Tự hào 'cây tre Việt Nam'
Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc đã minh chứng ngoại giao là một trong số những thế mạnh vượt trội của Việt Nam, góp phần quan trọng giúp chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. Ảnh tư liệu
(baophutho.vn) - Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc đã minh chứng ngoại giao là một trong số những thế mạnh vượt trội của Việt Nam, góp phần quan trọng giúp chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đặc biệt, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo. Như lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ mới được thành lập phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do “thù trong, giặc ngoài” âm mưu chống phá thành quả cách mạng. Trong thời điểm vận nước ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng ra đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, và Người đã thể hiện là nhà ngoại giao kiệt xuất, sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên nền tảng tư tưởng ngoại giao đặc sắc - tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh. Nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" cùng sự vận dụng nhuần nhuyễn "năm cái biết" (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), là khả năng tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ, là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Vận dụng sáng tạo những giá trị văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh, 76 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.
Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đã và đang đóng góp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng... Đặc biệt, hai năm gần đây, các hoạt động “ngoại giao COVID”, chia sẻ vật tư y tế, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với nhiều nước trên thế giới thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn của văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong ngoại giao Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chiến lược “ngoại giao” vắc xin thời gian qua đã mang tới những kết quả tích cực cho công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
- Lô vắc xin của Cuba chuyển về Việt Nam sau chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Ảnh: QĐND
Điểm lại quá trình xây dựng và phát triển của đối ngoại trong lịch sử đất nước, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là ngoại giao cây tre Việt Nam”. Đồng chí Tổng Bí thư phân tích cây tre có đặc tính “mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường”, “măng mọc thẳng, gốc vững chắc, cành uyển chuyển, tre vươn lên thành khóm, thành bụi, khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt”. Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Điều này nói lên nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt…”.
Lập luận sắc bén với hình ảnh sinh động của đồng chí Tổng Bí thư là sự tiếp nối, phát huy giá trị nội hàm cốt lõi trong văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới. Ứng xử trong một thế giới đang biến động nhanh, khó dự báo với những thách thức và cơ hội chưa từng có, văn hóa ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” sẽ là nền tảng, hành trang để ngành Đối ngoại với các “binh chủng”: Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh phát huy vai trò mặt trận tiên phong, góp phần quan trọng củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202112/tu-hao-%E2%80%9Ccay-tre-viet-nam%E2%80%9D-181756