Tư duy đổi mới từ một đại hội cấp huyện
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pah (Ia Grai ngày nay) lần thứ IX diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10-9-1986. Thời điểm này, sau hơn 10 năm thống nhất nước nhà, hậu quả chiến tranh để lại trên nhiều lĩnh vực tại địa phương vẫn chưa được khắc phục kịp thời. Cùng lúc, bọn phản động FULRO được các thế lực thù địch bên ngoài hà hơi tiếp sức đã nổi lên hoạt động chống phá chính quyền quyết liệt. Chính vì vậy, đây là đại hội mà theo chúng tôi là một bước ngoặt trong vấn đề định hướng sự lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng của huyện Chư Pah. Trong điều kiện như thế, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pah xác định, việc đánh giá đúng thực trạng tình hình, nhìn thẳng vào sự thật khó khăn, yếu kém để đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp sát với thực tế địa phương là vấn đề cần quan tâm bậc nhất của đại hội.
Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pah đã quyết định thành lập các ban, các bộ phận chuẩn bị cho Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ rất chu đáo. Ban Nội dung được xem là quan trọng nhất, gồm những cán bộ vừa nắm chắc tình hình địa phương, vừa nắm chắc đường lối, chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là các dự thảo báo cáo. Trong đó, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ VI của Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa V là hết sức quan trọng. Ban Nội dung do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tấn Đức làm Trưởng ban. Sau khi đã chuẩn bị khá đầy đủ tư liệu, tài liệu cần thiết và đề cương sơ bộ được Thường trực Huyện ủy thông qua, Trưởng ban Nội dung triệu tập anh chị em trong ban chúng tôi họp để phân công làm đề cương chi tiết các dự thảo báo cáo sẽ trình đại hội, nhất là những vấn đề cốt lõi, trọng tâm mà đại hội sẽ thảo luận thông qua; giao từng người đảm nhiệm chắp bút từng phần việc như: kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền, công tác Mặt trận, đoàn thể...
Giờ đây, sau gần 35 năm, đọc lại một số nội dung trong các báo cáo và nghị quyết lần ấy, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Khi mà sự “giao thừa” chuyển đổi giữa cơ chế kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường chưa có một quyết sách rõ nét từ cấp trên, Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum chưa diễn ra thì Đại hội IX Đảng bộ huyện Chư Pah đã mạnh dạn quyết định những vấn đề có thể nói là “cầm đèn chạy trước ô tô”. Tôi xin trích một số nội dung trong các văn kiện đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pah bấy giờ thông qua, hiện được in trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội-2014: “...Đẩy mạnh sản xuất nông-lâm-công nghiệp, sản xuất nông nghiệp toàn diện, giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu...”. Vấn đề đó, sau này các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và Nghị quyết Đại IX của Đảng bộ tỉnh quyết định là 3 chương trình kinh tế lớn nhằm khắc phục tình hình suy thoái về kinh tế trong giai đoạn ấy, gồm: Chương trình lương thực-thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Tổ chức triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về vấn đề nông nghiệp, giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, từng bước đảm bảo cân đối lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu hàng triệu tấn gạo như chúng ta đã biết. Điều đó khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết Đại hội VI!
Về nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, Đại hội lần ấy của Đảng bộ huyện Chư Pah nêu: “...Tăng cường đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ... Đổi mới tư duy trong mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng... đấu tranh chống tư tưởng lệch lạc. Từng bước đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, phong cách làm việc; nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng, cải tiến phương thức lãnh đạo của cấp ủy; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình...” (Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai). Ngẫm lại những nội dung về phát triển kinh tế, về công tác xây dựng Đảng mà Đại hội Đảng bộ huyện Chư Pah đưa ra thảo luận cách nay gần 35 năm và được thông qua, trở thành Nghị quyết hành động, chúng tôi thấy sự nhạy bén, dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có quyết sách khá táo bạo, là một sự đấu tranh nội bộ thẳng thắn, dự lường trước những vấn đề trong tương lai của một đảng bộ địa phương… Những điều ấy cho tới bây giờ vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn.
Hiện nay, chúng ta đang tổ chức triển khai đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vấn đề đánh giá đúng thực chất tình hình mọi mặt của địa phương, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong việc lãnh đạo trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, nhất là về công tác xây dựng Đảng trên cả 3 lĩnh vực (chính trị, tư tưởng và tổ chức) là vô cùng quan trọng, qua đó đề ra những quyết sách sát với thực tế, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, chống suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; đảm bảo nghị quyết của Đảng đi vào đời sống xã hội một cách thiết thực. Nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà chuyên đề năm 2020 này là “Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, đoàn kết trong Đảng nói riêng theo Bác Hồ là vấn đề chiến lược, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu trong tất cả các giai đoạn phát triển của cách mạng. Sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng ta khi lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời bình đã chứng minh điều đó. Bác khẳng định đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta, phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình!
Trên đây, cũng chỉ là những vấn đề “không mới” về một lát cắt trong công tác xây dựng Đảng mà người viết mạnh dạn ghi lại theo sự hiểu biết còn nông cạn của mình từ việc chuẩn bị nội dung cho đại hội và những vấn đề cốt lõi trong văn kiện của một đại hội Đảng ở tầm cấp huyện một thời đã xa nhân dịp Đảng bộ các cấp đang tiến hành đại hội, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và cũng là nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta đang long trọng tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020).