Mỗi tổ chức, cá nhân trong lòng phải luôn có Ðảng, có nhân dân, có trách nhiệm

'Phát huy những thành quả sau 50 năm đạt được, trong thời gian tới, Bù Đăng sẽ tập trung xây dựng và phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo phương châm mỗi tổ chức đảng, mỗi cá nhân 'trong lòng có Đảng, có nhân dân, có trách nhiệm, có pháp luật' để cùng toàn tỉnh chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương khẳng định.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã phỏng vấn Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương về nội dung này.

Sau 50 năm giải phóng, Bù Ðăng hôm nay có sự phát triển vượt bậc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong ảnh: Cầu 38 trên quốc lộ 14 qua địa bàn huyện Bù Ðăng kết nối Tây Nguyên và Nam Bộ - Ảnh: Phú Quý

PV: Xin ông cho biết những nét cơ bản của Bù Đăng trong định hướng phát triển?

Bù Đăng là huyện miền núi ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước với tổng diện tích hơn 150.000 ha. Đây được xem là vị trí chiến lược, cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Bộ bằng quốc lộ 14. Huyện vừa có di tích lịch sử vừa có danh thắng gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tại chỗ giàu lòng yêu nước. Con người Bù Đăng hòa hợp, nghĩa tình, tự lực, tự cường, luôn có khát khao mãnh liệt vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông nghiệp, nhất là những cây trồng có giá trị kinh tế cao; lực lượng lao động, trong đó lao động trẻ khá đông cũng là một nguồn lực quan trọng của huyện. Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội luôn được quan tâm đầu tư phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn… Những yếu tố này tạo nền tảng cơ bản, thuận lợi trong quá trình định hướng phát triển huyện nhà.

PV: Vậy định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới như thế nào thưa ông?

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực dựa trên 3 trụ cột: Củng cố hạ tầng giao thông nông thôn để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để rút ngắn chênh lệch về trình độ dân trí giữa các vùng trong huyện và cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Bù Đăng là huyện miền núi có diện tích rộng, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thuận lợi cho hầu hết các loại cây trồng nên chúng tôi tiếp tục xác định nông nghiệp là ngành chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo tín hiệu thị trường. Khuyến khích thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất các loại sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP; chú trọng xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như hạt điều nhân, cao su, tiêu, sầu riêng, chế phẩm chăn nuôi... Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực thực hiện chương trình đột phá “Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị kinh tế cao” để phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quy trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Ðăng Vũ Lương (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo huyện và các sở, ngành tặng hoa chúc mừng doanh nghiệp lữ hành đến với hội nghị khởi nghiệp du lịch năm 2024 của huyện

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Ðăng Vũ Lương (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo huyện và các sở, ngành tặng hoa chúc mừng doanh nghiệp lữ hành đến với hội nghị khởi nghiệp du lịch năm 2024 của huyện

PV: Để phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, phải chăng chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch, thưa ông?

Đúng vậy. Để phát triển huyện nhà một cách bền vững thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có yếu tố quan trọng là công tác quy hoạch và trước hết là quy hoạch vùng của huyện. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp địa phương triển khai, khai thác hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm của huyện, các tiềm năng, thế mạnh và một trong số đó là lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có các chính sách, giải pháp thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư để “đi tắt đón đầu” tạo đà kinh tế nông nghiệp phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Tỷ trọng nông nghiệp tại thời điểm tái lập huyện chiếm 90%, nay giảm còn 39,9%; tỷ trọng công nghiệp tăng lên 26,1% và dịch vụ 34%. Từ thực trạng thiếu đói giáp hạt trong những ngày đầu mới giải phóng, đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 77 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%.

PV: Lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện định hướng thực hiện như thế nào, thưa ông?

Để ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới cần gắn với thế mạnh của huyện, đó là lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo hướng phát triển riêng, độc đáo trong tổng thể định hướng phát triển chung của tỉnh và khu vực. Tiền đề để thực hiện việc này là tập trung thực hiện các đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông kết nối để tạo đà phát triển trên cơ sở đầu tư, nâng cấp các tuyến ĐT760, ĐT755; Sao Bọng - Đăng Hà, Đắk Nhau - Thọ Sơn, Đồng Nai - Phú Sơn, Đồng Nai - Phước Sơn, Thống Nhất - Nghĩa Trung, Đức Phong - Minh Hưng và các tuyến giao thông mang tính kết nối cho sự phát triển. Đặc biệt, chúng tôi đang kỳ vọng và sẽ tận dụng tối đa lợi thế kết nối vùng khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) hoàn thành. Bên cạnh đó, dư địa từ các nhà máy thủy điện Đắk Glun II, Đắk Ka, ĐaMlo, Trường Sơn đang còn rất lớn cần đầu tư, khai thác từ các hồ đập này để phục vụ thủy lợi trong phát triển nông nghiệp song song với phát triển nguồn năng lượng để cung cấp điện cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được gìn giữ và phát huy trong dòng chảy cuộc sống hiện đại

Nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được gìn giữ và phát huy trong dòng chảy cuộc sống hiện đại

PV: Bù Đăng rất có tiềm năng du lịch, đây chính là điểm nhấn để huyện tiếp tục phát triển lĩnh vực này, xin ông cho biết rõ hơn kế hoạch của huyện trong thời gian tới?

Những danh thắng như trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Voi gắn liền với văn hóa các dân tộc tại chỗ rất riêng của Bù Đăng. Đây là nguồn tài nguyên đầy tiềm năng cần đánh thức. Chúng tôi đang xây dựng giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo sẽ trở thành điểm nhấn độc đáo, đại diện cho các loại hình du lịch này. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, quy mô tổ chức các lễ hội, khôi phục làng nghề truyền thống; có cơ chế khuyến khích nghệ nhân dân gian truyền dạy nghề, kỹ năng cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ. Bù Đăng sẽ dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort, homestay, hình thành các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch gắn với tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) trong thời gian tới.

Bù Ðăng hiện có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao, thị trấn Ðức Phong đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. 100% đường liên xã đã nhựa hóa; 100% đường liên thôn được cứng hóa. 99% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. 99,85% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Toàn huyện có 33/54 trường đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài phát triển du lịch, một chủ trương được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện trong thời gian tới là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả lĩnh vực. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, huyện phải có sự bứt phá mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, trong đó cần xây dựng và thí điểm mô hình nông nghiệp số gắn với thương mại, du lịch ở một số đơn vị, địa phương.

Bù Đăng có đường giáp ranh với 5 huyện của 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai, là cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực Đông, Tây Nam Bộ nên chúng tôi luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp các lực lượng vũ trang giữ vững quốc phòng - an ninh. Tích cực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để chủ động nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó kịp thời giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”.

PV: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có ý nghĩa như thế nào trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thưa ông?

Tháng 7-1988, huyện Bù Ðăng được tái lập trên cơ sở chia tách từ huyện Phước Long với 7 đơn vị hành chính cấp xã. Quy mô dân số 29.000 người. Toàn huyện lúc bấy giờ có 378 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 23 cơ sở đảng trực thuộc. Ðến nay, Bù Ðăng có 16 đơn vị hành chính xã, thị trấn; quy mô dân số 150.000 người với 31 thành phần dân tộc. Toàn huyện hiện có hơn 4.300 đảng viên đang sinh hoạt ở 63 tổ chức cơ sở đảng.

Để đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ huyện Bù Đăng luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. 50 năm qua, chúng tôi luôn giữ vững khối đoàn kết thống nhất, mở rộng dân chủ, thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân; đồng thời phát huy trí tuệ tập thể, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ trên tất cả lĩnh vực. Thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới công tác quản lý, điều hành gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, cơ quan nhà nước theo phương châm mỗi tổ chức, mỗi cá nhân trong lòng luôn có Đảng, có nhân dân, có trách nhiệm, có pháp luật để phụng sự nhân dân, đồng hành cùng tỉnh, cùng cả nước chuyển mình trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, thịnh vượng và văn minh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ðông Kiểm (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166445/moi-to-chuc-ca-nhan-trong-long-phai-luon-co-dang-co-nhan-dan-co-trach-nhiem