Tự giác, trung thực kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên
Hiện nay, các tổ chức Đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đang tập trung chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên năm 2024.
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; là dịp để mỗi tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng đảng viên “tự soi, tự sửa” lại mình, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện Quy định số 124- QĐ/TW ngày 04/10/2023 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 25- HD/BTCTW ngày 10/11/2023 của Ban Tổ chức Trung ương, ngày 21/10/2024, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 440-KH/ TU kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng và tập thể, cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2024. Các đảng ủy, huyện ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy cũng đã ban hành kế hoạch hoặc hướng dẫn, chỉ đạo các đảng ủy, chi ủy cơ sở tiến hành kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2024.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên năm nay đã đầy đủ, chặt chẽ, chu đáo.
Nhiệm vụ của các tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cấp ủy các cấp và đảng viên là quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về việc kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Đây là công việc được tiến hành thường xuyên hàng năm nhưng yêu cầu phải làm thực sự nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, cầu thị, bảo đảm thời gian quy định, tránh tình trạng kiểm điểm qua loa, hình thức...
Thông qua việc kiểm điểm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, địa phương, đơn vị khẳng định những kết quả đã đạt được trong năm qua, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân các đồng chí cấp ủy, lãnh đạo và từng đảng viên, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch của cơ quan, địa phương, đơn vị.
Kết quả của việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ và đảng viên sẽ giúp cho cấp ủy cấp trên và người lãnh đạo biết rõ được thực trạng của các tổ chức Đảng và đảng viên trong đảng bộ, chi bộ mình, nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở từng địa phương, đơn vị để có các giải pháp làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Đồng thời, đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Do vậy, việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên yêu cầu phải khách quan, toàn diện, thực chất, theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo quan trọng để đánh giá, xếp loại.
Những năm qua, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, tập thể, cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ tỉnh ta ngày càng đi vào hiệu quả thực chất, khách quan, toàn diện, đảm bảo được mục đích, yêu cầu đề ra.
Tỉnh Ninh Bình đang có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Uy tín, niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức Đảng và cá nhân nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu từ tỉnh đến các cơ quan, địa phương, đơn vị cơ sở ngày càng được khẳng định...
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên không thể tránh khỏi còn những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm vì như người xưa nói: “nhân vô thập toàn”, do vậy, cần kiểm điểm để từng người nhận ra ưu, khuyết của mình...
Trong thực tế, việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và cán bộ, đảng viên là một việc khó, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo các cấp lại càng khó khăn, nhạy cảm và phức tạp.
Có những cán bộ, đảng viên trung thực, thẳng thắn, hết mình vì công việc nên tập thể, anh em rất dễ nhìn nhận, đánh giá; nhưng cũng có những người có “vỏ bọc hoàn hảo” rất khó nhìn nhận, đánh giá, chỉ đến khi “bị lộ sáng” mới thấy được sự thoái hóa biến chất của họ. Vì vậy, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng luôn đòi hỏi cao về tính tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên và điều đó mới thực sự có ý nghĩa.
Tính tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị và cả khi tiến hành kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng của tập thể, cá nhân. Cần hết sức tránh tình trạng chuẩn bị kiểm điểm chưa tốt, khi kiểm điểm làm chưa sâu, chưa thẳng thắn, còn né tránh, ngại va chạm và khi đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức, cá nhân thì nể nang, “dễ người, dễ ta”...