Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)
Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Cuộc nổi dậy vì chính nghĩa
Theo cuốn Tỉnh Mường Hòa Bình, Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, người xóm Đễnh thuộc Giáp Thượng, xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn, xuất thân trong gia đình thuần nông nhưng được gia đình cho ăn học nên cụ có nhiều hiểu biết về thời cuộc. Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên tỉnh Hòa Bình, cụ Nguyễn Văn Kiêm tham gia vào bộ máy chính quyền của Pháp. Cụ làm tới chức Chánh Tổng của Tổng Mông Hóa nên được gọi là Tổng Kiêm. Trước đó, cụ từng giữ chức lãnh binh trong cuộc khởi nghĩa Sông Đà do Đốc Ngữ lãnh đạo. Cụ Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nguyên, quê ở xóm Dụ, xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn. Cụ Đốc Bang sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cũng như cụ Tổng Kiêm, cụ Đốc Bang được chính quyền phong kiến và thực dân Pháp tin dùng và cho tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương, cụ làm đến chức Đề đốc nên gọi là Đốc Bang. Mặc dù phục vụ trong chính quyền phong kiến nhưng hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang đã sớm tiếp cận với những phong trào khởi nghĩa do các chí sĩ yêu nước khởi xướng. Năm 1907, Tổng Kiêm và Quách Hợp, Đinh Công Nghiêm gia nhập phường hội do Đinh Siêu Quần tổ chức, được Ông Ích Bình - còn gọi là Ấm Bình giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng nghĩa binh trong đồng bào Mường tại các châu Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn để sẵn sàng phối hợp với Yên Thế khi đại sự nổ ra, phối hợp với Đinh Công Nghiêm lập tại vùng Rừng Ngang một cơ sở hậu cần và trú quân.
Đúng lúc đó, tại Mông Hóa xảy ra sự kiện viên quang lang Đinh Công Nhung trắng trợn cướp 8 mẫu đất công và ra sức nhũng nhiễu dân chúng. Tháng 1/1907, Tổng Kiêm đứng đơn gửi Thống sứ Bắc Kỳ, toàn quyền Đông Dương tố cáo sự cưỡng đoạt trắng trợn của Đinh Công Nhung. Được nhà cầm quyền Pháp che chở, Đinh Công Nhung càng ngạo nghễ, và hung hãn quay lại khủng bố dân làng, tìm bắt Tổng Kiêm và Đốc Bang - lúc này đang là lý trưởng Mông Hóa, người luôn sát cánh với dân làng. Không bắt được 2 cụ, viên quan lang bắt người nhà, đầy tớ, trâu ngựa của 2 cụ, trong đó có cả phụ thân của lý trưởng Mông Hóa bị trói vào bè cho trôi sống đến chết.
Sự khủng bố trả thù của Đinh Công Nhung đã thổi bùng lên ngọn lửa căm giận đối với nhân dân địa phương. Đúng vào lúc ấy, căn cứ Yên Thế bị quân Pháp tấn công dữ dội đang cần được chia lửa. Trước tình hình đó, ngày 15/4/1909, tại núi Viên Nam, Tổng Kiêm cùng với Đốc Bang làm lễ tế cờ, phát động dân chúng đứng dậy khởi nghĩa với khẩu hiệu "Nam Sơn Hoàng Bà, khởi nghĩa Bình Tây, độc lập chính phủ". Tổng Kiêm đã tìm cách móc nối với thủ lĩnh Nguyễn Đạt ở Hà Nam, thủ lĩnh Nguyễn Xuân Sơn ở Bắc Ninh phô trương thanh thế để hướng sự chú ý của kẻ thù ra khỏi Yên Thế.
Sau khi phất cờ, tụ nghĩa, đêm ngày 2 rạng 3/8/1909, Tổng Kiêm - Đốc Bang đã lãnh đạo nghĩa quân thực hiện trận đánh chiếm tỉnh lỵ đầu tiên và cũng là duy nhất trong các cuộc khởi nghĩa của các dân tộc miền núi nhanh chóng giành thắng lợi, gây được tiếng vang lớn. Sau khi chiếm được tỉnh lỵ Hòa Bình, thực dân Pháp đưa quân lên đàn áp, nghĩa quân tiếp tục vận động nhân dân trong vùng đứng lên đánh đuổi thực dân và bọn tay sai. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 9 tháng, Tổng Kiêm được nghĩa quân suy tôn là Chánh thống tướng. Đến ngày 13/1/1910, Tổng Kiêm bị bắt, bị kết án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Đốc bang bị bị thực dân Pháp bắt kết án 20 năm tù và bị đày ở Lạng Sơn.
Tự hào truyền thống cách mạng
Với ý nghĩa lịch sử trọng đại, hiện nay, UBND tỉnh đã quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với khu căn cứ khởi nghĩa chống Pháp Tổng Kiêm - Đốc Bang tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Đồng chí Nguyễn Thái Hòa, Trưởng Phòng VH -TT TP Hòa Bình cho biết: Mặc dù cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã trở thành mốc son, đánh dấu sự nối tiếp phong trào đấu tranh vũ trang của các dân tộc miền núi đầu thế kỷ XX; thể hiện sự anh dũng, kiên cường, mưu trí của các nghĩa quân, chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất, lòng hy sinh dũng cảm, ý chí chiến đấu của đồng bào Mường chống lại chế độ thống trị của thực dân Pháp khi chưa có Đảng lãnh đạo.
Tự hào với truyền thống cách mạng, đồng chí Nguyễn Xuân Phục, Chủ tịch UBND xã Mông Hóa chia sẻt: Sau khi di tích được chính thức công nhận, là một người con của mảnh đất cách mạng, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc để lớp thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang.
Hiện nay, cụ Tổng Kiêm được ông Nguyễn Văn Khiên, ở xóm Ao Trạch, xã Mông Hóa, hậu duệ đời thứ 4, chắt nội của Tổng Kiêm thờ cúng. Gia đình ông Khiên hiện lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến cuộc khởi nghĩa của hai cụ Tổng Kiêm – Đốc Bang, cũng như hiện vật của cụ thường dùng khi còn sống. Ông Khiên tâm sự: Lịch sử đã được công nhận, gia đình tôi từ trước tới nay luôn trân trọng gìn giữ những kỷ vật của cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang. Gia đình luôn giáo dục con cháu trong dòng họ biết và tự hào về quá khứ, về lịch sử cha ông. Từ đó, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chấp hành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền.
Cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910 diễn ra khi chưa có Đảng lãnh đạo, đã thể hiện được tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của đồng bào các dân tộc Mường đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của 2 cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang. Đây thực sự là niềm tự hào không chỉ riêng đối với con cháu các cụ mà của cả Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.