Tự giác là 'Công dân số'

Hưởng ứng Ngày “Chuyển đổi số” quốc gia (10/10) cũng là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh, với mong muốn tiến trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp sẽ song hành cùng nhịp bước của Quốc gia. Thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, có tầm nhìn đến năm 2030 là chuyển đổi số căn bản, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh tế, văn hóa, xã hội để đưa tỉnh phát triển thịnh vượng, ổn định và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong top 25 và đến năm 2030, Đồng Tháp nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn viên, thanh niên Phường 1, TP Sa Đéc hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Ảnh: M.X)

Đoàn viên, thanh niên Phường 1, TP Sa Đéc hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Ảnh: M.X)

Là một tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Đồng Tháp đang có những tín hiệu tích cực về chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chương trình được thực hiện đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số, như phát triển văn hóa, giáo dục, phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp, cải cách hành chính... từ đó thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Tỉnh đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như: sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy, hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh, những hội quán, hợp tác xã thông minh, làng thông minh và tiến tới những đô thị thông minh trong thời gian tới. Là một trong những địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Nhân dân thanh toán bằng hình thức ít hoặc không dùng tiền mặt; chủ động và tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên những sàn giao dịch thương mại điện tử... Qua đó, có thể thấy tiến trình thực hiện chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.

Thời gian tới, để thực hiện thành công Đề án Chuyển đổi số với 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, cần tiếp tục chủ động tăng tốc thực hiện các mục tiêu đã được xác lập, hiện thực hóa tầm nhìn với các bước đi phù hợp cho tiến trình chuyển đổi số. Huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tự giác, tự nguyện tham gia sứ mệnh “chuyển đổi số”. Từng bước thực hiện cho được “công dân số”, vì chuyển đổi số không chỉ thực hiện từ chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, doanh nghiệp... mà cả người dân phải hiểu và biết “kỹ năng số” cơ bản như: truy cập thông tin; chủ động giao tiếp trong “môi trường số”; thành thạo trong hoạt động kinh doanh, mua bán trên mạng; định danh cũng như xác thực dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong “môi trường số”... trên cơ sở xác định chuyển đổi số hướng đến quyền lợi, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân tham gia, thực hiện tiến trình “công dân số” một cách hiệu quả nhất.

Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi. Mỗi người cần tự giác không ngừng thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Do đó, có thể chuyển đổi số ngay lập tức bằng cách chuyển đổi về tư duy, nhận thức, sau đó dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Khi là một “công dân số” sẽ góp phần thiết thực cho việc xây dựng tỉnh ta ngày càng phát triển.

Đồng Dao

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chuyen-doi-so/tu-giac-la-cong-dan-so--117295.aspx