Tự hào 50 năm đi lên từ gian khó

BPO - “Kể từ ngày giải phóng, các thế hệ Đảng bộ Bù Đăng cùng với chính quyền và nhân dân luôn đoàn kết, phấn đấu, quyết tâm xây dựng địa phương từng ngày. Đến nay, nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua ai cũng thấy sự phát triển vượt bậc được minh chứng qua từng con số. Từ một vùng đất chủ yếu làm kinh tế nông nghiệp, Bù Đăng hôm nay đã chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Diện mạo nông thôn đổi thay, từng bước góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay” - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười khẳng định.

Một thời gian khó

10 giờ 30 phút ngày 14-12-1974 đánh dấu thời khắc lịch sử Bù Đăng hoàn toàn giải phóng. Người dân nô nức từ các ấp chiến lược trở về nhà mình, bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Thế nhưng, sau ngày giải phóng, mảnh đất Bù Đăng vẫn còn đó những tàn tích của bom đạn chiến tranh. Người dân và chính quyền một lần nữa bước vào trận chiến mới không kém phần gian khổ: trận chiến chống đói nghèo, lạc hậu và mù chữ.

Dân số Bù Đăng trong những ngày đầu giải phóng chỉ khoảng 11.500 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) S’tiêng, M’nông, Mạ; người Kinh chỉ khoảng 17% dân số toàn huyện. Nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào lúa rẫy, đồng bào DTTS vẫn còn duy trì tập tục lạc hậu. “Năng suất lúa rẫy đâu có bao nhiêu. Bà con lại du canh, du cư, nay ở chỗ này, mai chuyển sang nơi khác nên đói giáp hạt triền miên. Trình độ dân trí thấp, đa số mù chữ nên còn mê tín dị đoan. Ai đó không may bị ốm đau, bà con cho rằng ma lai bắt, cả xóm nấu chì đổ vào lòng bàn tay người bệnh. Bàn tay bị lủng thì cho đó chính là ma lai. Trời đất, sức nóng của chì như thế mà tay nào chịu nổi! Cán bộ mình không tới kịp là nhiều người phải chết oan như thế” - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Điểu Ma Riêng cho hay.

50 năm sau ngày giải phóng, Bù Đăng đã khoác lên mình diện mạo mới. Trong ảnh: Một góc thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng hôm nay - Ảnh:Phú Quý

Không lâu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về giãn dân từ đô thị đông đúc về các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bù Đăng trở thành nơi hội tụ của người dân từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước về đây sinh cơ lập nghiệp. Nhằm kiện toàn bộ máy đơn vị hành chính, tháng 11-1976, huyện Bù Đăng sáp nhập vào huyện Phước Long để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đến tháng 7-1988, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, huyện Bù Đăng được chia tách từ huyện Phước Long với 7 đơn vị hành chính cấp xã. Cả huyện chỉ có 10 trường học từ bậc tiểu học đến THPT, trong đó chỉ có duy nhất trường cấp II-III với 1 lớp 10 và 1 lớp 11. Đa số trường học lúc bấy giờ là tranh tre, nứa lá. Học sinh phải học ca 3, ngồi lớp ghép, phòng học tạm, phòng mượn mới đủ giáo viên, đủ lớp.

Năm 1989, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ 466 triệu đồng. Quy mô dân số lúc bấy giờ khoảng 29.000 người, trong đó 50% là người DTTS. Toàn huyện có 378 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 23 cơ sở đảng trực thuộc.

Những quyết sách thức thời

Tháng 12-1988, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bù Đăng lần thứ nhất bầu ra Ban Chấp hành gồm 29 ủy viên. Đại hội thống nhất biểu quyết xác định điều, cao su, cà phê là cây chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền lúc bấy giờ vừa tập trung khắc phục đói ăn, đói mặc vừa tập trung chống mù chữ, đảm bảo sức khỏe người dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền tham gia, chụp hình lưu niệm cùng các già làng trong lễ hội kết bạn cộng đồng ở huyện Bù Đăng

Để giải quyết nhiệm vụ thiếu ăn trước mắt, các cấp chính quyền huyện Bù Đăng đã tập trung vận động người dân tăng gia sản xuất theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, ai biết trồng lúa, trồng mì thì chỉ cho người không biết, ai trồng được cây lúa nước thì chỉ cho người trồng lúa cạn. Bất kỳ nơi nào có đất thì nơi đó có cây lương thực. Nhờ những giải pháp linh hoạt mang tính tổng thể này, đồng bào các dân tộc S’tiêng, M’nông trên vùng cao Bù Đăng, Phước Long mới biết đến việc trồng lúa nước từ các dân tộc khác. Diện tích cây lúa, cây mì, cây bắp liên tục được mở rộng từ bưng bàu cho đến nương rẫy. Mặt khác, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ cây ngắn ngày chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su, cà phê để phát triển kinh tế. Nhờ trồng điều mà nhiều nông hộ trong vùng đồng bào DTTS đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hệ thống nhà máy chế biến nông - lâm sản liên tục được đầu tư, xây dựng, báo hiệu một vùng quê trù phú đang từng bước hình thành.

“Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, năm 1988, tôi thu khoảng 300kg hạt điều, UBND huyện Phước Long lúc bấy giờ thu mua toàn bộ để cấp phát cho bà con nhân giống, rồi chỉ cách trồng, chăm sóc. Người DTTS chỉ quen trồng lúa rẫy, có ai biết đến cây điều đâu. Nhờ đội ngũ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chuyển giao tận tình nên người S’tiêng, M’nông mới biết đến cây lúa nước, cây điều. Cuộc sống của họ từ đó bắt đầu có của ăn, của để” - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Điểu Ma Riêng nhớ lại.

Đến năm 2002, toàn huyện Bù Đăng có 12 đơn vị hành chính với quy mô dân số 120.000 người, trong đó 37% là đồng bào DTTS. Thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/năm. Năm học 2004-2005, toàn huyện có 51 trường với khoảng 34.000 học sinh các cấp. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 5%.

Trong lĩnh vực giáo dục, Đảng bộ Bù Đăng lúc bấy giờ tập trung đầu tư hệ thống trường lớp, vừa tận dụng đội ngũ trí thức hiện có vừa đào tạo đội ngũ giáo viên cấp tốc tại chỗ để phục vụ nhiệm vụ xóa mù chữ trước mắt vừa phục vụ chiến lược giáo dục và đào tạo phát triển lâu dài. “Những lớp giáo viên, y tá cấp tốc chỉ đào tạo khoảng 4-5 tháng. Nhờ vậy, chúng ta mới có đủ giáo viên, y tá kịp thời đưa về vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân” - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Bùi Kim Dung cho biết.

Miền đất của những kỳ tích

Qua nửa thế kỷ nỗ lực phấn đấu từ trong gian khó của một huyện thiếu đói giáp hạt, đến nay, Bù Đăng không còn hộ đói, chỉ còn 0,35% hộ nghèo. Không chỉ thế, Bù Đăng còn là huyện đang dẫn đầu cả tỉnh về diện tích cây công nghiệp như điều, cao su, cà phê và cây ăn trái. Đặc biệt, cây sầu riêng với tổng diện tích hơn 3.600 ha đã được cấp mã số vùng trồng gắn liền với các nhà máy chế biến, cơ sở đóng gói được cấp mã số đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã và đang khẳng định thế mạnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với thị trường tiêu thụ. Tính đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 77 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có 33/54 trường học từ bậc mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Bù Đăng có hơn 4.300 đảng viên sinh hoạt ở 63 tổ chức cơ sở đảng. Đó là những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân luôn tự hào, tiếp bước để viết tiếp trang sử mới vẻ vang trên quê hương Bù Đăng anh hùng.

Nhà máy chế biến, tách múi cấp đông sầu riêng là một trong những mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Bù Đăng

Du khách lắng nghe những câu chuyện đầy chất thi ca trong quá trình hình thành trảng cỏ Bù Lạch

Du khách lắng nghe những câu chuyện đầy chất thi ca trong quá trình hình thành trảng cỏ Bù Lạch

Sau 50 năm Bù Đăng đã có bước phát triển vượt bậc mà ai cũng thấy rõ qua hạ tầng cơ sở cũng như đời sống người dân. Thế nhưng cái đáng quý nhất của Bù Đăng là trong 50 năm qua, người miền Bắc, miền Trung cho đến miền Tây về đây sinh cơ lập nghiệp luôn sống chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Chưa một lần xảy ra mất đoàn kết giữa tộc người này với tộc người kia. Đó là điều đáng trân quý và cần tiếp tục gìn giữ.

Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Bù Đăng
BÙI KIM DUNG

Đi cùng với đầu tư phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần người dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Bù Đăng đang sở hữu 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 3 danh lam thắng cảnh cấp tỉnh gắn liền với những truyền thuyết đậm chất folklore (văn hóa dân gian) mà không phải địa phương nào cũng có được. Đặc biệt là những dị bản trong việc hình thành thác Voi trong quần thể danh thắng của trảng cỏ Bù Lạch là câu chuyện tình lãng mạn đầy nước mắt gắn liền với phong tục, tập quán của dân tộc tại chỗ xưa kia đang cần du khách khám phá. Các hoạt động lễ hội Kết bạn cộng đồng, Mừng lúa mới, Cầu bông và mới đây nhất là lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo đã được huyện Bù Đăng quan tâm, phục dựng nhằm quảng bá tiềm năng du lịch và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Bù Đăng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166443/tu-hao-50-nam-di-len-tu-gian-kho