Tự hào mặc trang phục dân tộc Mường
Đó là khẳng định của nhiều người khi chúng tôi hỏi về niềm tự hào được mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường trong những ngày trọng đại, dịp lễ, Tết hay ngày hội lớn ở các vùng Mường. Trang phục truyền thống dân tộc Mường có vẻ đẹp duyên dáng, tinh tế, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc nối liền từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Đó là khẳng định của nhiều người khi chúng tôi hỏi về niềm tự hào được mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường trong những ngày trọng đại, dịp lễ, Tết hay ngày hội lớn ở các vùng Mường. Trang phục truyền thống dân tộc Mường có vẻ đẹp duyên dáng, tinh tế, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc nối liền từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Tự hào trang phục quê hương
Những phụ nữ Mường khi diện trang phục truyền thống gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng cảm thấy tự tin, uyển chuyển hơn. Mỗi chi tiết trên trang phục không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà còn cho thấy sự khéo léo của người phụ nữ. Những cô gái Mường mặc trên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa khoe sắc giữa đại ngàn. Có lẽ chính những điều này khiến phụ nữ Mường luôn tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc.
Gặp chị Bùi Thị Trinh, xóm Má 2, xã Bắc Phong (Cao Phong) trong ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư năm 2023. Cùng chị em trong xóm, chị Trinh xúng xính trong bộ trang phục truyền thống chia sẻ: Với người Mường ngày xưa thì đây là trang phục mặc thường ngày, nhưng nay chị em hay mặc vào dịp lễ, hội. Dù đi đâu, khi có việc trọng đại, tôi rất tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tỉnh tổ chức vào tháng 1/2023 đã quy tụ 4 Mường: Bi - Vang - Thàng - Động hội tụ. Hàng nghìn chị em dù là nghệ nhân đánh chiêng, biểu diễn văn nghệ hay người dân đều rực rỡ sắc màu trong trang phục dân tộc Mường. Bà Đinh Thị Ỉm, người dân huyện Lạc Sơn tham gia lễ hội cho biết: Trong gia đình người Mường, mỗi thành viên (từ trẻ con đến người già) đều có từ 1 - 2 bộ trang phục truyền thống để mặc vào dịp lễ, Tết, cưới xin. Trong lễ cưới truyền thống của người Mường, cô dâu vẫn phải khoác trên người bộ trang phục dân tộc. Ở nơi tôi sinh sống, một số nghệ nhân rất tích cực trong việc trao truyền các nét văn hóa truyền thống, góp phần bảo lưu trang phục và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của dân tộc Mường cho con cháu và coi đó là di sản văn hóa đặc trưng, độc đáo của dân tộc, cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống hiện nay.
Độc đáo hoa văn đất Mường
Là người con sinh ra và lớn lên ở Mường Bi, bà Bùi Thị Mỉa, Phó Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm truyền thống và dịch vụ tổng hợp xã Đông Lai (Tân Lạc) từ nhỏ đã được bà, mẹ dạy dệt thổ cẩm và luôn tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình. Từ một làng nghề nhỏ thu hút nhóm chị em có cùng đam mê, sở thích dệt thổ cẩm, HTX chính thức được thành lập đầu năm 2023 với 55 thành viên. Cùng với đa dạng thể loại, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm chủ yếu của HTX vẫn là các loại cạp váy trong bộ trang phục của dân tộc Mường.
Bà Mỉa giới thiệu: Về tổng thể, trang phục của phụ nữ Mường gồm có chiếc khăn trắng thắt trên đầu, người Mường gọi là bít trôốc (hoặc mũ) áo ngắn (áo pắn), yếm, váy với hai phần chính là cạp váy và chân váy. Áo của gái Mường thường đến chấm eo lưng hoặc áo chùng (dài tới đầu gối, phía dưới hơi xòe rộng, thường được mặc trong các dịp đặc biệt) có màu sắc sáng, xẻ ngực và tay áo dài. Màu sắc áo thường thấy sẽ là màu trắng, ngoài ra có vàng, hồng, xanh, đỏ, tím nhã nhặn. Có thể mặc khoác ngoài với áo yếm, để lộ những chiếc yếm được làm bằng thổ cẩm nhiều màu sắc ở bên trong hoặc cài lại bằng cúc thắt nút vải họa tiết rất kín đáo. Chân váy với cạp váy chính là điểm nhấn nổi trội nhất trong toàn bộ trang phục này. Thường cạp váy sẽ là phần nổi bật nhất vì có màu sắc sặc sỡ và thêu dệt công phu. Cạp váy được trang trí với các hoa văn trong dòng nghệ thuật Đông Sơn với các hình học như mặt trời, ngôi sao hay động vật như hươu, gà, công, phượng, rắn, rồng...
Trang phục của nữ cầu kỳ bao nhiêu thì trang phục của nam dân tộc Mường lại đơn giản bấy nhiêu. Họ mặc áo ngắn có cổ tròn và nẹp viền xung quanh. Quần được làm bằng vải mộc thô màu trắng, nâu, chàm hoặc đen, là kiểu quần suông, ống rộng lịch sự. Khi mặc người ta sẽ bắt chéo hai mép cạp dắt vào trong và dùng khăn để thắt lại.
Bảo tồn và đưa trang phục của người Mường trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Để bảo tồn và phát huy giá trị của bộ trang phục truyền thống dân tộc Mường, ngành VH-TT&DL đã chú trọng giải pháp về triển khai đồng bộ các hoạt động bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Sở VH-TT&DL đã tiến hành khảo sát, điền dã thực tế tại các xã của huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy. Qua đó khẳng định di sản văn hóa phi vật thể "Kỹ thuật dệt hoa văn trên cạp váy truyền thống dân tộc Mường ở Hòa Bình” là một di sản văn hóa đặc sắc, tồn tại từ nhiều đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, là chỉ dấu quan trọng mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử… vô cùng to lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh bảo tồn, khai thác và phát huy trang phục truyền thống theo hướng tạo điểm nhấn bằng chính không gian của chủ thể văn hóa về trang phục. Chỉ đạo các địa phương hàng năm khôi phục và tổ chức lễ hội truyền thống, các cuộc thi "Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Mường” và các hoạt động văn hóa, trình diễn nghệ thuật để thu hút du khách. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, các khu, điểm du lịch sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Hỗ trợ các hộ tham gia xây dựng phát triển du lịch cộng đồng ngay tại địa phương; bảo lưu, trưng bày các di sản văn hóa của dân tộc Mường nói chung và di sản văn hóa về trang phục truyền thống nói riêng tại các điểm du lịch cộng đồng. Cho khách tham quan du lịch trải nghiệm các giá trị di sản thông qua việc sử dụng dịch vụ thuê trang phục dân tộc, trải nghiệm nghề dệt và kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mường Hòa Bình. Từ đó, trang phục dân tộc Mường lưu giữ được giá trị truyền thống, trường tồn cùng thời gian.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/186682/tu-hao-mac-trang-phuc-dan-toc-muong.htm