Tự hào, thành phố tiên phong

LTS-Là đô thị lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu trong công cuộc đổi mới, không ngừng tìm tòi, thử nghiệm những mô hình phát triển tiên phong. Nhân dịp kỷ niệm '50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước', Báo Nhân Dân đăng loạt bài 'Tự hào, thành phố tiên phong' nhằm tái hiện một cách sâu sắc hành trình phát triển của thành phố từ sau năm 1975 đến nay. Mỗi bài viết không chỉ là câu chuyện về sự đổi mới, phát triển kinh tế mà còn là bài ca về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần dấn thân của những con người thành phố mang tên Bác qua từng giai đoạn lịch sử.

Tuyến Metro số 1, đánh dấu sự phát triển hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Tuyến Metro số 1, đánh dấu sự phát triển hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Bài 1: Biểu tượng của ý chí bứt phá, khát vọng vươn lên

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một thành phố, mà còn là biểu tượng của sự đổi thay, của ý chí bứt phá, của khát vọng vươn lên. Ngay từ thuở khai hoang mở cõi, người dân nơi đây đã mang trong mình tinh thần dấn thân, sẵn sàng đương đầu với thử thách để mở ra những con đường mới.

TINH THẦN TIÊN PHONG- MỘT PHẦN VĂN HÓA, MỘT PHẦN CON NGƯỜI THÀNH PHỐ

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, người đã gắn bó với vùng đất Thành phố Hồ Chí Minh hơn 50 năm, chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ nhất của đô thị này. Với bà, tính tiên phong của Thành phố Hồ Chí Minh không đơn thuần là chuyện kinh tế hay chính sách, mà sâu xa hơn, đó là văn hóa, là khí chất con người, là tinh thần không ngại đi trước mở đường.

“Nói về Thành phố Hồ Chí Minh là nói về những con người dám nghĩ, dám làm, không chấp nhận đứng yên. Con người vùng đất này có chất rất riêng: Tháo vát, sáng tạo, chịu thương chịu khó mà cũng rất hào sảng. Sống ở đây, ai cũng cảm nhận được nhịp sống không ngừng chuyển động, không khí lúc nào cũng tràn đầy năng lượng đổi mới”, bà Thảo chia sẻ với ánh mắt rạng rỡ, đầy tự hào.

Theo bà, ngay từ những ngày đầu khai hoang mở cõi, cha ông ta đã dấn thân vào vùng đất này với tinh thần kiên cường, sẵn sàng đương đầu với thử thách để tìm ra lối đi riêng. Và tinh thần ấy vẫn tiếp nối đến tận hôm nay, khi đối diện với khó khăn, người dân thành phố mang tên Bác không chờ đợi sự thay đổi mà họ chính là những người tạo ra sự thay đổi. Tinh thần tiên phong ấy không chỉ là động lực giúp thành phố vươn lên mà còn lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho cả nước. Với khí chất “nói ít, làm nhiều”, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang viết tiếp câu chuyện của một đô thị luôn bứt phá, đi đầu, luôn sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội để phát triển.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào một giai đoạn đầy thử thách. Là trung tâm kinh tế lớn nhất miền nam, thành phố phải nhanh chóng thích nghi với cơ chế kinh tế mới: Kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong khi hệ thống sản xuất và thương mại trước đây bị gián đoạn. Hệ thống phân phối theo tem phiếu khiến nguồn cung hàng hóa càng thêm khan hiếm, trong khi đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại, sau giải phóng, nền kinh tế thành phố rất khó khăn: Nguyên vật liệu cạn kiệt, cách quản lý không phù hợp, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, những cuộc cải cách kinh tế cũ chưa phù hợp đã tác động rất xấu đến quá trình sản xuất, kinh doanh. Giá cả, lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân rất khó khăn.

Trước tình hình đó, lãnh đạo thành phố sớm nhận ra rằng nếu không có những bước đi đột phá, thành phố sẽ không thể vực dậy sản xuất và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của mình. Nghĩ là làm, thành phố đã chủ động tìm kiếm các giải pháp linh hoạt, vượt qua những rào cản của cơ chế để từng bước tháo gỡ khó khăn. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy đang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã mời bà Nguyễn Thị Ráo (tức bà Ba Thi), Giám đốc Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lữ Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương và ông Năm Ấn, Giám đốc Sở Tài chính để bàn việc cứu đói cho dân. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, thời điểm đó, ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các ban, ngành cấp tiền để tổ thu mua lương thực của bà Ba Thi đi Đồng bằng sông Cửu Long mua gạo theo giá thị trường để giúp nhân dân.

Ngoài câu chuyện thu mua lương thực, Thành phố Hồ Chí Minh còn thử nghiệm cơ chế khoán trong nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, Thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn áp dụng khoán sản phẩm-một chính sách cho phép người lao động được hưởng lợi trực tiếp từ năng suất của mình thay vì phụ thuộc vào phân phối tập trung. Điều này đã tạo động lực lớn, giúp sản xuất dần phục hồi, nhất là trong ngành lương thực-thực phẩm.

Cùng với đó, thành phố cũng chủ động đề xuất những biện pháp linh hoạt hơn trong quản lý kinh tế. Mặc dù thời điểm lúc đó, kinh tế tư nhân chưa được công nhận chính thức, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tìm cách nới lỏng một số ràng buộc không cần thiết đối với hoạt động thương mại nhỏ lẻ, giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm hàng hóa. Các hình thức trao đổi hàng hóa ngoài luồng, mặc dù chưa được khuyến khích, vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung thiết yếu cho người dân.

Thành phố tích cực đề xuất các mô hình hợp tác xã sản xuất, tận dụng lại lực lượng lao động dồi dào và tay nghề có sẵn từ trước năm 1975 để khôi phục các ngành công nghiệp thủ công, dịch vụ nhỏ và thương mại. Những sáng kiến này không chỉ giúp Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khủng hoảng mà còn tạo tiền đề cho sự thay đổi tư duy về quản lý kinh tế sau này.

LÁ CỜ ĐẦU THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Nếu năm 1986 đánh dấu bước chuyển mình, đổi mới của nền kinh tế Việt Nam, thì Thành phố Hồ Chí Minh chính là nơi khởi nguồn của sự chuyển mình ấy. Đến năm 1991, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương thành lập khu chế xuất thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương được chọn để thí điểm với việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận. Thí điểm thành công không chỉ mở đường cho việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn cả nước, thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện định chế này trong các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp...

Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là lá cờ đầu trong thu hút đầu tư, mà còn tiên phong trong cải cách hành chính. Mô hình “Một cửa” và sau này được bổ sung thành “Một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính khởi đầu từ sự tìm tòi, sáng tạo của thành phố đã được khẳng định là hướng đi đúng, hiện đang được áp dụng chung cho các cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền trong cả nước.

Thành phố cũng là địa phương được trung ương lựa chọn thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường trên diện rộng. Kết quả thí điểm mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và làm cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố. Phát huy khả năng và tính chủ động, tích cực của mình, thành phố đã và đang triển khai nhiều mô hình thí điểm theo chủ trương chung đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ...

Ngày nay, những dự án trọng điểm như tuyến Metro số 1, khu đô thị sáng tạo phía đông, trung tâm tài chính Thủ Thiêm không chỉ là sự mở rộng về quy mô đô thị, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn xa của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính-thương mại mang tầm vóc quốc tế là một quyết sách chiến lược, giúp thành phố đón đầu dòng vốn đầu tư và kết nối chặt chẽ hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Không chỉ hướng đến phát triển hạ tầng cứng, Thành phố Hồ Chí Minh còn tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và đô thị thông minh. Thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain, thanh toán không dùng tiền mặt và cải cách hành chính bằng nền tảng số. Với tốc độ phát triển này, thành phố đang dần khẳng định vị thế không chỉ là trung tâm kinh tế truyền thống mà còn là “thành phố công nghệ”, nơi hội tụ của tri thức và đổi mới sáng tạo…

Như chia sẻ của nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực: Mọi người cứ hay gọi Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố thí điểm, nhưng theo tôi, đây là thành phố làm những cái mới, mô hình mới và đều thành công…

TÙNG QUANG, TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-hao-thanh-pho-tien-phong-post869135.html