Tự hào góp phần giải phóng miền Nam

Năm 1963, người thanh niên trẻ Nguyễn Huy Tưởng, quê ở Thanh Oai (Hà Nội) 23 tuổi xung phong đi bộ đội, được huấn luyện và biên chế tại Đại đội 10, Tiểu đoàn 15 pháo cao xạ, chiến đấu tại địa bàn Quân khu 4. Đến cuối năm 1966, đơn vị đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ.

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Tưởng (người ngồi bên phải)

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Tưởng (người ngồi bên phải)

kể về những chiến công bắn rơi máy bay Mỹ.

Đầu năm 1968, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, đơn vị của ông Tưởng đã di chuyển về phía Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Trận địa không ngày nào ngớt tiếng bom đạn của không quân và hải quân Mỹ tập kích. Ông Tưởng cùng đồng đội suốt ngày đêm căng mình trực chiến. Với kinh nghiệm là Tiểu đội trưởng pháo phòng không tham gia chiến đấu ở chiến trường nhiều năm, ông Tưởng luôn phát hiện được mục tiêu từ xa, góp phần rất lớn cho đơn vị lập công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Quân khu 4.

Mùa thu năm 1968, giặc Mỹ đã hạn chế ném bom miền Bắc, ông Tưởng và các đồng đội lại hành quân theo đường 21, 22 tiến về Tây Trường Sơn. Ông Tưởng bồi hồi nhớ lại: Khi đó, đoàn xe pháo được ngụy trang kín cành cây để hành quân. Chúng tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ vào chiến trường sâu hơn, xa hơn để tiêu diệt kẻ thù, góp phần sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dọc đường hành quân, chúng tôi gặp nhiều thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến và bộ đội đủ các quân chủng, ai cũng khí thế sục sôi phục vụ chiến trường. Vài ngày sau, chúng tôi được lệnh tạm biệt Tổ quốc, hành quân sang chiến đấu giúp nước bạn Lào cũng đang bị đế quốc Mỹ đánh phá. Xe pháo cứ rì rầm đi qua Bãi Dinh, rồi khu vực đồn Cha Lo. Phía bên kia là dãy núi Phù Ác kéo dài thăm thẳm, trong ánh trăng mờ đầu mùa khô và ánh sáng vàng nhạt của đèn dù Mỹ thả phía xa xa. Đang từ từ tiến vào cửa rừng, bỗng xuất hiện 1 chiếc máy bay của Mỹ chặn đánh. Lúc đó, tất cả sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi chưa kịp bắn thì chiếc máy bay địch đã nhả đạn xuống xối xả. Trong lúc chiến đấu, một đồng đội của chúng tôi là anh Nguyễn Huy Hiệu, quê ở Ứng Hòa (Hà Tây cũ) đã trúng đạn và hy sinh. Chúng tôi nổ súng quần nhau với máy bay địch đến tận sáng để trả thù cho đồng đội và bảo vệ các xe hàng nối đuôi nhau đi về phía trước.

Sau trận chiến ác liệt đó, ông Tưởng cùng đồng đội tiếp tục tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận và lập nhiều chiến công. Đến năm 1971, trong một trận đánh, ông Tưởng bị sức ép của bom và được phục viên trở về địa phương. Do đã lập nhiều chiến công xuất sắc, Đại đội 10 của ông Tưởng và Tiểu đoàn 15 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, ông Nguyễn Huy Tưởng đang sinh sống ở xã Hát Lót (Mai Sơn). Ông Tưởng luôn tự hào về những chiến công của mình và các đồng đội đã đóng góp cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

(Ghi theo lời kể của Cựu chiến binh Nguyễn Huy Tưởng, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn)

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tu-hao-gop-phan-giai-phong-mien-nam-30824