Tự hào vững bước đi lên
Mỗi độ tháng 4 về, trong trái tim người dân Việt Nam lại dâng trào cảm xúc, niềm tự hào dân tộc đã kiên cường đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vũ Hồng Văn khen thưởng các Đảng bộ trực thuộc tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: HUY ANH
Từ chiến tranh tàn khốc, vươn mình phát triển
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Lượng cho biết, tháng 8-1975, ông cùng đoàn cán bộ được Khu ủy miền Đông cử ra Hà Nội dự Lễ Quốc khánh 2-9. Từ trên máy bay nhìn xuống có thể thấy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã tàn phá Tổ quốc ta quá nặng nề. Đất nước ta như một cơ thể bầm giập, trên mình đầy vết sẹo còn rỉ máu... Được dự Quốc khánh 2-9 năm đầu tiên miền Nam giải phóng, đoàn cán bộ Tỉnh ủy Biên Hòa rất tự hào và xúc động.
Nửa thế kỷ đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; tự lực, tự cường, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua bao khó khăn thử thách, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đạt nhiều thành tựu quan trọng và tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 32 trên thế giới. GDP bình quân đầu người tăng gấp 58 lần sau 3 thập kỷ. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới; gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 1,93%.
Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lợi ích quốc gia, dân tộc tiếp tục được bảo vệ vững chắc.
Tiếp nối truyền thống dân tộc
Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng, chúng ta rất đỗi tự hào về quê hương Đồng Nai, một tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, có vị trí trọng yếu ở vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Trang kể, 15 ngày sau giải phóng miền Nam (30-4-1975), đến ngày 15-5-1975, tại Quảng trường tỉnh, Tỉnh ủy Biên Hòa đã làm lễ mít tinh, đồng bào, đồng chí nguyện tiếp nối sự nghiệp cách mạng của ông cha, những người con của quê hương đã hy sinh cho độc lập tự do để vững vàng, kiên định xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, văn minh.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Đồng Nai trong suốt những năm qua, nhiều vùng quê trước đây bị giặc tàn phá, bom cày đạn xới… nay được hồi sinh, trở thành những vùng quê đáng sống, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân, là tiền đề quan trọng để Đồng Nai cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đến đầu năm 1976, các tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy đã thống nhất nhập lại thành một tỉnh, lấy tên là Đồng Nai.
Ở từng thời điểm của đất nước, Đảng bộ Đồng Nai đã đặt ra các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó, tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngay từ những năm 1980, tỉnh đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở một số nước: Cộng hòa dân chủ Đức, Ý, Thái Lan, Singapore… Vì thế, vào năm 1986, Đồng Nai đã có tiếp xúc với Xí nghiệp Vedan của Đài Loan, xin vào đầu tư tại tỉnh. Năm 1991, sau khi được cấp phép đầu tư, doanh nghiệp (DN) này tiến hành thành lập Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam tại xã Phước Thái (huyện Long Thành), trở thành DN nước ngoài đầu tiên đầu tư tại Đồng Nai.
Đến nay, Đồng Nai có hơn 56 ngàn DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước, tổng vốn đầu tư gần 550 ngàn tỷ đồng, có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Hiện nay, Đồng Nai đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 38 địa phương của một số nước trên thế giới; có quan hệ thương mại với 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong phát triển kinh tế, Đồng Nai còn đặc biệt chú trọng xây dựng nông thôn mới (NTM) để đem lại cuộc sống thịnh vượng cho người dân vùng nông thôn. Đồng Nai đã trở thành tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
Kinh tế phát triển đã đưa Đồng Nai là một trong những tỉnh có đóng góp ngân sách lớn cho Trung ương. Đồng thời, có nguồn lực để chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tập trung chăm lo người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc tốt hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực chính trị, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy chú trọng lãnh đạo phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Với đặc thù tỉnh có 70% dân số theo các tôn giáo, từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo nên tình hình tôn giáo ở Đồng Nai khá ổn định. Hàng năm, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các hoạt động từ thiện, bác ái xã hội với tổng trị giá trên 300 tỷ đồng; tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng NTM, dân vận khéo... với tổng trị giá khoảng 16 tỷ đồng.
Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng phát huy vai trò nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; giám sát việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Triển khai nhiều mô hình dân vận khéo trong tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để tuyên truyền, vận động, hóa giải những phát sinh phức tạp, không để trở thành “điểm nóng”.
Từ năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai mô hình Buổi sáng với nhân dân, vào đầu giờ các ngày làm việc trong tuần, Bí thư Tỉnh ủy, bí thư cấp ủy và chính quyền các cấp dành 60 phút tiếp dân, doanh nghiệp để lắng nghe, chỉ đạo xử lý kịp thời những ý kiến, kiến nghị, bức xúc của nhân dân mà không cần chờ đến các buổi tiếp dân định kỳ mới tiếp dân.
Mọi chủ trương, chính sách của tỉnh khi được ban hành đều xuất phát từ phương châm lấy dân làm gốc, gắn với đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Người dân đã nhận thức cao về quyền làm chủ, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở vững mạnh. Chính quyền địa phương đã tạo được sự đồng thuận của người dân, từ đó huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, đóng góp cùng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và thực hiện chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/tu-hao-vung-buoc-di-len-9e62aa6/