Tự hào là người lính lái xe tăng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Ngôi nhà của cựu chiến binh (CCB) Trần Bình Yên nằm ẩn mình giữa mầu xanh của cây trái nơi vùng núi Ba Sao (Kim Bảng). Gần 50 năm trước, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, CCB Trần Bình Yên là người lính lái chiếc xe tăng T54B - 846 có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử của dân tộc - trưa ngày 30/4/1975. Thời gian trôi nhanh, từ chàng trai tuổi đôi mươi ngày ấy, nay CCB Trần Bình Yên đã bước sang tuổi 71. Tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ký ức đầy tự hào về những năm tháng tuổi xuân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử luôn đậm sâu trong ký ức người lính lái xe tăng năm nào.

Theo lời kể của CCB Trần Bình Yên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 12/1972 ông lên đường nhập ngũ, vào Trung đoàn 207. Sau khoảng một năm tham gia huấn luyện lái xe tăng tại Trung đoàn 207 (ở Vĩnh Phú), cuối năm 1973 ông được chuyển về Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, sau đó cùng đơn vị hành quân vào Quảng Trị. Vào tới Quảng Trị, ông được nhận xe tăng T54B - 846 và đã lái chiếc xe tăng này trong suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trú quân tại A Sầu, A Lưới (thuộc Thừa Thiên Huế) một thời gian, đầu năm 1975, đơn vị của ông được lệnh hành quân từ A Sầu, A Lưới theo đường Trường Sơn (đường 14B) đánh ra Đà Nẵng, cùng đội hình của Lữ đoàn 203 tiến về Sài Gòn.

CCB Trần Bình Yên (thứ 3 từ phải sang) tại buổi gặp mặt CCB Tiểu đoàn 512 anh hùng. Ảnh: Thanh Châu

CCB Trần Bình Yên (thứ 3 từ phải sang) tại buổi gặp mặt CCB Tiểu đoàn 512 anh hùng. Ảnh: Thanh Châu

CCB Trần Bình Yên nhớ lại: Chiều ngày 29/4/1975, sau nhiều trận đánh ác liệt, đơn vị củng cố lại lực lượng sẵn có, sáp nhập Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 và Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 thành một Đại đội. Đại đội được Chính ủy Bùi Văn Tùng giao nhiệm vụ là mũi thọc sâu tiến đánh Dinh Độc Lập. Đồng chí Bùi Quang Thận là đại đội trưởng, trưởng xe 843; đồng chí Vũ Đăng Toàn, chính trị viên, trưởng xe 390; đồng chí Nguyễn Quang Hòa, đại đội phó, trưởng xe 846... 23 giờ đêm ngày 29/4/1975, đơn vị vượt qua cầu sông Buông (cây cầu này khi rút quân địch đã đánh sập từ buổi trưa nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta. Tuy nhiên, lực lượng công binh của ta đã nhanh chóng khôi phục), đến ngã ba cầu Long Bình (ngã ba Tổng kho Long Bình) chốt giữ ở đó. Khoảng 5 giờ sáng ngày 30/4/1975 đơn vị được lệnh vượt cầu Long Bình đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Để ngăn cản bước tiến của quân ta, địch dùng 2 xe thiết giáp (M113 của Mỹ) và 1 xe vận tải (GMC) vũ khí, đạn dược chặn đánh trên cầu. Đơn vị trinh sát đi đầu của ta đã tiêu diệt được 2 xe thiết giáp. Sau đó, toàn bộ đơn vị vượt qua cầu Long Bình tiến thẳng về cầu Rạch Chiếc. Ở cầu Rạch Chiếc, đơn vị tiêu diệt được một xe tăng, phá được lô cốt của địch ở trên cầu, tiếp đó tiến thẳng về cầu Sài Gòn. Khoảng 8 rưỡi đến 9 giờ sáng ngày 30/4/1975 đơn vị tới cầu Sài Gòn. Lúc này, xe tăng địch ở trên cầu bắn chặn đội hình xe tăng mũi thọc sâu của ta. Địch bắn cháy 1 xe tăng của ta ở trên cầu, 1 xe tăng của ta bị trúng đạn đứt xích, 2 xe tăng lùi tránh đạn bị sa lầy... Xe tăng 846, 844, 917 của Đại đội 5 tiếp cận cầu Sài Gòn bắn tàu chiến của địch ở dưới sông.

Để ngăn cản bước tiến của quân ta, máy bay địch ào tới ném bom nhằm phá hủy cầu. Tuy nhiên, bom thả đều không trúng mục tiêu mà đều rơi cả xuống sông do máy bay địch bị lực lượng pháo binh của ta và súng phòng không của xe tăng ta bắn trả. Chiến đấu tại cầu Sài Gòn khoảng hơn một tiếng, xe tăng 846 bắn cháy xe tăng M48 của địch, lái xe tăng của địch bị đồng chí Nguyễn Quang Hòa bắt sống. Qua tra hỏi lái xe tăng của địch, ta nắm được thông tin lực lượng địch đã rút về cầu Thị Nghè để phòng thủ. Khi địch rút chạy, xe tăng 866 là xe đầu tiên vượt cầu Sài Gòn, trưởng xe là đồng chí Lê Hùng, quê Phú Thọ; tiếp đến là xe 746, rồi đến xe 843, 390, 846… đi theo nhiều đường khác nhau tiến thẳng về Dinh Độc Lập. Khi tiến vào Dinh Độc Lập, xe 843 đâm vào cổng phụ bên trái, chết máy đứng lại. Xe 390 đâm vào cổng chính chạy thẳng vào trước Dinh Độc Lập đỗ bên phải. 3 xe của Đại đội 5 trong đó có xe 846 chạy vòng sang đậu bên trái Dinh Độc Lập, quay nòng pháo ra ngoài cổng sẵn sàng chiến đấu. Sau khi Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng, xe tăng 846 được phân công ở lại Dinh Độc Lập, những xe còn lại ra cảng Bạch Đằng cùng thực hiện nhiệm vụ trực chiến. Chiều ngày 1/5/1975 xe tăng 846 được lệnh rời Dinh Độc Lập về Tổng kho Long Bình trực chiến tại đó.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Miền Nam được giải phóng, non sông thu về một dải, năm 1980 CCB Trần Bình Yên xuất ngũ trở về địa phương, gắn bó với công việc làm vườn đồi. Cuộc sống khi ấy rất khó khăn. Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", không cam chịu đói nghèo, để nâng cao thu nhập, CCB Trần Bình Yên đã mạnh đưa cây na, cây rau sắng là những cây đem lại hiệu quả kinh tế cao vào trồng ở vườn đồi, thay cây sắn, cây ngô... Nhờ vậy, cuộc sống từng bước dần ổn định, ngày càng cải thiện, nâng cao.

Thời gian cứ thế trôi qua, năm 2015, những người lính trên chiếc xe tăng T54B – 846 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 gồm: Nguyễn Quang Hòa (trưởng xe); Nguyễn Ngọc Quý (pháo thủ số 1), Nguyễn Bá Tứ (pháo thủ số 2), Trần Bình Yên (lái xe) cùng một số anh em trong đơn vị may mắn được kết nối và có buổi gặp mặt thân mật. Sau hàng chục năm xa cách, ngày gặp lại, anh em ai cũng vui mừng, xúc động. Những chàng trai trẻ, khỏe, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm nào nay tóc đều đã điểm bạc. CCB Trần Bình Yên chia sẻ: Với chúng tôi, tình đồng chí, đồng đội là tình cảm hết sức thiêng liêng, cao quý. May mắn kết nối được với nhau, từ đó tới nay, chúng tôi duy trì gặp mặt hằng năm, tại nhà của từng người. Vừa qua, tôi được mời tham dự buổi gặp mặt CCB Tiểu đoàn 512 anh hùng tại Hà Nội. Trong buổi gặp mặt, đồng chí, đồng đội ai cũng tay bắt, mặt mừng, vui và xúc động lắm. Sau khi ôn lại truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của đơn vị anh hùng, mọi người không quên hỏi thăm, động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích, luôn giữ vững và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong giai đoạn cách mạng mới.

Thời gian trôi nhanh, tuổi đã cao, sức đã yếu, giờ có chuyện nhớ, chuyện quên, nhưng CCB Trần Bình Yên luôn khắc ghi và tự hào mình từng là người lính lái xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/tu-hao-la-nguoi-linh-lai-xe-tang-trong-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-142672.html