Tự hào là lính nuôi quân

'Trên vai tôi gánh bao rau xanh/ Cà chua, bí đao với lại cả su hào/ Thật tự hào khi gặp người nhà/ Lòng rộn ràng hát một bài ca...'.

Ông Mai Xuân Vẻ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) không thể nào quên những bữa cơm dọc đường hành quân dù đơn sơ, đạm bạc nhưng thấm đẫm tình đồng đội

Ông Mai Xuân Vẻ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) không thể nào quên những bữa cơm dọc đường hành quân dù đơn sơ, đạm bạc nhưng thấm đẫm tình đồng đội

Những giai điệu tươi vui, dí dỏm trong bài hát "Tôi là Lê Anh Nuôi" của nhạc sĩ Đàm Thanh phần nào phác họa nên hình ảnh người chiến sĩ nuôi quân trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Lời bài hát "Tôi là Lê Anh Nuôi" được ông Mai Xuân Vẻ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) thuộc nằm lòng. Mỗi khi hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu, ông lại ngâm nga vài ba câu hát. Đầu năm 1974, ông Vẻ cùng các đồng đội thuộc Tiểu đoàn 680, Trung đoàn 2 hành quân vào chiến trường. Dọc đường hành quân đầy gian truân, vất vả, ông có nhiệm vụ hậu cầu, nấu ăn cho các cán bộ, chiến sĩ. Ông Vẻ vẫn ghi nhớ mãi câu nói của Bác Hồ: "Thực túc, binh cường", bộ đội có ăn uống đầy đủ mới có sức để chiến đấu, đánh thắng kẻ thù. Bởi thế, người anh nuôi phải nhanh nhẹn, nêu cao tinh thần trách nhiệm để phục vụ cán bộ, chiến sĩ.

Khi ấy, dọc đường Trường Sơn, máy bay Mỹ vẫn còn đánh phá. Thực hiện phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", khi dừng nghỉ trên chặng đường hành quân để nấu ăn, ông Vẻ phải nhanh chóng đào bếp Hoàng Cầm để bảo đảm an toàn, bí mật. Loại bếp này nhằm làm loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn để tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Trong lúc ông Vẻ đào bếp, những đồng đội khác tỏa đi tìm kiếm rau, củ, quả rừng. Khi ấy những loại rau rừng thường được kiếm là rau tàu bay, môn thục, củ mài... Khi ông Vẻ cùng đồng đội sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, có đợt thiếu muối 3 ngày, ông cùng mọi người trong đơn vị phải đốt cỏ tranh để lấy tro thay muối. Những khi thiếu nước uống, ông cùng đồng đội phải tìm và chặt những thân cây mọng nước, sau đó lấy nước chảy ra từ thân cây để tạm quên đi cơn khát đang khô rát trong cổ họng.

Cũng vào đầu năm 1974, ông Cao Xuân Mến ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) lên đường nhập ngũ, sau đó chiến đấu tại Trung đoàn 20 (Quân khu 9) ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Ông Mến có nhiệm vụ nấu cơm và tiếp tế cho đồng đội. Để tránh bị địch phát hiện, việc đi chợ, mua thức ăn phải nhờ tới người dân trong xóm ấp, sau đó chế biến và chèo xuồng ba lá đem cơm tiếp tế cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ chiến đấu. Chặng đường sông dài 3-4 km có thể gặp nguy hiểm bất cứ khi nào nếu bị địch phát hiện. Có lần pháo kích làm lật xuồng, ông và đồng đội may mắn thoát chết phải lội bộ, quay trở lại xóm ấp của người dân.

Không nguy hiểm như thời chiến, thế nhưng công việc của những người lính nuôi quân trong giai đoạn hiện nay cũng đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm cao, có nhiệt huyết, yêu và gắn bó với công việc. Đại úy Đỗ Văn Hồi, Bếp trưởng bếp ăn cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, bếp ăn có khoảng 10 người phục vụ hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của đơn vị. Thực đơn được xây dựng để các món ăn vừa bảo đảm chất lượng, đủ dinh dưỡng và thường xuyên được thay đổi để tránh nhàm chán. "Chúng tôi coi đây là công việc làm dâu trăm họ bởi mỗi người có khẩu vị, sở thích khác nhau, thế nên việc chế biến món ăn sao cho hài hòa, vừa vặn, để cơm dẻo canh ngọt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giúp cán bộ, chiến sĩ có đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ là chuyện tưởng dễ nhưng thực ra không hề đơn giản", anh Hồi chia sẻ.

Ngoài những kiến thức được đào tạo qua trường lớp, người anh nuôi tâm niệm, nấu ăn cho đồng đội như nấu cho những người thân, để sao cho bữa ăn ở đơn vị cũng đầm ấm như bữa cơm gia đình.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/tu-hao-la-linh-nuoi-quan-202257