Tự hào người luật sư
Nhằm đảm bảo quyền con người, đồng thời phát huy quyền dân chủ trong chế độ mới, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL về việc thành lập Đoàn thể Luật sư. Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ–TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam.
Dấu ấn đậm nét trong mọi vấn đề xã hội
Ở Việt Nam, hoạt động luật sư đã có từ trước Cách mạng Tháng Tám. Sau khi Cách mạng thành công, chính quyền về tay nhân dân, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10 tháng 10 năm 1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Tiếp theo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 ra đời, khẳng định quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư bào chữa là một trong những quyền quan trọng của bị cáo.
Tinh thần của Hiến pháp 46 và Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn thể luật sư tiếp tục được hiện thực hóa trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Các đạo luật về tố tụng được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ, trong đó có việc tăng cường bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Pháp lệnh tổ chức luật sư được ban hành ngày 18/12/1987 là văn bản pháp lý có ý nghĩa lịch sử trong việc khôi phục nghề luật sư và mở đầu cho quá trình phát triển nghề luật sư ở nước ta. Thực hiện pháp lệnh, chỉ sau gần 10 năm, ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập được Đoàn luật sư. Hoạt động nghề nghiệp luật sư đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc tham gia tố tụng, các luật sư đã từng bước mở rộng hoạt động nghề nghiệp sang lĩnh vực tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Tiếp theo, Pháp lệnh Luật sư 2001, Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) được ban hành đã tạo dựng và tạo hành lang pháp lý cho nghề luật sư phát triển theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, nâng cao vị thế của luật sư, phát triển đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, hoàn chỉnh hệ thống các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc Nhà nước công nhận ngày 10 tháng 10 hàng năm là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam không những mang ý nghĩa lịch sử, mà còn thể hiện mục đích tìm về cội nguồn của nghề luật sư, tôn vinh niềm tự hào nghề nghiệp của đội ngũ luật sư, góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của luật sư và nghề luật sư trong xã hội.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống, giới luật sư có dịp ôn lại và phát huy những truyền thống tốt đẹp, nhân văn của nghề luật sư. Đó là tinh thần phục vụ cộng đồng, phụng sự công lý; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ đó, mỗi luật sư ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm ; tiếp tục phát huy vai trò của người luật sư trong thời kỳ đổi mới đồng thời luôn ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong hơi thở cuộc sống hằng ngày, dấu ấn của luật sư trong mọi vấn đề xã hội cũng là vô cùng đậm nét. Bằng khả năng, hiểu biết và tâm sức của bản thân, các luật sư đã có nhiều ý kiến xác đáng, gây tiếng vang trong xã hội. Hằng ngày, hằng giờ, mọi vấn đề liên quan tới mọi mặt của đời sống được báo chí phản ánh, thông tin cũng được đội ngũ luật sư góp ý kiến phân tích, đánh giá. Chính hoạt động này đã góp phần đấu tranh phòng chống các hành vi sai trái, mặt khác thực hiện chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân.
Sự trỗi dậy và phát triển của nghề luật sư tại Việt Nam cũng có rất nhiều biểu hiện sinh động, đó có thể kế đến như tâm lý của xã hội đối với nghề nghiệp này. Trong những năm gần đây, chúng ta đều nhận thấy nghành luật là nghành thu hút được sự quan tâm và theo học của đông đảo sinh viên. Hiện nay ngành luật cũng được đánh giá là một ngành học rất “hot”, do vậy điểm đầu vào của các trường đại học có đào tạo nghành nghề này có xu hướng tăng đều hằng năm.
Ở góc độ đời sống thì thu nhập của người hành nghề luật sư đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước đây. Những luật sư có chuyên môn, kỹ năng tốt dễ dàng sống được bằng nghề, thậm chí có mức thu nhập cao trong xã hội. Có thể nói, nghề luật sư đang hiện diện, và thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Tâm – Đức người luật sư
Với vị thế và truyền thống vẻ vang của nghề luật sư, mỗi người luật sư chúng ta rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, là một nghề nhận được nhiều sự kỳ vọng của xã hội, do vậy để xứng đáng kỳ vọng đó, mỗi người luật sư không thể quên việc trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp để phát huy truyền thống của nghề luật sư, để hai tiếng “luật sư” luôn là một niềm kiêu hãnh và tự hào.
Người luật sư phải là người thông hiểu pháp luật, hiểu sâu rộng tục lệ, bản sắc văn hóa dân tộc; vô tư không vụ lợi là thước đo lòng nhân ái, đạo đức.
Vinh quang, tự hào thì chắc chắn luôn song hành với sự vất vả, hy sinh, nhất là khi đã đặt chân vào con đường bảo vệ công lý. Do vậy, những người hành nghề luật sư luôn xác định đây là một điều tất yếu để có thể vững tâm với nghề. Sự gian nan, vất vả này âu cũng là một quy luật tất yếu của cuộc đời. Thấu hiểu những hi sinh, trăn trở với nghề, Luật sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp đã cảm khái viết nên bài thơ "Niềm tin công lý", như chút tâm tình, gửi gắm nhân dịp kỷ niệm Ngày Luật sư Việt Nam 10/10:
Một chiều về khi nắng vàng sắp tắt
Sau phiên tòa vừa tuyên
Em hỏi anh: “Sao chọn nghề bào chữa ?
Đã chọn rồi anh có hối hận không?”
Anh trầm ngâm với thời gian lặng lẽ
Tua ngược như những thước phim.
Đời gian truân sống với nghề tâm đức
Để lại trong dân uy tín, tình người.
Cháy ngọn lửa đam mê công lý cuộc đời
Nghề luật sư chính tâm như ánh sáng.
Công lý, nhân dân, cuộc đời, lẽ phải
Là những điều trân quý, em ơi!
Anh ngẩng cao đầu với trái tim kiêu hãnh
Tin vào pháp luật bằng ý chí thượng tôn
Tin sau bão giông cán cân công lý
Sẽ cứu đời cân lại những chơi vơi.
Nước mắt anh rơi sau những giờ xử án.
Em có thấu lòng anh những nỗi đau,
Trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh.
Đạo đức nghề nghiệp anh phải công tâm,
Bảo vệ con người bảo vệ quyền bình đẳng,
Chân lý, tình người hơn cả thắng thua.
Có bao nghề giữa bộn bề cuộc sống
Anh vẫn vững lòng khi chọn Luật sư.
Vì đam mê, vì chân lý sáng trong
Nhiều phận đời nhọc nhằn đắng đót,
Nhiều sân si hơn thua được mất,
Để trước mỗi phiên tòa chất vấn, điều tra…
Những đêm khuya bên ánh đèn vẫn sáng
Hồ sơ vụ án cùng đồng nghiệp miệt mài
Anh quên thời gian, quên cả cái mệt nhoài
Vì thân chủ, vì ngày mai tòa nghị án.
Vì lời thề khắc ghi trong tiềm thức,
Lời Bác dạy như nhắn nhủ lương tri:
Đạo đức, lương tâm, tình người, trách nhiệm.
Khi lẽ đời cần công lý thực thi,
Quyền công tố giữ uy nghiêm pháp luật.
Hạnh phúc nào hơn được thế em ơi!
Sứ mệnh anh bảo vệ quyền con người.
Hãy yêu anh với trái tim nhiệt huyết!
Đời đẹp hơn bởi trách nhiệm công dân.
Mỗi phiên tòa khép lại
Sau tiếng búa vang xa
Là bản án răn đe cái ác,
Là bình yên trở lại với muôn nhà.
Là bao dung, là vị tha hiện hữu,
Gieo niềm tin nhân nghĩa sáng ngời.
Bài thơ như sự chắt lọc, cô đọng những trải nghiệm trong nghề luật sư của tác giả. "Công lý, nhân dân, cuộc đời, lẽ phải/ Là những điều trân quý, em ơi!/ Anh ngẩng cao đầu với trái tim kiêu hãnh/ Tin vào pháp luật bằng ý chí thượng tôn/ Tin sau bão giông cán cân công lý/ Sẽ cứu đời cân lại những chơi vơi".
Sau bão giông sẽ cứu đời cân lại những chơi vơi!, đúng vậy, người luật sư chính là cán cân, không nghiêng lệch bên nào, chỉ thượng tôn pháp luật. Nhưng luật sư, sau những "nóng, lạnh pháp đình, còn đó một trái tim con người. Họ cũng có buồn, vui, day dứt và trăn trở với nghề. Bởi vậy, Đạo đức, lương tâm, tình người, trách nhiệm chính là "tôn chỉ" mà mỗi luật sư cần hướng tới. Bài thơ đã khắc họa đầy đủ tâm, tầm, trí, chí công vô tư của người luật sư.
Có lẽ bởi sự đồng cảm, trân trọng với nghề luật sư, ngay sau khi bài thơ ra đời, nhạc sĩ Giáng Son đã phổ nhạc tác phẩm trên với tên gọi "Tâm đức người luật sư". Bài hát sau khi ra đời đã nhận được sự quan tâm của không chỉ giới luật sư mà cả những độc giả yêu thơ, mến nhạc.
Được biết, Luật sư Phạm Hồng Điệp đã có nhiều nghiên cứu, phổ biến kiến thức pháp luật về kinh doanh trong các lĩnh vực như: đầu tư, bất động sản, kinh doanh hạ tầng, khu công nghiệp...
Ông luôn tâm niệm lấy việc bảo vệ công lý, lẽ phải và công bằng làm mục tiêu, lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động. Mỗi ngày ông luôn dành 3- 4 giờ để đọc sách báo, trau dồi học tập kiến thức pháp lý, nâng cao trình độ ngoại ngữ, học hỏi kinh nghiệm qua đồng nghiệp. Ông trăn trở việc Việt Nam gia nhập WTO tạo ra cho luật sự nhiều thuận lợi, cơ hội, điều kiện để phát huy trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi luật sư phải có bản lĩnh vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, nâng cao và đổi mới về kỹ năng hành nghề, để bắt kịp những yêu cầu của tiến trình đổi mới hội nhập đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Chúng ta vui mừng biết bao khi một người được minh oan, thả tự do nhờ sự giúp sức của các Luật sư…. Chúng ta hân hoan khi tư vấn cho thân chủ gỡ rối được vấn đề doanh nghiệp, tổ chức đang gặp phải. Chúng ta thở phào nhẹ nhõm khi các vụ án kinh tế, hành chính, dân sự được kết thúc trong êm đẹp…. Nhưng, một điều không thể không thừa nhận, đằng sau những vinh quang trong nghề là những nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được hết. Nghề luật sư là những bữa ăn vội, những chuyến công tác đi từ khi trời chưa sáng đến tối mịt, là những ngày miệt mài nghiên cứu hồ sơ tìm phương án giải quyết đến quên ăn quên ngủ, là những trăn trở về nhân tình thế thái xã hội. Nghề luật sư đào tạo đã khó, theo được nghề lại càng khó hơn. Có thể thấy người luật sư như những viên ngọc trong đời, càng mài giũa thì càng tỏa sáng và lấp lánh.
Có thể nói, với những đóng góp lớn về số lượng cũng như về chất lượng đôi với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đội ngũ Luật sư Việt Nam đang không ngừng nâng cao vị thế, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân cả nước.