Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững
Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững nêu rõ: Thông tin và truyền thông về giảm nghèo cùng với nguồn lực đầu tư và hệ thống chính sách chính là đòn bẩy hiệu quả để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chính vì thế, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Mặc dù có quỹ đất nông nghiệp nhưng từ lâu gia đình anh Tráng A Páo, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) vẫn loay hoay chưa tìm được hướng phát triển kinh tế. Sau những lần đọc báo, xem các chương trình về dân tộc, miền núi, các chương trình phát triển kinh tế trên truyền hình, anh Páo đã học tập được kinh nghiệm trồng gừng. Đầu năm 2020, anh mạnh dạn chuyển 0,5 ha trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây gừng. Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật, gặp thời tiết thuận lợi nên cây gừng phát triển tốt, củ to, mẫu mã đẹp, cho thu nhập gần trăm triệu đồng. Anh Páo chia sẻ: Ngày trước, người dân chỉ trồng ngô, lúa, giờ bà con đọc báo, xem trên mạng internet, trên truyền hình nên biết cách trồng đương quy, gừng, nuôi trâu vỗ béo.
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu cho biết: Cùng với việc tiếp cận thông tin qua các thiết bị đã được hỗ trợ, chúng tôi có hệ thống loa truyền thanh đến tận thôn, bản, tuyên truyền các bản tin về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi mô hình kinh tế. Trong năm 2021, xã đã vận động bà con mở rộng thêm diện tích trồng cây gừng lên 30 ha, với giá trung bình từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, dự kiến cho nguồn thu hơn 8 tỷ đồng.
Ngày nào cũng vậy, dù bận rộn đến mấy, ông Lò Văn Dẩu, xã Quang Kim (huyện Bát Xát) cũng đợi đến đúng giờ phát thanh của xã để cập nhật thông tin địa phương. Ông dành sự quan tâm đặc biệt đến các tin, bài tuyên truyền về các mô hình phát triển kinh tế. Ông Dẩu tâm sự: Ngày nào tôi cũng nghe chương trình truyền thanh, tôi thấy rất có ích, biết được nhiều thông tin từ trung ương, trong tỉnh, trong xã, các giống cây, con nào phù hợp với từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng, cây nào trồng có hiệu quả. Tôi đã học được cách nuôi cá, trồng chuối, trồng quế.
Đến nay, ông Dẩu đã có 1 ao nuôi cá giống cung cấp cho các hộ trong thôn và 2 ao nuôi cá thịt tổng diện tích mặt nước hơn 1 ha. Ông còn nuôi lợn, ngan, gà, vịt. Với hơn 2 ha vườn đồi, ông đầu tư trồng chuối, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi và trồng quế để tạo sinh kế. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, gia đình ông Dẩu có thu nhập ổn định 200 triệu đồng/năm.
Công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan báo chí thực hiện thường xuyên và liên tục, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, khắc phục từng bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong Nhân dân.
Bà Trần Xuân Huệ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thực hiện Đề án số 10 ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025, công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được triển khai sâu, rộng bằng nhiều hình thức, như trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuốn sổ tay, qua hệ thống truyền thanh cơ sở… Nội dung tuyên truyền tập trung vào hướng dẫn ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo; tuyên dương các gương điển hình tiên tiến trong giảm nghèo, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở đã tác động trực tiếp tới người dân. Thông qua hệ thống truyền thanh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nội dung công việc của địa phương được phổ biến nhanh, kịp thời, giúp người dân nắm đầy đủ, áp dụng vào đời sống, sản xuất. Từ đó, rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng, miền; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của Nhân dân trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong công tác tuyên truyền và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lào Cai. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã có nhiều tin, bài phản ánh về công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh. Thông qua các tin, bài tuyên truyền, ý thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy làm giàu, biết cách làm giàu, phát triển kinh tế ổn định. Các địa phương đã xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp, tuyên truyền đến người dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.
Ngoài ra, năm 2019 - 2020, hơn 2.000 hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ ti vi và radio. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa giúp cho các gia đình có điều kiện tiếp cận kịp thời các thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các thông tin văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc triển khai nội dung giảm nghèo về thông tin đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tạo phong trào thi đua trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 còn 25,19%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 12,75%.
Với mục tiêu triển khai chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.