Tư duy mới - động lực mới
Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới. Nghị quyết 68 không chỉ là văn kiện chính trị quan trọng mà còn thể hiện bước ngoặt mới trong nhận thức và hành động của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình xây dựng đất nước, Đảng ta luôn xác định kinh tế tư nhân là một trong những bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, qua các kỳ Đại hội Đảng, kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định là thành phần quan trọng lâu dài, trở thành động lực phát triển kinh tế và được tập trung phát triển mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính nhờ những quyết sách rất kịp thời của Đảng, nên sau gần 40 năm đổi mới, đến nay, kinh tế tư nhân đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và đã vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tư nhân ở nước ta thời gian qua vẫn đối mặt với không ít “rào cản”, nên sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên chưa bứt phá được về quy mô và năng lực cạnh tranh, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...
Với tầm nhìn chiến lược và các mục tiêu rất rõ ràng, giải pháp rất cụ thể, Nghị quyết 68 là bước đột phá về tư duy, sự kế thừa và phát triển nhất quán chủ trương của Đảng, đồng thời khẳng định dứt khoát: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Đây là bước ngoặt trong tư duy phát triển, xóa bỏ ranh giới vô hình giữa các thành phần kinh tế, đặt hiệu quả và sự đóng góp cho xã hội làm tiêu chí chủ đạo. Nghị quyết 68 còn gửi gắm niềm tin và kỳ vọng lớn vào đội ngũ doanh nhân, những người tiên phong trong phát triển sản xuất, thương mại, công nghệ, những “chiến sĩ thời bình” trên mặt trận kinh tế. Đảng yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn chiến lược, có bản lĩnh chính trị, đạo đức kinh doanh và tinh thần dân tộc.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, doanh nhân không chỉ là người làm giàu cho bản thân mà còn phải làm giàu cho xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng, góp phần vào tiến trình phát triển quốc gia bền vững, bao trùm và công bằng. Đó chính là nội hàm mới của chủ nghĩa yêu nước trong thời đại kinh tế số và toàn cầu hóa. Nghị quyết 68 không chỉ là bước phát triển về tư duy lý luận của Đảng mà còn là lời hiệu triệu đối với toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và bộ máy quản lý nhà nước các cấp. Hơn lúc nào hết, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 vào thực tiễn đòi hỏi tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt và nhất quán, khơi dậy khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Với niềm tin, tầm nhìn và các giải pháp thiết thực, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vào một tương lai nơi kinh tế tư nhân thực sự trở thành trụ cột quan trọng, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia phát triển, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/173095/tu-duy-moi-dong-luc-moi