phần, bố mẹ không thể chi trả khoản học phí còn lại, anh của Nhi quyết định theo học tại Việt Nam để nhường cơ hội cho em gái.
“Đó là áp lực nhưng cũng là động lực để em quyết tâm phải đạt học bổng ở mức tối đa, thực hiện cả phần giấc mơ của anh”.
“Lựa chọn là chú cá nhỏ để biết đại dương rộng lớn thế nào”
Xác định được mục tiêu, nữ sinh bắt đầu vạch ra danh sách các trường có cấp học bổng cao cho sinh viên quốc tế và phù hợp với các tiêu chí về môi trường học, tài chính của gia đình và khả năng của bản thân.
Để ứng tuyển vào đại học Mỹ, ngoài yêu cầu về điểm số, Nhi cũng phải chuẩn bị hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu và bài luận gửi tới các trường.
Nhi nói, những hoạt động ngoại khóa em tham gia tuy không nhiều, nhưng đó đều là những hoạt động em cảm thấy tâm huyết. Năm lớp 11, Nhi cùng các bạn trong trường thành lập dự án “Nguồn Project” nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật truyền thống. Triển lãm về múa rối nước là một trong nhiều sự kiện nằm trong dự án này được nhóm của Nhi tổ chức ngay tại trường Phổ thông Năng khiếu.
Ngoài ra, Nhi còn đứng ra tổ chức một số dự án gây quỹ nhằm ủng hộ cho những em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn mà em từng gặp tại các nhà thờ công giáo.
Bài luận là điều Nhi cảm thấy tâm đắc nhất và cũng là lý do Nhi nghĩ giúp mình thuyết phục được ban tuyển sinh.
Trong bài luận, Nhi viết về cuộc đời mình và từng cánh cửa em đã đi qua. Theo Nhi, mỗi cánh cửa đều là một bước ngoặt đưa em đến hiện tại.
“Ví dụ năm lớp 10, em từng đấu tranh rất nhiều về việc nên theo học ở Bình Phước hay tới TP.HCM. Lúc đó, em là thủ khoa của tỉnh, nhưng nếu theo học tại TP.HCM, em chỉ là một học sinh bình thường.
Em nghĩ: “Liệu mình muốn trở thành con cá lớn trong một cái hồ hay là một chú cá nhỏ giữa đại dương?”. Khi ấy, em đã lựa chọn trở thành một chú cá nhỏ để biết được đại dương rộng lớn như thế nào”.
Thông qua bài luận, Nhi muốn chứng minh cho hội đồng tuyển sinh thấy được ý chí kiên trì, nỗ lực không ngừng của bản thân và ước ao mãnh liệt được phát triển, trải nghiệm những điều mới lạ.
Sự chân thành, theo Nhi, là cách giúp ban tuyển sinh “đọc” được con người mình và cảm thấy mình phù hợp với trường thay vì “trưng” ra bộ hồ sơ điểm cao, nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng không có định hướng rõ ràng.
Với vòng phỏng vấn, Nhi cho rằng ứng viên cần phải tìm hiểu thật kỹ về trường, hiểu được những điều trường muốn tìm kiếm ở ứng viên, tại sao mình lại phù hợp với ngôi trường này và mình sẽ đem lại những giá trị gì cho trường… Như vậy, ứng viên mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất cho ban tuyển sinh.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, hồ sơ của Yến Nhi được 12 trường đại học Mỹ chấp nhận. Nữ sinh cho biết, em quyết định sẽ theo học ngành Kinh tế và Tâm lý học tại Trường Đại học Gettysburg.
“Em luôn biết ơn bố mẹ vì luôn khích lệ em không nên tự ti. Em nghĩ rằng dù ở bất kỳ đâu, thành công không phải trở thành ngôi sao mà là tỏa sáng trong môi trường của mình”, Nhi nói.