Tự hào 'Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam'

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định số 1962/QÐ-UBND, ngày 8/10/2024, xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với 'Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam'. Di tích tọa lạc tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Tại nơi đây, trong những ngày tập kết năm 1954, đã diễn ra sự kiện lịch sử xúc động, thể hiện tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ.

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết (ngày 20/7/1954), nội dung là đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Ðông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Ðông Dương.

Theo Hiệp định Giơnevơ, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ". Quân đội Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Ðộ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định. Ðịa điểm tập kết và chuyển quân ở Nam Bộ được chọn tại ba khu vực: Hàm Tân (Xuyên Mộc), Cao Lãnh (Ðồng Tháp) và Cà Mau.

Cà Mau là khu tập kết 200 ngày của lực lượng kháng chiến Tây Nam Bộ, gồm cả vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như: thị trấn Cà Mau, Tắc Vân, Giá Rai, Hòa Bình và một số chợ khác. Thực hiện theo các quy định về thời gian tập kết, từ ngày 22/1 đến 8/2/1955, tàu viễn dương Kilinski của Ba Lan, các tàu Stavropol, Arkhangles... của Liên Xô đã đưa hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, học sinh... được lựa chọn đi tập kết ra miền Bắc.

Trong thời gian diễn ra sự kiện tập kết, có nhiều câu chuyện cảm động được viết lên bằng tấm lòng của người Cà Mau đối với Ðảng, với Bác Hồ, mà trong đó tiêu biểu là câu chuyện má Lê Thị Sảnh ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Má Lê Thị Sảnh (còn gọi là má Tư Tố) lúc đó tham gia công tác Hội Phụ nữ cứu quốc xã Trí Phải, đã kêu con gái là Ðỗ Thị Bảy đi xin cây vú sữa từ vườn nhà ông Năm Ðương (cách đó khoảng 2 km); cây vú sữa cao khoảng 20 cm, được mang về ươm trồng để gửi tặng Bác Hồ.

Phác thảo Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam.

Phác thảo Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam.

Tại cuộc mít tinh tiễn Ðại đội Pháo binh 370 (Tiểu đoàn 307) ra miền Bắc tập kết ở kênh Ranh Hạt, Ấp 10, xã Trí Phải, má Lê Thị Sảnh bước lên khán đài ân cần trao cây vú sữa cho đồng chí Ðại đội trưởng Nguyễn Trung Kiên (Ba Kiên), và căn dặn, Nhân dân xin tặng Bác Hồ cây vú sữa như lời hứa hẹn với Bác rằng: Ðồng bào miền Nam, Nhân dân xã Trí Phải luôn luôn giữ vẹn lòng chung thủy son sắt với sự nghiệp cách mạng do Bác lãnh đạo, nguyện vượt mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trên con tàu Kilinski (Ba Lan) chuyển quân tập kết ra miền Bắc, cây vú sữa được chăm nom rất cẩn thận, cây vẫn xanh tốt khi chuyến tàu cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Theo các tài liệu, ngày 26/2/1955, trong dịp tết Ất Mùi, ông Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, đã mang cây vú sữa thay mặt đồng bào miền Nam kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng Tổ quốc gửi tặng Người. Sau đó, cây vú sữa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng ngay bên cạnh nhà sàn ở Phủ Chủ tịch. Cây vú sữa được Bác Hồ trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở những năm đầu tiên trong khu Phủ Chủ tịch. Cây vú sữa vốn là loài cây ưa khí hậu nóng ở miền Nam và ít chịu được lạnh ở miền Bắc, do vậy, thời gian đầu mới trồng, cây rất khó chăm sóc. Hằng ngày, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cho cây. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi bị ngã.

Từ tháng 5/1958, Bác Hồ chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa về trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn, dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hằng ngày, làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người. Cùng với các loài cây trong vườn Bác, cây vú sữa đã gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc trong khu Phủ Chủ tịch. Cây vú sữa mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc, gần với quê hương đất nước, gần với công việc, cuộc sống hằng ngày, trở thành biểu tượng tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam ruột thịt.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) giao cho Bảo tàng tỉnh ra Hà Nội xin giống cây vú sữa ở nhà sàn Bác Hồ do má Lê Thị Sảnh gửi biếu Bác về trồng lại trên mảnh đất quê hương. Ngày 19/5/1990, cây vú sữa được chuyển về đến huyện Thới Bình và được trồng trong khuôn viên Phủ Thờ Bác (ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) đến ngày nay.

Phủ Thờ Bác tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, nơi trồng cây vú sữa được chiết cành từ nhà sàn Bác Hồ - Hà Nội.

Phủ Thờ Bác tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, nơi trồng cây vú sữa được chiết cành từ nhà sàn Bác Hồ - Hà Nội.

Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập, đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Liên quan đến sự kiện tập kết, đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 1 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam” và 3 địa điểm được xếp hạng di tích quốc gia thuộc Di tích “Các địa điểm thuộc xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955)”, bao gồm: Ðịa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau, số 41, đường Phan Ðình Phùng, Khóm 1, Phường 2, TP Cà Mau; Ðịa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (bờ Bắc Sông Ðốc); Ðịa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Ðốc, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời./.

Huỳnh Thăng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tu-hao-bia-ky-niem-bac-ho-voi-cay-vu-sua-mien-nam--a34947.html